Áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị Hà Nội

Chiều 29/11, tại Hội nghị Chuyên đề Thành phố Thông Minh tại Châu Á trong chuỗi Hội nghị thành phố Việt Nam – Châu Á 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng các giải pháp về công nghệ số có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề về thành phố thông minh, để nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ, nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

anh-hai(1).jpg

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu khai mạc tại phiên chuyên đề 3 chiều 29/11.

Phát biểu khai mạc tại phiên chuyên đề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: “Hầu hết sự tăng trưởng của châu Á đều đã, và sẽ tiếp tục, diễn ra tại khu trung tâm đô thị với hơn 2 tỷ người đang sinh sống tại các đô thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đi kèm với các thách thức tiềm tàng về những vấn đề quan trọng như ùn tắc giao thông, chất lượng nước/không khí, nghèo đói, bất bình đẳng, cách biệt giữa thành thị – nông thôn, vấn đề về an ninh, an toàn cho người dân.

Với quan điểm phát triển Xanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm… Các giải pháp về công nghệ số có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề này, để nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ, nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân từ khu vực thành thị đến nông thôn, tạo ra nhiều cơ hội mới cho người dân trong một không gian sống, lao động, học tập rộng lớn hơn, nhiều tiện ích và đầy tính sáng tạo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải

Tại phiên thảo luận, Phó Giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho rằng: Đô thị thông minh là đô thị hội tụ của các yếu tố: Cơ sở hạ tầng hiệu quả; môi trường sống thân thiện và phát triển KT-XH bền vững, được biểu hiện qua hệ thống Giao thông thông minh, Kinh tế thông minh, Cuộc sống thông minh, Chính quyền thông minh, Con người thông minh và Môi trường thông minh.

Theo Quyết Định 950/QĐ-TTG Ngày 01/8/2018 về việc Sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.

anh-phuong-so-xd.jpg
Phó Giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội Luyện Văn Phương trình bày tham luận.

Việc sử dụng công nghệ thông tin thì, người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi người trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh; Ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ.

Đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của đô thị; Kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên trong phát triển đô thị thông minh bền vững; Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Giai đoạn từ 2018-2020, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Điển hình như thành phố tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; Phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, an toàn, vùng phủ dịch vụ rộng, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển mạng 4G. Cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công thống nhất toàn thành phố.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cũng như phát triển du lịch, thông qua ứng dụng Smart Tourism (hệ thống du lịch sinh thái) (phối hợp VNPT). Triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội; Phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch; Bản đồ số du lịch Hà Nội; Hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội; Phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch. Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử vào các lĩnh vực: Quy hoạch, quản lý đất đai, du lịch, giao thông, dịch vụ công trực tuyến v.v… Trong năm 2019, thành phố đã tiến hành xây dựng dự thảo Đề cương Đề án “Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU ngày 17/3/2021, trong đó Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng 02 đến 03 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh (gồm: dự án Thành phố thông minh tại các xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh; dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ – Đại Mỗ – Vinhomes Park tại các phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; dự án Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh).

toan-canh-29_11.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề 3 chiều 29/11.

Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội đề xuất kiến nghị tại chuyên đề với 4 đề xuất chính: Hướng dẫn áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, phát triển hạ tầng đô thị thông minh và các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị; Đầu tư xây dựng khu đô thị mới áp dụng các giải pháp đô thị thông minh; Hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về phát triển đô thị thông minh.

Bên cạnh đó Hà Nội cần ban hành các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định, hướng dẫn liên quan đến quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thông minh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triên đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, thành phổ thông minh; chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho đô thị thông minh.

Đồng thời Hà Nội cũng cần ban hành các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia; trách nhiệm của chủ đầu tư, của chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng, phát triển các khu đô thị mới có tính chất đặc thù như theo định hướng đô thị thông minh.

Đánh giá, xác định khu đô thị thông minh, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia, làm cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng, phát triển một số khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố theo định hướng đô thị thông minh, ông Lương chia sẻ.

Các nội dung tại chuyên đề cung cấp thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm, bài học cả lý luận và thực tiễn về chiến lược, giải pháp xây dựng thành phố thông minh nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại ở các đô thị, thúc đẩy sự phát triển phồn thịnh, hướng tới mục tiêu chung của sự phát triển đô thị thông minh phát triển xanh và bền vững với một mục tiêu xuyên suốt lấy người dân làm trung tâm, hướng tới xây dựng khu vực Châu Á phát triển xanh, hài hòa bền vững./.

T.Trang- Đ.Thế

Áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị Hà Nội (nguoihanoi.vn)