Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trả lời câu hỏi của cơ quan báo chí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. |
Ngày 17/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 8902/STNMT-KS ngày 17/11/2023 báo cáo UBND Thành phố kết quả nội dung nêu trên.
“Qua rà soát kết quả báo cáo, do đây là nội dung lớn, quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nên công tác kiểm tra cần thời gian tổng hợp đánh giá lại, nghiên cứu xem xét chi tiết, cụ thể để đánh giá nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng về đánh giá trữ lượng cho đến lập hồ sơ, tổ chức đấu giá đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Ngày 21/11/2023, Văn phòng UBND Thành phố đã có Văn bản số 13860/VP-TNMT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố tiếp tục giao Thanh tra Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị tư pháp, tài chính, Xây dựng, Công Thương, Công an Thành phố kiểm tra rà soát kỹ, báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 1087/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 29/11/2023 và số 14461/VP-TNMT ngày 4/12/2023 truyền đạt ý kiến của lãnh đạo UBND Thành phố yêu cầu Thanh tra Thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được UBND Thành phố giao tại Văn bản số 13860/VP-TNMT ngày 21/11/2023. Hiện nay các đơn vị đang chủ động để có báo cáo.
“Về thời hạn thực hiện kết quả theo chỉ đạo của Thủ tướng trước ngày 20/11/2023, do cần có thời gian đủ để tổng hợp, nghiên cứu xem xét chi tiết, cụ thể, đảm bảo báo cáo Thủ tướng theo đúng tinh thần của Công điện, UBND Thành phố đã có Văn bản số 4030/UBND-TNMT ngày 29/11/2023 báo cáo tình hình, kết quả thực hiện và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố tiếp tục báo cáo trước ngày 15/12/2023. Hiện nay Văn phòng UBND Thành phố đang đôn đốc các đơn vị để báo cáo kịp thời với Thủ tướng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. |
Trước đó, ngày 5/11/2023, Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội đã phối hợp với Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát (3 mỏ cát): mỏ Châu Sơn, mỏ Liên Mạc (Thượng Cát), mỏ Tây Đằng – Minh Châu.
Tại phiên đấu giá, 3 mỏ cát có 3 đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng. Cụ thể, Mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là hơn 703.500m3. Giá khởi điểm được đưa ra là 2,881 tỷ đồng, qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức xác định được giá trúng là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603m3. Giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng, sau 53 vòng, giá đấu trúng là 408,290 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.
Mỏ Tây Đằng – Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m3, giá khởi điểm là 19,29 tỷ đồng, qua 21 vòng đấu, giá trúng đấu giá là 883,93 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Về vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Công điện nêu rõ, trên địa bàn thành phố Hà Nội, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Châu Sơn và Tây Đằng – Minh Châu (huyện Ba Vì) cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế – xã hội và thị trường vật liệu xây dựng.
Để quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát toàn bộ quy trình đấu giá.
Không để tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Trường hợp vi phạm trong đấu giá ba mỏ cát phải được phát hiện sớm và xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/11/2023.