Chia sẻ về việc khai thác không gian công cộng Bãi Giữa sông Hồng từ góc nhìn quản lý đô thị của quận Hoàn Kiếm, TS.KTS Phạm Tuấn Long, cho biết, những năm qua, Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang hướng đến xây dựng nhiều không gian công cộng phục vụ cho người dân cũng như quảng bá các giá trị di sản đô thị tới du khách trong và ngoài nước.
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ); mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội khu vực Bãi Giữa sông Hồng được xác định nằm trong khu vực hành lang xanh sông Hồng. Khu vực này nằm trong ranh giới Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng được xác định là đất cây xanh, vui chơi giải trí.
“Từ năm 1900 trở lại đây, sông Hồng không xảy ra lũ lớn. Khu vực Bãi Giữa có cốt cao không bị ngập lụt. Các lạch cạn ven bờ có xu thế bồi khiến việc quản lý, khai thác, sử dụng khu vực Bãi Giữa sông Hồng chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn diện tích Bãi Giữa sông Hồng nằm trong khu vực giáp ranh thuộc địa giới quản lý của nhiều phường bao gồm: Tứ Liên, Yên Phụ (Tây Hồ); Phúc Xá (Ba Đình); Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm); Ngọc Thụy (Long Biên)… do vậy, việc phân định ranh giới trên thực địa gặp nhiều khó khăn”, TS.KTS Phạm Tuấn Long, chia sẻ.
Đồng thời, công tác quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực Bãi Giữa sông Hồng chưa được các địa phương quan tâm và thống nhất phương thức quản lý dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất và mức độ. Nhiều hộ dân tự ý dựng lều lán tạm với kết cấu chủ yếu là nhà khung cột tre, mái lá, vách liếp, diện tích từ 15 – 25m. Thậm chí, một số công trình xây dựng kiên cố như nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép, mái và vách lợp tôn, cổng sắt, đường bê tông… đã xuất hiện.
Trước thực trạng này, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm (xử lý tháo dỡ các công trình có tính chất xây dựng và trồng cây lâu năm, trở lại không gian thoát lũ sông Hồng) ngay từ khi mới phát sinh; giải tỏa; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý những đối tượng có hành vi mua bán đất trái pháp luật tại khu vực này.
Từ góc nhìn quản lý đô thị của quận Hoàn Kiếm, TS.KTS Phạm Tuấn Long, cho biết, việc quản lý khai thác phần diện tích Bãi Giữa, bãi bồi ven sông Hồng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống lấn chiếm, chống lại các yếu tố gây tác hại cho môi trường, đồng thời tạo dựng hình ảnh cảnh quan tự nhiên khu vực bãi sông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, vận tải phát triển kinh tế Thủ đô.
Với diện tích bãi nổi giữa sông Hồng khoảng 307 ha (trong đó phần diện tích bãi nổi giữa thuộc các quận Hoàn Kiếm khoảng 23 ha, Ba Đình khoảng 13,1 ha, Tây Hồ khoảng 90,7 ha và Long Biên khoảng 180,2 ha), khu vực sông Hồng cảnh quan có vị trí trọng tâm của khu vực trung tâm Thành phố đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch trên địa bàn Thủ đô.
Khu vực Bãi Giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch sẽ cảm nhận một không gian sống mật độ cao, tích tụ nhiều tầng văn hóa, mà còn được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh sinh thái trên mặt nước.
TS.KTS Phạm Tuấn Long
TS.KTS Phạm Tuấn Long, thông tin thêm, theo tiêu chuẩn cây xanh trong đô thị, có thể thấy Thành phố Hà Nội đang thiếu không gian cây xanh công cộng, các công viên mở với diện tích lớn. Hiện các không gian cây xanh quy mô nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng của người dân, trong khi Thành phố đang phải tích cực khắc phục tình trạng ô nhiễm với mục tiêu tạo lập sự cân bằng trong hệ sinh thái đô thị của Thủ đô.
Người đứng đầu chính quyền quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, thực tế, không phải Thành phố nào trên thế giới cũng có điều kiện để hướng về không gian mặt nước – xanh, để tạo nên một hành lang xanh dọc theo trục sông Hồng, một viễn cảnh của một chuỗi các không gian xanh, đa dạng, các Công viên văn hóa, lịch sử, các Công viên du lịch sinh thái, giải trí gắn liền mặt nước sông Hồng của Hà Nội. Đây cũng là điểm xuất phát để các doanh nghiệp có điều kiện khai thác các không gian ven sông Hồng một cách hiệu quả và bền vững. Và đây cũng là thời điểm tuyệt vời để các khu dân cư ven sông tự quản trị, biến đổi thành môi trường sống xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn cho phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh việc quản lý, khai thác không gian công cộng khu vực bãi giữa sông Hồng, tạo thành một điểm tham quan du lịch bổ trợ cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội còn góp phần giải quyết các vấn đề về quản lý chống lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, khôi phục lại giao thông đường sông, cải thiện vệ sinh môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với định hướng về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Ngoài ra, khái thác được khu vực này sẽ tạo lập hình ảnh Thành phố hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, cùng với có bản sắc và truyền thống lâu đời, tôn trọng các khu vực bảo tồn, đặc biệt đoạn đi qua đô thị trung tâm./.
Theo tìm hiểu của phóng viên tạp chí Người Hà Nội, trong năm 2023, Thường trực quận ủy Hoàn Kiếm và Thường trực quận ủy Long Biên đã có các cuộc làm việc về công tác quản lý, sử dụng và phát triển khu vực Bãi Giữa, bãi ven sông Hồng trên địa bàn hai quận. Dự tính, khu vực Bãi Giữa sẽ tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, giúp du khách được tham quan, chụp ảnh, hưởng thụ giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, hình thành thêm khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, tập thể thao cơ bản theo địa hình tự nhiên…
Khu vực bãi bồi ven sông Hồng dự tính tổ chức khu chức năng không gian công viên cây xanh, khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch. Phát triển khu dịch vụ, khu vực thể thao làm nơi sinh hoạt cộng đồng gắn liền không gian mặt nước; không gian sáng tạo với trọng tâm nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng…
Quỳnh Chi