Kể chuyện âm nhạc dân gian trong lòng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Sáng 19-11, tại Phân xưởng nóng (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) thực hiện chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống “Đường trường”.

Đây là hoạt động trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, khai thác chất liệu dân gian hát xẩm và chèo, nhằm gợi nhắc lại ký ức châu thổ sông Hồng trong bối cảnh công nghiệp hiện đại.

Buổi trình diễn nghệ thuật biến không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành một sân khấu chuyên nghiệp, mang đến cho khán giả cơ hội cảm thụ những giá trị nguyên bản của âm nhạc dân gian vùng châu thổ sông Hồng, tiếp thêm chất liệu và cảm hứng để bắt đầu một hành trình sáng tạo mới, thoát khỏi những giới hạn thông thường của di sản thông qua cảm thụ và trải nghiệm tương tác.

Hòa theo chủ đề của lễ hội “Dòng chảy”, chương trình kể cho khán giả nghe câu chuyện của miền đồng bằng châu thổ qua các điệu chèo, xẩm mộc mạc.

543-202311191312411.jpg
Bài hát “Đoạn trường nhân khang” đưa khán giả đến khung cảnh sinh hoạt lao động và hội hè náo nhiệt của vùng châu thổ sông Hồng.
543-202311191312412.jpg
Nghệ sĩ Trần Ngát thể hiện trích đoạn “Xúy Vân giả dại” trong vở chèo cổ “Kim Nham”.
543-202311191312413.jpg
543-202311191312414.jpg
Trong chương trình, khán giả được trực tiếp trải nghiệm hóa thân thành nhân vật chèo, với sự hướng dẫn của hai nghệ sĩ Trần Ngát và Văn Đức.
543-202311191312415.jpg
Tiết mục chèo cổ “Đường trường vị thủy” do nghệ sĩ Văn Phương thể hiện.
543-202311191312416.jpg
Mở đầu cho phần hát xẩm là bài “Bắc Kỳ vui nhất Hà thành” được trình diễn mộc mạc, thu hút sự hưởng ứng của khán giả.
543-202311191312417.jpg
Người nghe đắm chìm trong những tiết mục chèo, xẩm bình dị, dân dã.
543-202311191312418.jpg
Màn giao lưu tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả trong bài xẩm “Tre Việt Nam”, kéo gần khoảng cách âm nhạc truyền thống, nghệ thuật dân gian với đời sống hiện đại.
543-202311191312429.jpg
Ban tổ chức và các nghệ sĩ trong chương trình.

Ban tổ chức nhấn mạnh, “Đường trường” khẳng định sự trường tồn và sức sống bền bỉ của di sản, đồng thời chứng minh sức sáng tạo của con người trên con đường bảo tồn và phát triển di sản.

Trần Thị Khánh Linh

Kể chuyện âm nhạc dân gian trong lòng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (hanoimoi.vn)