Nâng tầm thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

Để nâng tầm thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội cần phải có kế hoạch đầu tư bài bản, có chính sách riêng về phát triển nguồn lực, không gian phát triển cho các sáng tạo – Đó là những vấn đề được đặt ra tại tọa đàm quốc tế “Thành phố Sáng tạo Hà Nội – Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 21-11.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh:

Cần có cơ chế về sử dụng không gian sáng tạo

19a10047-2.jpg
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh.

Hà Nội có rất nhiều cơ hội, nguồn lực để phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” nhưng hiện chúng ta chưa phát triển xứng đáng như cơ hội đang có. Một trong những vấn đề đặt ra là cần có chính sách chung trong quy hoạch không gian cho các sáng tạo. Vấn đề sử dụng đất, quy hoạch đô thị cũng cần cơ chế riêng để tạo không gian sáng tạo mang tính bền vững, giúp các nhà sáng tạo yên tâm đầu tư và tạo ra những sản phẩm sáng tạo bền vững, lâu dài.

Trong Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội cũng nêu rõ 13 nhóm ngành, nghề cơ bản. Những nhóm, ngành nghề này khi có cơ hội làm việc, hợp tác với nhau đều có thể tạo ra sự bùng nổ, mang lại hiệu quả cao trong thu hút công chúng. Ty nhiên, việc sắp xếp, tổ chức các ngành nghề này đặt ra bài toán về xây dựng hệ sinh thái chung, cần tổ hợp sáng tạo đủ lớn. Hà Nội hiện còn có những không gian bị bỏ hoang có thể khai thác, sáng tạo để đưa vào đời sống. Thành phố nên có cơ chế để sử dụng những không gian này.

Ông John Peto đến từ Thành phố Sáng tạo Văn hóa Derry-Londonderry:
Phát huy khả năng sáng tạo của xã hội

Hoạt động sáng tạo cần được phát huy toàn xã hội và tập hợp các sáng tạo ấy cho sự phát triển. Chính vì vậy, các thành phố cần đầu tư kỹ năng sáng tạo để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ, phối hợp sáng tạo, biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.

1(1).jpg
Tọa đàm “Hà Nội Thành phố sáng tạo – xây dựng thương hiệu và nguồn lực phát triển”.

Thủ đô Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với thành phố Londonderry. Khi bắt đầu xây dựng Thành phố sáng tạo, chúng tôi cũng gặp những xung đột trong phát triển giống như Hà Nội bây giờ. Việc thiếu không gian cho sáng tạo là vấn đề của rất nhiều thành phố. Ở đây, vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý rất quan trọng trong việc tạo nguồn lực, cơ chế, cơ hội để tập hợp cộng đồng, khơi nguồn cho những sáng tạo phát triển.

Để phát triển Thành phố sáng tạo bền vững và lâu dài, yếu tố cộng đồng, con người đóng vai trò rất lớn, quyết định thành công trong việc phát triển thương hiệu của thành phố.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (Khoa Các khoa học liên ngành, Ðại học Quốc gia Hà Nội):
Mong có nhiều không gian sáng tạo

368571339_3104184936379170_4543109875378571555_n.jpg
Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế.

Hà Nội hiện có các không gian sáng tạo nhưng chưa nhiều. Vì thế, việc có một không gian như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm với diện tích rộng lớn là cơ hội, niềm vui rất lớn với những người sáng tạo nghệ thuật để được thỏa sức sáng tạo. Không gian này đã tập hợp được rất nhiều ngành, nghề như thiết kế mỹ thuật, thiết kế thời trang, âm nhạc…, mang đến trải nghiệm độc đáo và mới lạ cho công chúng.

Những nhà thiết kế sáng tạo chúng tôi rất mong Hà Nội có nhiều không gian như thế để có thể tập hợp được đội ngũ sáng tạo của Thủ đô và cả nước. Thực tế, đã có những không gian sáng tạo của Hà Nội hoạt động không hiệu quả phải dừng lại; cũng có những nơi đang hoạt động nhưng vì nhiều lý do cũng phải dừng.

Để xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, ngoài cơ chế, chính sách, quy hoạch không gian đô thị, còn cần sự chung tay, chia sẻ và nỗ lực của cộng đồng sáng tạo vì mục tiêu phát triển chung của thành phố.

Ngô Quý Đức – người sáng lập dự án Về làng:
Chú trọng phát triển không gian sáng tạo làng nghề

Hà Nội có 1.350 làng nghề, nhiều năm nay, việc phát triển không gian làng nghề được thành phố quan tâm. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo.

387506900_2066896007007244_2289782988133956600_n.jpg
Người sáng lập dự án Về làng: Ngô Quý Đức.

Hiện nay, không gian làng nghề tuy đã được các địa phương chú trọng nhưng việc đầu tư nguồn lực chưa tương xứng nên chưa đạt hiệu quả. Vì thế, nhiều sản phẩm sáng tạo của các làng nghề còn thiếu và yếu, các mẫu mã sản phẩm nhiều năm nay không thay đổi, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.

Tôi cho rằng, Hà Nội không thiếu nguồn lực con người, chúng ta có các nhà thiết kế trẻ là những sinh viên học mỹ thuật của nhiều trường đại học, các làng nghề với nhiều thợ giỏi, tay nghề cao. Vấn đề là cần có sự kết nối để các nhà thiết kế gặp gỡ được các nghệ nhân làng nghề. Để làm được điều đó, các trường nên thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại, khảo sát, đưa sinh viên về làng nghề trong một khoảng thời gian đủ dài để nghệ nhân và nhà thiết kế gặp gỡ, hiểu nhau, từ đó sáng tạo ra được những sản phẩm mới, góp phần làm phong phú sản phẩm quà tặng cho Thủ đô.

Hoàng Lân

Nâng tầm thương hiệu “Thành phố sáng tạo” (hanoimoi.vn)