Nhân rộng những không gian nghệ thuật: Xác lập hình ảnh Thành phố sáng tạo

Ngày 30-10-2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đón nhận cơ hội này, Hà Nội đã nỗ lực không ngừng trở thành đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, lấy nền tảng di sản, các tài năng trẻ và tư duy thiết kế làm điểm tựa để phát triển bền vững. Trên nền tảng đó, những không gian thực hành nghệ thuật tại Hà Nội cũng liên tục được nhân rộng, trở thành những thiết chế mới mẻ, linh hoạt, góp phần thay đổi diện mạo đời sống văn hóa Thủ đô.

sang-tao.jpg

01

MẠNH HƠN MỘT CAM KẾT

Hà Nội hiện là địa phương có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng không chỉ của các cấp chính quyền mà còn của mỗi tấm lòng vì Hà Nội. Nhiều sáng kiến, sự kiện được tổ chức với một tâm thế dốc sức khai thác hết tiềm năng, thổi tinh thần khai mở sáng tạo đến mỗi con người, khiến từng tấc đất đều có thể trở thành không gian cho sáng tạo.

ĐÚNG CAM KẾT

Ngày 30-10-2019, thành phố Hà Nội được vinh danh là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Thành phố đánh giá, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

toa-dam.jpg
Tọa đàm về Thành phố Sáng tạo Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau gần 4 năm, Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới với việc tổ chức được 8 hội thảo, tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội – Thành phố sáng tạo; hình thành Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, với việc xây dựng, củng cố mạng lưới các không gian sáng tạo, Hà Nội đã những bước tiến rõ rệt, thể hiện một quyết tâm, tinh thần sáng tạo “mạnh hơn một cam kết”. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu như: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…

bot-hang-dau.jpg
Phối cảnh thiết kế bốt Hàng Đậu sau khi được cải tạo và mở cửa cho người dân tham quan. Ảnh: BTC

Trong hầu hết các hội thảo, tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế đều đề cập đến việc củng cố, xây dựng thêm nhiều thiết chế, mở rộng các không gian sáng tạo. Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1-4-2022 về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đưa ra 8 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu liên quan tới việc mở rộng không gian sáng tạo.

Có thể kể đến như việc: Xây dựng Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022; xây dựng Mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư. Hoàn thành thí điểm và kết nối tương tác từ 3-5 trung tâm năm 2023; mở rộng mô hình chuyển đổi, cải tạo, tái hiện, phát triển các di sản văn hóa (di sản công nghiệp, di sản đô thị, di sản kiến trúc, di sản ký ức, các thiết chế văn hóa…) trở thành các không gian văn hóa sáng tạo.

Như vậy, sau gần 4 năm thực hiện, dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội vẫn kiên định với những cam kết cùng UNESCO. Và không chỉ gói trong những hội thảo, những ý tưởng, kế hoạch…, tinh thần khai mở sáng tạo ấy đã được “chảy tràn” ra đời sống, đã tạo nên sự thay đổi đáng kể, đặc biệt ở việc tạo dựng những không gian sáng tạo mới.

Pavilion “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” do TOOB Studio thiết kế.

NHÂN RỘNG KHÔNG GIAN SÁNG TẠO

Một trong những thay đổi dễ nhận và có sức tác động lớn đến cộng đồng, khiến người ta phải “à, ồ” ngạc nhiên chính là sự cải biến không gian. Các nhà máy công nghiệp được cải biến thành không gian sáng tạo, những khu vực công cộng với nhiều vấn đề dân sinh, môi trường phức tạp trở thành nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật, không gian đi bộ thưởng thức nghệ thuật đường phố ngày một nhiều… – “trăm nghe không bằng một thấy”, trực quan sinh động luôn có một sức mạnh khó cưỡng!

Một trong những ý tưởng góp phần lôi cuốn người dân đến với các không gian sáng tạo, “thổi bùng” lên tinh thần sáng tạo trong cộng đồng phải kể đến chuỗi Lễ hội Thiết kế sáng tạo do Hà Nội tổ chức thường niên. Qua 3 mùa (năm 2021 với chủ đề “Khơi nguồn Sáng tạo”, năm 2022 với chủ đề “Sáng tạo và công nghệ” và năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy”), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã thực sự trở thành một thương hiệu văn hóa có dấu ấn đậm nét với người dân Thủ đô.

Không gian nghệ thuật tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Nếu như năm 2021, sự kiện này mang đến cho công chúng những ý tưởng thú vị thông qua cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, thì đến năm 2022, lễ hội đã đưa công chúng trải nghiệm gần 50 hoạt động ở 25 không gian sáng tạo rải rác trên địa bàn Thủ đô. Năm nay, lễ hội diễn ra ở quy mô lớn hơn với sự tham gia của 200 đơn vị với hơn 60 hoạt động văn hóa. Đặc biệt, không gian của lễ hội vừa có tính tập trung, vừa có sự kết nối khi được thực hiện tại các địa điểm: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân, ga Long Biên, ga Gia Lâm; nhiều hoạt động văn hóa, sáng tạo được tổ chức ở nhiều quận, huyện, thị xã…

Lễ hội đã mang đến cho công chúng ấn tượng sâu sắc về việc biến di sản công nghiệp trở thành không gian cho sáng tạo. Theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã biến một di sản công nghiệp cũ, với cơ sở hạ tầng đã xuống cấp thành một nơi để sáng tạo, để nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư, giới âm nhạc… được gặp nhau và tương tác với công chúng.

ong-kinh.jpg

Việc “đánh thức” những không gian di sản công nghiệp là rất cần thiết và có thể sẽ là tiền đề để những không gian khác ở Hà Nội tái tạo được một đời sống mới.

Kiến trúc sư HOÀNG ĐẠO KÍNH

CHĂM LO CHO “NGÔI NHÀ SÁNG TẠO”

Tại hội thảo “Tham vấn về Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội” tổ chức đầu tháng 10 vừa qua, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đánh giá: “Hà Nội là nơi tập trung nguồn lực sáng tạo và là nơi có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước với 124 không gian văn hóa sáng tạo ở nhiều lĩnh vực đa dạng. Điều này mang đến cho thành phố những ưu thế to lớn trong khả năng kết nối cộng đồng sáng tạo, lan truyền cảm hứng sáng tạo cũng như làm giàu bản sắc, sức hấp dẫn cho đô thị trên nền tảng của các giá trị truyền thống”.

Các không gian sáng tạo tại Hà Nội hiện nay đa dạng về hình thức sở hữu, loại hình hoạt động. Trong số 124 không gian sáng tạo, có 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân, 6 không gian công cộng… Ngoài các không gian bảo tàng, làng nghề, phố đi bộ…, còn có 4 không gian trực tuyến.

ong-kinh.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng.

Phát triển không gian sáng tạo để người dân Thủ đô và du khách hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Để phát huy tiềm năm, khai thác tối đa các không gian sáng tạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đang xây dựng Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội – hướng đến thành lập mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội. “Chúng tôi xây dựng Bộ Tiêu chí với mong muốn giữ gìn, phát triển không gian sáng tạo để người dân Thủ đô và du khách hưởng thụ các giá trị văn hóa”, ông Đỗ Đình Hồng nói.

Như vậy, sau 4 năm là Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã có những bước đi vững chắc trong thực hiện sáng kiến, cam kết với UNESCO, đặc biệt là trong việc xây dựng mạng lưới không gian sáng tạo. Đây là thiết chế quan trọng để tập hợp và thổi bùng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo của cộng đồng, phát huy tối đa “sức mạnh mềm” văn hóa để phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

sang-tao.jpg

02

CẦN CÓ CƠ CHẾ MANG TÍNH DÀI HƠI

Không chỉ ở nhà hát, bảo tàng, giờ đây, người dân Thủ đô dường như có thể “chạm” vào nghệ thuật ở nhiều không gian đa dạng. Các di tích, công trình cổ, cũ, thậm chí cả những ngõ ngách, bờ sông hay nơi từng là bãi rác… cũng có thể là nơi để thực hành hay trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Điều này mang đến một sắc vóc mới cho đời sống nghệ thuật, nhưng cũng đặt ra nhiều đòi hỏi với cả nghệ sĩ, công chúng và cơ quan quản lý.

THỰC HÀNH NGHỆ THUẬT Ở BẤT CỨ ĐÂU

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 vừa diễn ra tạo dấu ấn lớn cho cộng đồng, mang đến một dáng vẻ mới, một sức sống mới cho nhiều công trình, địa điểm của Thủ đô. Với hơn 60 hoạt động văn hóa, trong đó có 20 sự kiện trưng bày và triển lãm, 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…, lễ hội đã tạo nên bầu không khí sôi động ở những địa điểm được lựa chọn.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã “đánh thức” nhiều không gian di sản bằng các hoạt động nghệ thuật.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên và ga Gia Lâm – những địa danh thân thuộc nhưng hầu như chưa có tên trên “bản đồ hoạt động nghệ thuật” nay trở thành điểm đến thu hút hàng nghìn du khách.

Người dân xếp hàng dài trước Tháp nước Hàng Đậu để được trải nghiệm không gian trưng bày thú vị bên trong công trình có tuổi đời gần 130 năm này. Và, rất nhiều người tìm lại cảm giác “nhảy tàu” đi từ ga Hà Nội tới ga Long Biên, ga Gia Lâm, tìm đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để thưởng thức hoạt động biểu diễn, triển lãm ở đây.

Trước đó, Hà Nội cũng đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi, biến các không gian bình thường trở thành không gian dành cho nghệ thuật. Chẳng hạn, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã góp phần cải tạo khu xóm bờ sông với ngổn ngang phế liệu, rác thải trở thành một không gian thực hành, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tái chế, thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn hóa, giới mỹ thuật và người dân Thủ đô. Mặc dù hiện nay nhiều tác phẩm đã xuống cấp, cần được tu sửa, song không thể phủ nhận rằng, dự án đã góp phần thay đổi môi trường, cuộc sống của người dân nơi đây.

Hay một số nhà máy cũ giờ đã trở thành không gian sáng tạo thường xuyên được nhắc đến, như Complex 01 được cải tạo lại từ Nhà máy in Công đoàn, 282 Workshop vốn là nhà máy sản xuất mũ cối có từ những năm 1970… Đặc biệt là không thể không nhắc đến không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Nơi đây đã thực sự trở thành một “sân khấu khổng lồ”, tập hợp rất nhiều không gian nhỏ và đa dạng cho các hoạt động nghệ thuật, trình diễn, triển lãm…, là điểm hẹn văn hóa không thể thiếu của người dân Thủ đô và du khách vào dịp cuối tuần hoặc những dịp lễ quan trọng.

lehoitke.jpg
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Những sự kiện nói trên mang đến cho người dân cảm giác rằng, bất cứ đâu cũng có thể trở thành không gian nghệ thuật, chỉ cần người nghệ sĩ biết đặt vào đó tâm hồn, tài năng, đặc biệt là sự trân trọng với những giá trị vốn có của nơi chốn ấy.

Giám tuyển Vân Đỗ – Giám đốc nghệ thuật Á Space chia sẻ: “Trước đây, khi nói đến nghệ thuật, người ta thường nghĩ tới những “thánh đường” nhà hát, bảo tàng, nhà triển lãm…, nhưng hiện nay còn có một xu hướng, đó là tận dụng những không gian có sẵn, có thể là nhà ở, nhà máy, kho bãi… cho các sự kiện ngắn hạn hoặc biến đổi nó thành không gian thường xuyên cho hoạt động nghệ thuật. Tôi nghĩ đây là hướng tiếp cận rất linh hoạt, hợp lý, phù hợp với môi trường thực hành nghệ thuật hiện nay, giúp các nghệ sĩ tiết kiệm chi phí, tạo môi trường sáng tạo mới mẻ”.

NGHỆ THUẬT DỰA TRÊN ĐẶC THÙ NƠI CHỐN

Chính sự đa dạng về không gian cũng góp phần làm thay đổi quan niệm thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ và quan điểm tiếp nhận nghệ thuật của công chúng. Cùng với câu hỏi “biểu diễn/đặt để tác phẩm ở đâu?”, giờ đây, nghệ sĩ sẽ tìm câu trả lời cho câu hỏi “làm tác phẩm gì để phù hợp với nơi chốn ấy?”.

le-uyen.jpg
Giám tuyển Lê Thuận Uyên – Giám đốc nghệ thuật tổ chức The Outpost.

Giám tuyển Lê Thuận Uyên – Giám đốc nghệ thuật tổ chức The Outpost, người đã tham gia nhiều dự án thực hành nghệ thuật tại các không gian khác nhau chia sẻ: “Khi đến với một không gian, tôi luôn tự hỏi có thể làm gì với nó”. Thuận Uyên đã rất thành công khi đưa triển lãm “Gang of five: Lạc bước tân kỳ” đến Trường quay Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) năm 2017, hay thực hiện vở “Hai nàng Nguyệt Cô” tại Xưởng phim của Hãng phim truyện Việt Nam vào năm 2018.

Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Lê Thuận Uyên nhận được lời mời “làm gì đó” với các địa điểm như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu… và chị đã góp phần đưa nơi này trở thành địa điểm thực hành nghệ thuật nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng.

“Bí quyết” là không can thiệp quá nhiều vào không gian, tôn trọng không gian, tương tác với chúng nhưng phải kể được câu chuyện mới, phù hợp với nhu cầu của khán giả hiện nay.

Giám tuyển LÊ THUẬN UYÊN

le-uyen.jpg

Do tính đặc thù của nhiều không gian, vốn không dành cho nghệ thuật, các nghệ sĩ buộc phải tìm ngôn ngữ thể hiện phù hợp nhất với nó. Nghệ sĩ đương đại Phạm Minh Hiếu cho hay, để thành công, các nghệ sĩ phải nghiên cứu, hiểu rõ tính chất đặc thù của nơi chốn như kiến trúc, lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa và mối quan hệ với địa bàn dân cư xung quanh… Từ đó, họ sẽ khai đào những ký ức, không gian có sẵn nhằm kiến tạo giá trị, câu chuyện mới để kể cho công chúng.

Một ví dụ thực tế: Những tác phẩm thuộc dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân được công chúng đón nhận bởi nó dựa trên 2 từ khóa quan trọng nhất là “tái chế” và “cộng đồng”. Những tác phẩm tái chế đã kể một câu chuyện đầy cảm hứng về sông, về những dáng vóc quen thuộc… và trở nên hòa hợp với không gian, mang đến giá trị mới cho cộng đồng.

VẪN CÒN NHỮNG BĂN KHOĂN

Là một Thành phố sáng tạo, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Điều này có thể thấy rõ qua sự tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng của những không gian dành cho sáng tạo nói chung và sáng tạo nghệ thuật nói riêng. Và, với xu hướng phát triển bền vững hiện nay, Hà Nội chắc chắn còn có thêm nhiều không gian sáng tạo có diện tích lớn, được chuyển đổi từ các di sản công nghiệp, các khu đất trống trong nội đô.

Giám tuyển Vân Đỗ nhận định: “Là một đô thị có bề dày lịch sử, Hà Nội hiện có quá nhiều không gian, chất liệu để nghệ sĩ lựa chọn. Kể cả những không gian có tính dị biệt cũng có thể trở thành nơi trưng bày nghệ thuật thú vị”.

van-do-2.jpg
Giám tuyển Vân Đỗ – Giám đốc nghệ thuật Á Space.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa sáng tạo nghệ thuật và không gian đô thị cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Chúng ta đã “đánh thức” nhiều không gian có tính di sản, cải tạo nhiều khu vực, nhưng cần một cơ chế để giúp nó “sống lại” thực sự.

“Chẳng hạn như với không gian tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, chúng ta mới chỉ quy hoạch nó cho một lễ hội kéo dài chục ngày. Nhưng nếu thực sự là không gian dành cho nghệ thuật thì cần cải tạo nhiều thứ, phải phân chia không gian, đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh, an ninh… Cũng cần phải tính đến cơ chế vận hành, ai quản lý, ai chịu trách nhiệm. Nên có cơ chế đủ linh động để nghệ sĩ dễ tiếp cận và đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng trong đời sống tinh thần của công chúng” – Giám tuyển Vân Đỗ nhấn mạnh. Bên cạnh đó, giám tuyển này cũng bày tỏ nỗi băn khoăn về sự lãng phí các nguồn lực xã hội khi các không gian lớn chỉ được “đánh thức” trong ít ngày.

Có lẽ, cơ chế mang tính dài hơi cũng chính là điều mà các không gian ở Hà Nội cần để có thể trở thành những “bảo tàng”, “nhà hát”, “sàn diễn” linh hoạt. Cơ chế đó không chỉ đáp ứng được với những tác phẩm, buổi biểu diễn, đợt trưng bày ngắn hạn, mà còn cần tính đến các phương án bảo quản, kinh phí bảo trì, tu sửa đối với những tác phẩm được trưng bày dài ngày.

Câu chuyện về những tác phẩm ở dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân bị hư hỏng, nhếch nhác, nhiều tác phẩm không còn rõ hình hài… chính là một lời nhắc nhở. Để nhân rộng không gian thực hành nghệ thuật, tạo nên một không khí sáng tạo sôi nổi cho Thủ đô, rất cần một sự đồng điệu về nhận thức của cả người thực hành nghệ thuật, công chúng và cơ quan quản lý.

sang-tao.jpg

03

YẾU TỐ CỘNG HƯỞNG ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Là “cha đẻ” của không gian sáng tạo Zone 9, Hanoi Creative City, đồng thời cũng là người “đứng sau” Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 khi đề xuất mở cửa Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu…, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về cách khai thác không gian dành cho nghệ thuật.

– Thưa kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, nhắc nhớ lại một chút về chuyện cũ, khi Zone 9 không còn nữa, ông từng cảm thán “chúng tôi như những người vô gia cư về nghệ thuật”. Vì sao ông phát biểu như vậy?

doan-ky-thanh.jpg
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh.

– Không gian làm việc của các nghệ sĩ vô cùng quan trọng bởi đó không chỉ là nơi làm việc mà còn mang đến cơ hội để làm việc chung với các nghệ sĩ khác, tiếp xúc với khán giả, với cộng đồng, đưa sáng tạo của mình đến với công chúng. Khi Zone 9 không còn, chúng tôi không có chỗ để thực hiện ước mơ đó.

Suốt 10 năm qua, tôi vẫn đi tìm kiếm và đã phát hiện ra nhiều không gian còn bị bỏ hoang. Chẳng hạn như khu bờ vở sông Hồng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm), nơi hoàn toàn có thể trở thành “ngôi nhà” cho các nghệ sĩ sáng tạo, đồng thời góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận Hoàn Kiếm nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung về du lịch và thương mại. Việc cộng hưởng các hoạt động nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo với du lịch là hoàn toàn khả thi và mang đến nhiều tác dụng.

– Đến bây giờ, ông đánh giá thế nào về các không gian nghệ thuật ở Hà Nội?

– Các không gian nghệ thuật tại Hà Nội hiện nay đã nhiều hơn nhưng đang tản mát. Nếu cứ như vậy thì sẽ không tạo được hệ sinh thái. Mọi người đều biết rằng, xây dựng đời sống nghệ thuật, đời sống sáng tạo và công nghiệp sáng tạo chính là xây dựng hệ sinh thái. Để làm được điều đó, chúng ta cần một không gian đủ kích thước, thứ hai là ở vị trí tốt, hoặc có cả hai yếu tố ấy.

“Quận nghệ thuật sông Hồng” mà chúng tôi đề xuất ở khu vực bãi giữa, đó là một vị trí rất tốt, chỉ cách hồ Gươm khoảng 500m, người ta hoàn toàn có thể đi bộ ra đó; nơi đó đồng thời có thể phục vụ cho kinh tế đêm của quận Hoàn Kiếm. Tôi nghĩ rằng, không gian nghệ thuật nên có sự tập trung, đủ diện tích để các nghệ sĩ có thể tập hợp cùng làm việc, trưng bày, bán sản phẩm, giống như chợ nghệ thuật.

Công nghiệp sáng tạo chính là thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo. Đó là một trong những mục tiêu khi chúng ta tạo nên những không gian sáng tạo.

hangdau3.jpg
Du khách xem biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Trọng Hiếu

– Với những không gian đã có, ví dụ như những địa điểm vốn được xây dựng cho nghệ thuật, các không gian được cải tạo, hay những không gian do nghệ sĩ tự khám phá, tự thay đổi công năng thì sao, thưa kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh?

– Mình phải lưu ý đến yếu tố cộng hưởng. Yếu tố cộng hưởng xuất hiện khi chúng ta có được một hệ sinh thái và phải có nhiều ngành nghệ thuật trong cùng một khu, cùng tương tác với nhau, với khách hàng. Các nghệ sĩ vẫn đang sáng tạo, làm ra tác phẩm, nhưng sản phẩm của họ có đến được với công chúng, với khách hàng hay không?

Thực tế là các nghệ sĩ đang rất khó khăn để đưa sản phẩm sáng tạo của mình đến với công chúng, thể hiện qua sự giới hạn về số lượng cũng như tầm ảnh hưởng. Nhưng, nếu hoạt động tương tác, giao dịch ấy xảy ra hoặc được thực hiện trong những trung tâm sáng tạo lớn thì sẽ tạo được sự cộng hưởng về truyền thông, về công chúng. Ở những không gian như vậy, khi các nhà sáng tạo cùng tập hợp với nhau thì đương nhiên khách hàng, độc giả của tôi cũng là khách hàng của anh. Đó là hiệu quả từ sự cộng hưởng.

xe-lua.jpg
Các nghệ sĩ, nhà thiết kế cùng lên kế hoạch tạo dựng các không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Ngoài sự tản mát, các không gian nghệ thuật hiện nay thường không có diện tích đủ lớn. Lý do là tiền thuê không gian lớn thường rất đắt và phải trả rất nhiều chi phí để vận hành hoạt động. Nhưng nếu tập hợp lại thì chúng ta có thể chia sẻ với nhau hệ thống hạ tầng, có những không gian tiện ích dùng chung… Thay vì phải bỏ nhiều tiền thuê phòng trưng bày, mỗi nghệ sĩ có thể chia sẻ cùng cộng đồng nghệ sĩ để sử dụng diện tích trưng bày chung với chi phí ít hơn nhiều. Chi phí thấp ấy chính là kinh tế chia sẻ. Với những trung tâm như vậy, các tiện ích, chi phí quản lý… được chia sẻ, có dòng tiền để quay trở lại phục vụ cho hoạt động sáng tạo.

– Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, cụm từ “đánh thức di sản” được nhắc tới nhiều. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Gia Lâm… là những di sản công nghiệp đã quen thuộc với người dân Thủ đô, nhưng nay nhiều người mới có thể “chạm” tới. Theo ông, nên có giải pháp gì để những không gian như vậy trở thành không gian nghệ thuật thường xuyên, chứ không phải chỉ dành cho các dịp đặc biệt?

– Chúng ta cần xây dựng đời sống sáng tạo và đời sống nghệ thuật, chứ không chỉ là tổ chức sự kiện. Tổ chức sự kiện chỉ mang tính chất “đánh thức”, tác động về mặt nhận thức và đo lường nhu cầu của người dân với cộng đồng sáng tạo. Sau khi đo lường được rồi, chúng ta phải duy trì hoạt động, xây dựng hệ sinh thái để tất cả những hoạt động ấy hiện hữu hằng ngày, không chỉ là phục vụ các sự kiện lâu lâu mới diễn ra một lần.

Tôi nghĩ rằng, 5ha dành cho dự án “Quận nghệ thuật sông Hồng” mà chúng tôi đề xuất là tối thiểu. Trường hợp Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có diện tích 25ha thì cơ hội còn lớn hơn nữa. Tôi nghĩ, cần nhận thức cao hơn nữa về vai trò của công nghiệp sáng tạo, bên cạnh đó là quyết tâm của bộ máy chính quyền.

hangdau3.jpg

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội trở thành lễ hội thường niên là điều rất đáng quý. Nó đã có đời sống và cũng chứng tỏ nhu cầu sinh hoạt nghệ thuật sáng tạo của người dân là rất lớn, nếu mỗi năm chúng ta tổ chức một kỳ lễ hội thì quá ít. Chúng ta cần duy trì hoạt động thường nhật, không những để xây dựng đời sống mà còn để xây dựng cộng đồng, xây dựng những mạng lưới.

– Hiện nay, có quan niệm rằng: Có nhiều không gian có thể dành cho nghệ thuật nhưng nếu làm một cách tùy tiện thì sẽ gây ra sự hiểu lầm trong thực hành sáng tạo. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

– Người làm nghệ thuật mong muốn tự do trong sáng tác. Nhưng mình phải hiểu thế nào là tự do? Là không ảnh hưởng đến người khác và không ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa của nơi chốn, tránh tạo ra những “cú sốc” văn hóa. Các hoạt động tự phát đôi khi có ưu điểm, nhưng cũng có những hạn chế. Điều quan trọng là người nghệ sĩ phải tự nhận thức được vấn đề.

– Qua 10 năm theo đuổi ước mơ hiện thực hóa không gian sáng tạo, ông có điều gì hài lòng và chưa hài lòng với những gì mình đã làm được?

– Những ngày diễn ra Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, tôi dành thời gian cho Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Tôi cảm thấy ký ức của chúng tôi đã quay về, nhìn mọi người đến, đi, trao đổi, làm việc, trình diễn, tham quan một cách hăng say, nhiệt thành. Không khí ấy giống như 10 năm trước đây và khiến tôi xúc động. Tôi mong muốn không gian này trở thành nơi các nghệ sĩ có thể sáng tạo và làm việc, một “ngôi nhà nghệ thuật” chung.

– Trân trọng cảm ơn kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh!

Bài viết: Trà Giang – Thúy Đinh
Ảnh – Video: Hoàng Quyên, Quang Thái và CTV
Thiết kế: Hà Nhung

Nhân rộng những không gian nghệ thuật: Xác lập hình ảnh Thành phố sáng tạo (hanoimoi.vn)