Thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng: Khó vạn lần dân liệu cũng xong

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhờ thực hiện tốt lời dạy này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các địa phương của thành phố Hà Nội đã tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong quá trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng, qua đó, vừa có thể gìn giữ, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp, vừa cập nhật kịp thời các yếu tố văn minh của thời đại.

ve-sinh-moi-truong.jpg

Người dân chung tay dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc hoa tạo cảnh quan xanh cho tuyến đường nông thôn tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Loại bỏ hủ tục

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố Hà Nội hiện có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố có quy ước, hương ước. Về cơ bản, hương ước, quy ước là tập hợp quy tắc ứng xử chung do người dân tự xây dựng, thỏa thuận và thực hiện, trở thành công cụ “mềm” để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội ở cơ sở. Những vấn đề hạn chế, hủ tục được các cộng đồng tập trung loại bỏ, những yếu tố mới phù hợp được ưu tiên cập nhật.

Nhận thấy những hủ tục còn tồn tại trong việc tang là vấn đề khó khắc phục bậc nhất do liên quan đến yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, nên hương ước, quy ước của đa số cộng đồng đặt ra nhiều quy tắc cho nội dung này. Sau nhiều năm thực hiện với tinh thần tự nguyện, tự giác, nếp sống văn minh trong việc tang dần hình thành rõ nét.

Tại huyện Đông Anh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, hiện nay, việc tổ chức tang lễ trên địa bàn huyện diễn ra đơn giản, ngắn gọn, không ăn uống tràn lan. Đáng chú ý, 98% gia đình có người qua đời ở huyện Đông Anh đưa thi hài người thân đi hỏa táng. Cũng nhờ thực hiện quy ước cộng đồng, các gia đình tại xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai) hiện không sử dụng phường bát âm trong đám tang, giúp tiết kiệm từ 5 đến 7 triệu đồng/đám.

Ngoài những địa phương nêu trên, việc thực hiện quy ước tang văn minh mang lại những kết quả đáng ghi nhận ở tất cả các quận, huyện, thị xã, rõ nhất là tỷ lệ hỏa táng hiện đạt hơn 70%…

Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” dẫn đến bất bình đẳng giới cũng đã được nhiều thôn, làng, tổ dân phố đưa vào quy ước cộng đồng. “Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Thạch Thất có những quy tắc ứng xử đề cao, tôn trọng vai trò của phụ nữ. Điều này góp phần tạo môi trường tiến bộ từ gia đình, cộng đồng để giới nữ có điều kiện phát triển toàn diện”, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất Phạm Quang Thái cho hay.

Trong xu thế phát triển thì hệ thống đường giao thông cần được mở rộng, nâng cấp. Hiểu rõ điều này, đa số cộng đồng đưa tiêu chí giữ gìn cảnh quan, không gian đường làng, ngõ phố, khuyến khích người dân hiến đất mở rộng đường vào quy ước. Nhờ đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình hiến đất, hiến ngày công làm đường…

Cập nhật kịp thời tiêu chí văn minh

Bên cạnh những điểm tích cực và kết quả đáng ghi nhận, việc xây dựng, ban hành và thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn tồn tại, hạn chế. Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Cao Thái đánh giá, hiện có một số địa phương xây dựng quy ước, hương ước theo mẫu chung, nội dung khá giống nhau nên có những điều không phù hợp với cộng đồng dân cư. Do đó, cộng đồng dân cư ít hưởng ứng, ít thực hiện, khiến bản hương ước, quy ước chỉ là hình thức.

Để công cụ “mềm” điều chỉnh các mối quan hệ ở cơ sở phát huy hiệu quả cao, ông Phạm Cao Thái lưu ý, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội cần quan tâm sửa đổi, bổ sung nội dung hương ước, quy ước trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp, đồng thời cập nhật kịp thời những yếu tố mới, văn minh của thời đại. Nội dung nên chắt lọc, tập trung vào những mối quan hệ cần điều chỉnh, những vấn đề cần phát huy…

Đồng quan điểm nêu trên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, năm 2024, ngành Văn hóa Thủ đô cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát hệ thống hương ước, quy ước, làm căn cứ để xây dựng lại hoặc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như nếp sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Dưới góc nhìn từ cơ sở, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho rằng, xã hội vận động, phát triển không ngừng thì nội dung hương ước, quy ước cộng đồng cũng cần được điều chỉnh, bổ sung liên tục là tất yếu. Tại huyện Thanh Oai, trung bình 3 năm/lần, các bản quy ước, hương ước lại được “cập nhật” những yếu tố mới. Theo định hướng, thời gian tới, các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện sẽ đưa các tiêu chí, nguyên tắc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, nông thôn thông minh dựa trên tính đặc thù của địa phương vào quy ước văn hóa.

Nhiều địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội đang nghiên cứu đưa các quy tắc ứng xử về xây dựng nông thôn thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu, làng văn hóa kiểu mẫu… vào quy ước, hương ước. Còn ở khu vực nội thành, các cộng đồng hướng đến tiêu chí xây dựng đô thị văn minh, không gian sáng tạo…

Qua những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ một điều, việc đẩy lùi những hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng là không dễ. Việc cập nhật những yếu tố mới, văn minh trong xây dựng đời sống văn hóa càng không dễ. Song, nếu cộng đồng chung một ý chí, quyết tâm, được thể hiện rõ qua bản hương ước, quy ước thì việc khó mấy cũng có thể thành công.

 

Minh Ngọc

Thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng: Khó vạn lần dân liệu cũng xong (hanoimoi.vn)