Tổ chức chuyến xe lửa di sản đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Đó là một trong những nội dụng nổi bật trong buổi họp báo thông tin về Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội diễn ra vào ngày 13-11 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức.

1.jpg

Quang cảnh họp báo.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội – Hội Kiến trúc sư Việt Nam; do Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức.

Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, các sự kiện xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành Công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ đã và đang tích cực tham gia ý tưởng và đồng hành cùng chương trình. Các hoạt động hoàn toàn miễn phí.

Tại lễ hội, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm không gian “Kiến trúc, nhà máy và vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” do kiến trúc sư Mai Hưng Trung, sáng lập của tổ chức Hanoi Ad hoc thực hiện; các pavilion kiến trúc ngoài trời “Bến chờ” do kiến trúc sư Lê Quang Thạch – Công ty kiến trúc nội thất AVALO thiết kế; pavilion kiến trúc và nghệ thuật tại “Phân xưởng nóng” do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang – TOOB studio thực hiện; trưng bày “Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu”…

Một trong những điểm nhấn của lễ hội là người dân và du khách sẽ được trải nghiệm hành trình xe lửa di sản với điểm tham quan từ bốt Hàng Đậu – ga Long Biên – ga Gia Lâm – Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

doan_tau_hn.jpg.jpg
Tour đường sắt đặc biệt được thiết kế riêng để du khách trải nghiệm các không gian sáng tạo của Hà Nội diễn ra từ ngày 17 đến 26-11 với giá vé 20.000 đồng/người. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Năng Khang cho biết, tuyến tàu trải nghiệm kết nối hai bên bờ sông Hồng, xuất phát từ nhà ga Hà Nội, đến ga Long Biên, qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động sáng tạo. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường các toa tàu nghệ thuật đặc biệt, trên đó trưng bày các tác phẩm trong khuôn khổ triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2”.

Ngày 17-11, ngày khai mạc lễ hội, tàu LH1 xuất phát từ ga Long Biên lúc 19h05 để chở đại biểu. Từ ngày 18 đến 26-11, Tổng công ty đã bố trí riêng 2 đôi tàu là LH3, LH4, LH5, LH6 để phục vụ du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội với giá vé 20.000 đồng/người. Người dân và du khách có thể mua vé tại ga Hà Nội hoặc ga Long Biên hoặc qua Công ty Du lịch Dịch vụ Công đoàn đường sắt Việt Nam (Đại lý vé Viratour – 65 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để trải nghiệm tour đường sắt đặc biệt này.

“Sau lễ hội, chúng tôi sẽ đánh giá mức độ quan tâm của du khách cũng như hiệu quả của việc chạy tour đường sắt này trong việc thu hút du khách, làm sống lại di sản Hà Nội, từ đó sẽ có đề xuất để đưa tour trải nghiệm này hoạt động thường xuyên”, ông Hoàng Năng Khang cho biết.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là hoạt động thường niên (kể từ năm 2021) của thành phố Hà Nội nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế.

Năm 2023, Lễ hội với chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo nhằm hướng tới kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô. Trong đó, tuyến trải nghiệm của Lễ hội tập trung vào sự kết nối hai bên bờ sông Hồng qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng chờ được đánh thức. Năm nay, Nhà máy xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn của lễ hội với tiềm năng trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới hấp dẫn giới trẻ của thành phố Hà Nội.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội gồm các hoạt động: Lễ khai mạc diễn ra vào tối 17-11 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm; 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, vườn hoa Vạn Xuân, ga Long Biên và ga Gia Lâm…

Bên cạnh đó, lễ hội còn có các hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.

Hoàng Lân

Tổ chức chuyến xe lửa di sản đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm (hanoimoi.vn)