Nhà văn hoá tổ dân phố số 1, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) là nơi tổ chức các sự kiện hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao cũng như hoạt động vui chơi giải trí khác cho nhân dân địa phương. Sau thời gian sử dụng, công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, các thiết bị không được duy tu, sửa chữa; các chi phí điện, nước, vệ sinh môi trường, chế độ cho người quản lý… cũng rất khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Thái, Tổ trưởng tổ dân phố số 1 cho biết: “Hiện nay, chưa có cơ chế cho việc khai thác thiết chế văn hóa tạo nguồn thu nên dù công trình nhà văn hóa còn nhiều thời gian trống, người dân có nhu cầu thuê, mượn để làm một số dịch vụ cũng không thể thực hiện, rất lãng phí”.
Nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng không chỉ là nơi hội họp mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hoá, tinh thần của người dân.Ảnh: Lê Thắm |
Trong khi đó, tổ dân phố số 7, Phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) lại đang xảy ra tình trạng thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng, gây ảnh hưởng tới nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá của người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hoạt – Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 7 chia sẻ: Hiện nay do vướng quy hoạch, tổ dân phố số 7 chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng khiến cho các hoạt động hội họp, văn hoá, văn nghệ của người dân đều phải mượn hoặc sinh hoạt chung với tổ dân phố khác. Điều này gây khó khăn bất tiện cho người dân, đồng thời khiến việc triển khai các hoạt động chung ở địa phương không đạt hiệu quả như mong đợi. Ông đã nhiều lần kiến nghị lên Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri nhưng đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu dân cư số 3, phường Láng Thượng (quận Đống Đa). Ông Đỗ Văn Thuật – Bí thư Chi bộ 3 cho hay: “Do không có nhà sinh hoạt cộng đồng nên nhiều năm nay khu dân cư số 3 thường xuyên phải đi mượn địa điểm họp hành. Việc không có nơi sinh hoạt cố định ảnh hưởng lớn tới triển khai công việc tại khu dân cư cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tinh thần của người dân. Chúng tôi chỉ mongđược quận, Thành phố sắp xếp một chỗ sinh hoạt cố định để không phải đi liên hệ, mượn phòng khắp nơi khi có hội họp”.
Những vấn đề nêu trên tại quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa cũng là thực trạng chung của nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Theo thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 4.656 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, trong đó chỉ có khoảng 40% công trình đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích, trang thiết bị… Đáng nói, trong số những công trình chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản (khoảng 60%), thì có tới hơn 1,3 nghìn nhà văn hóa thiếu cả 3 tiêu chí về quy mô, diện tích, trang thiết bị; 315 công trình xuống cấp nghiêm trọng; 73 công trình là mượn địa điểm để sử dụng. Công tác tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa còn nhiều hạn chế, từ thiếu kinh phí duy tu, duy trì, khai thác không hiệu quả… đến thiếu sáng tạo trong tổ chức chương trình, sự kiện hấp dẫn, phong phú, thu hút người dân.
Để thiết chế văn hóa phát huy hiệu quả
Cùng với những bất cập, hạn chế, hiện nay, nhiều địa phương đang làm tốt việc khai thác và sử dụng hiệu quả thiết chế văn hoá cơ sở trên địa bàn, đơn cử như Phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Theo ghi nhận, mỗi tối từ khoảng 18-22h, không khí tại các nhà văn hoá tổ dân phố trở nên vô cùng nhộn nhịp với các câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng, dân vũ… thay phiên nhau hoạt động. Được biết, các nhà văn hoá đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền phường, quận nên phong trào văn nghệ thể thao tại đây rất phát triển.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch phường Phúc Diễn cho biết, trên địa bàn phường hiện có: 1 Trung tâm văn hoá – thể thao phường, 12 nhà văn hóa các tổ dân phố, 16 sân vui chơi lớn và 8 sân vui chơi nhỏ với đầy đủ điều kiện về diện tích để phục vụ hoạt động thể dục, thể thao cho người dân; 1 sân bóng đá mini, 10 sân cầu lông, 10 sân bóng chuyền, 5 sân bóng rổ… Các thiết chế văn hoá được đầu tư, sử dụng hiệu quả và là nơi sinh hoạt thường xuyên của 41 câu lạc bộ thể thao… Hằng năm, tuỳ vào điều kiện Ủy ban nhân dân phường sẽ trích một phần kinh phí mua sắm dụng cụ thể dục thể thao, xây dựng, cải tạo các điểm vui chơi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.
Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, nhờ có nhà văn hóa, câu lạc bộ hát chèo của thôn Nhị Khê, xã Hoàng Long với gần 40 thành viên đã có điểm sinh hoạt thường xuyên. Vào dịp cao điểm, tối nào nhà văn hóa cũng sáng đèn, thu hút các “nghệ sĩ nông dân” đến tập luyện.
Bà Trần Lê Thu (tổ dân phố số 9, thị trấn Đông Anh) chia sẻ, từ năm 2020, sau khi được Ủy ban nhân dân thị trấn đầu tư xây nhà văn hóa mới, nhân dân trong khu phố đồng lòng góp công, góp của đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn nghệ, thể thao, đưa nơi đây trở thành không gian sinh hoạt văn hóa sôi nổi, gắn kết cộng đồng.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá cơ sở, theo TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Để các thiết chế văn hoá được đưa vào sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí, trước hết phải tuân thủ theo đúng quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hoá theo đúng chức năng nhiệm vụ của nó. Thứ hai, phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý thiết chế đó để đưa các thiết chế đi vào hoạt động hiệu quả, làm sao để đáp ứng yêu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Còn theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2022-2026, 100% quận, huyện, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao; 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Để đạt được mục tiêu này, Thành phố xác định tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Thành phố tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.