Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả tham gia Trại sáng tác Kịch bản Sân khấu – Hà Nội năm 2023. |
Là tác giả tham gia Trại sáng tác năm 2023, bà Nguyễn Thị Lệ Dung chia sẻ cảm nhận: Trại sáng tác với chủ đề “Tình yêu Hà Nội II” mang tính nhân văn rất cao. Với tư cách một tác giả nữ, bà rất vui và tự hào tham gia bằng tình yêu nghề nghiệp của mình, bằng nhiệt huyết của người cầm bút. Từ cảm hứng tình yêu Hà Nội, bà sáng tác kịch bản chèo truyền thống mang tên “Người con gái tơ lụa”, với chủ đề về tư tưởng bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam đang bị mai một, thất truyền. Trại sáng tác là cơ hội để bà thể hiện tác phẩm của mình.
Nhà biên kịch Lê Quý Hiền – Trưởng Ban thẩm định Trại sáng tác Kịch bản Sân khấu – Hà Nội nhận xét: Năm nay, 50 kịch bản tham gia Trại sáng tác đầy tính công dân, tính nghệ sĩ, đấy chính là giải thưởng lớn nhất – giải “Tình yêu Hà Nội” mà các tác giả dành tặng cho Ban Tổ chức, cho sân khấu Thủ đô. Trong cuộc thi này, tác giả không chuyên có, chuyên nghiệp có, đủ thành phần, thậm chí có cả Tiến sĩ đã đạt giải thưởng cấp Nhà nước tham gia, những người viết chèo nổi tiếng tham gia. Các kịch bản rất hay và việc Trung tâm Văn hóa Thành phố in ra thành ấn phẩm sẽ hữu ích, thiết thực cho phong trào cơ sở.Trại sáng tác năm nay khác những Trại sáng tác năm trước theo chủ đề như “Sinh đẻ có kế hoạch”, “An toàn giao thông”, “Phòng cháy chữa cháy”, “Phòng chống tệ nạn ma túy”… Lần này đề tài phong phú về “Tình yêu Hà Nội”.
“Các tác giả đã quan tâm đầy đủ những vấn đề của Hà Nội, của đất nước với trái tim nghệ sĩ, với trách nhiệm công dân, thực sự rất đáng mừng. Có vở viết về làng nghề dệt lụa mà đẹp, mượt mà như tấm lụa vậy.Có vở nói được vấn đề tác động đến nhận thức của mỗi người, chạm đến trái tim người đọc…”, Nhà biên kịch Lê Quý Hiền nói.
Nhà biên kịch Lê Quý Hiền cũng khẳng định, các tác giả đã thể hiện sâu sắc tình yêu Hà Nội. Nhiều tác phẩm phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng trong việc thực hiện kỷ cương pháp luật, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Một số tác phẩm có ý tưởng hay, xúc động, chất lượng chuyên môn nghệ thuật tốt, đậm chất nhân văn. Ông cũng nhìn nhận một số vấn đề cần rút kinh nghiệm, ví như việc viết kịch ngắn và tiểu phẩm sẽ khác với kịch dài, nên các tác giả mới viết lưu ý khi viết hãy tưởng tượng chuyện xảy ra trên sân khấu. Viết 8 trang nhưng các tác giả chuyển cảnh tới 6 lần sẽ rất khó thực hiện.
Theo bà Lý Thị Thúy Hạnh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố, qua đợt phát động Trại sáng tác Kịch bản Sân khấu lần này, Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng của 29 tác giả với 50 kịch bản sân khấu, trong đó có 44 kịch bản kịch ngắn, kịch vui và 6 kịch bản chèo. Các tác phẩm có nội dung phản ánh chân thực, sinh động về đời sống nhân dân trong sinh hoạt, lao động sản xuất; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức nhân văn cao quý, tốt đẹp, xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bên cạnh đó, phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng trong việc thực hiện kỷ cương pháp luật, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh đô thị gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành.
Ghi nhận những đóng góp của các tác giả tham gia Trại sáng tác Kịch bản Sân khấu – Hà Nội năm 2023, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quyết định cấp Giấy chứng nhận và khen thưởng cho 25 giải, trong đó có 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 10 giải Ba, 10 giải Khuyến khích. 2 giải Nhất thuộc về thể loại Kịch nói: Kịch bản “Cái giá phải trả” (Tác giả An Ninh); thể loại Ca kịch truyền thống: Kịch bản “Người con gái tơ lụa” (Tác giả Nguyễn Thị Lệ Dung). Nhân dịp này, Trung tâm Văn hóa Thành phố cũng giới thiệu Tuyển tập Kịch bản Sân khấu “Tình yêu Hà Nội II” gồm 25 Kịch bản tiêu biểu của 24 tác giả, được tuyển chọn từ Trại sáng tác Kịch bản Sân khấu – Hà Nội năm 2023. Ấn phẩm sẽ là nguồn kịch bản phong phú cho phong trào hoạt động sân khấu của Thủ đô. Trước đó, Trung tâm Văn hóa Thành phố đã phát hành rất nhiều ấn phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, trong số đó có tuyển tập “Tình yêu Hà Nội I”.
Có thể nói, trại sáng tác là cơ hội để giới sáng tác gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi và khích lệ nhau trong sáng tạo. Việc trại sáng tác thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả, cộng tác viên sẽ giúp đóng góp những tác phẩm sân khấu sinh động, phong phú, mang tính nghệ thuật, tính nhân văn, tính giáo dục cao, phản ánh thực tiễn đời sống. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đưa tiếng nói của những người làm công tác văn hóa nghệ thuật để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp và phát triển.
Phương Bùi
Phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại (hanoimoi.vn)