Bộ phận “một cửa” huyện Hoài Đức triển khai việc quét mã QR trong tra cứu TTHC, khảo sát hài lòng của người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC từ tháng 11/2023. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện nộp hồ sơ TTHC thông qua quét mã QR của từng lĩnh vực, đánh giá giải quyết TTHC thông qua mã QR, thay thế việc sử dụng bản giấy.
Người dân quét mã QR để làm thủ tục hành chính. |
Bà Đồng Thị Nga, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hoài Đức cho biết, việc quét mã QR đã giúp dễ dàng, thuận tiện trong việc nộp hồ sơ giải quyết TTHC, cắt giảm được chi phí ngày công, thời gian đi lại cho công dân.
Sau hơn 1 năm thực hiện, huyện đã tiếp nhận 21.325 ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức qua ứng dụng đánh giá, đảm bảo thông tin khách quan, kịp thời nắm bắt đối với những trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trên địa bàn huyện. Đồng thời, giảm được thời gian đánh giá bằng bản giấy của các tổ chức, cá nhân, giúp công tác tổng hợp được thực hiện nhanh gọn, chính xác tiết kiệm công sức, thời gian làm việc của công chức cũng như chi phí vật tư văn phòng.
Năm 2022, phường Quán Thánh là đơn vị đầu tiên của quận Ba Đình triển khai mô hình ứng dụng quét mã QR trong cải cách hành chính. Qua mã QR, công dân có thể tìm hiểu thành phần hồ sơ và cách thức thực hiện đăng ký 6 TTHC thông dụng thông qua đường link ứng dụng trên Trang thông tin điện tử phường Quán Thánh, bao gồm các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục hộ tịch, cấp bản sao chứng thực điện tử. Đồng thời, người dân có thể quét mã QR để đánh giá sự hài lòng khi đến thực hiện TTHC tại UBND phường.
Ngày 2/10 vừa qua, UBND quận Ba Đình đã ban hành văn bản về việc tuyên truyền khảo sát trực tuyến sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với 4 Dịch vụ công: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, Y tế công, Giáo dục công. Theo đó, người dân, tổ chức có thể đánh giá mức độ hài lòng đối với TTHC tại đường dẫn (link) Phiếu khảo sát trực tuyến hoặc quét mã QR để bày tỏ chính kiến của mình.
Để triển khai hiệu quả mô hình “Ứng dụng mã QR trong cải cách TTHC”, phường Định Công (quận Hoàng Mai) đã công khai mã QR và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để người dân được biết. Ứng dụng mã QR này đã giúp cho công dân làm TTHC chỉ cần quét mã QR là được chỉ dẫn đến trang web cần làm, có thể thực hiện 24/24 giờ trong ngày tại mọi địa điểm có kết nối internet, nên được công dân đón nhận, ủng hộ…
Đánh giá khách quan, công tâm
Quận Hà Đông cũng là đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. Ngay từ đầu năm 2023, quận đã triển khai tổ chức lấy phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính năm 2023 của UBND quận và các phường thông qua quét mã QR. Đồng thời, rà soát, xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đối với 87 thủ tục được ủy quyền từ UBND Thành phố và các Sở về UBND quận…
Nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, huyện Gia Lâm duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 tại 100% các phòng chuyên môn, 22/22 xã, thị trấn và 78/78 trường học thuộc huyện.
Đồng thời với mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn trong giải quyết TTHC trên địa bàn huyện Gia Lâm”, từ năm 2023, mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công” được huyện triển khai tại Bộ phận một cửa huyện từ ngày 1/3/2023 và đồng loạt tại Bộ phận “một cửa” của các xã, thị trấn trên địa bàn từ 1/7/2023.
Theo đó, các Bộ phận “một cửa” đều được cấp một mã QR, in và đặt tại các quầy giao dịch để công dân dễ tiếp cận. Sau khi trả kết quả giải quyết TTHC, công chức hướng dẫn người dân sử dụng smartphone để quét mã, bấm vào link và tiến hành khảo sát. Việc đánh giá này của huyện đã có cải tiến hơn, bổ sung mục “Ý kiến đóng góp khác” để tiếp nhận ý kiến, số điện thoại của công dân, các trường hợp đánh giá “không hài lòng” hoặc góp ý xây dựng Bộ phận “một cửa”, góp ý với cán bộ, thì cán bộ sẽ liên hệ lại tìm hiểu thông tin.
Ngày cuối tháng, cán bộ “một cửa” thao tác trích xuất kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân. Tính đến hết tháng 10/2023, huyện Gia Lâm đã thu về hơn 8.600 phiếu khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công, đa số đánh giá “rất hài lòng” và “hài lòng”.
Đồng thời, toàn huyện đã tiếp nhận 214 ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất, góp ý, với đa số là “Cảm ơn”, “Cán bộ thực hiện nhiệt tình, vui vẻ”… Những góp ý này đã được Văn phòng tổng hợp hằng tháng, báo cáo lãnh đạo UBND huyện và tham mưu UBND huyện ra văn bản đề nghị các đơn vị có báo cáo giải trình, làm rõ phản ánh của công dân, chấn chỉnh cán bộ (nếu cần) nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công của cấp huyện, cấp xã. Trường hợp công dân “không hài lòng”, nếu cần thì Bộ phận “một cửa” huyện có văn bản yêu cầu UBND xã giải trình, mời công dân lên làm việc, nếu cán bộ xã sai thì phải xin lỗi…
Có thể thấy, việc ứng dụng quét mã QR đã góp phần đơn giản hóa việc thực hiện TTHC cho người dân, cũng như hỗ trợ công chức trong việc hướng dẫn người dân, là các mô hình hay cần được nhân rộng. Đặc biệt, với việc khảo sát sự hài lòng của người dân về việc giải quyết TTHC thông qua việc đánh giá từ quét mã QR thay cho đánh giá bằng bản giấy truyền thống, sẽ giúp cơ quan tiến hành khảo sát nhận được các đánh giá khách quan, qua đó kịp thời nắm bắt tình hình, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong cung cấp dịch vụ công.
Phương Thảo
Hiệu quả ứng dụng mã QR trong cải cách hành chính (laodongthudo.vn)