Phóng viên: Nhìn lại năm 2023, đồng chí có cho rằng thành phố Hà Nội đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác CCHC?
Đồng chí Trần Đình Cảnh: Có thể nói, năm qua, lãnh đạo Thành phố, từ Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đến Ban cán sự UBND Thành phố đã quan tâm chỉ đạo sát sao, với rất nhiều sự đổi mới đối với công tác CCHC.
Trước hết, Thành phố đã tăng cường kỷ cương, siết chặt trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU (ngày 7/8/2023) về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”; UBND Thành phố ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND (ngày 13/10/2023) về việc “Tăng cường trách nhiệm, tập trung xử lý các “điểm nghẽn” trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục người dân, doanh nghiệp”.
Đồng thời, chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, qua đó, có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn. Thành phố cũng tập trung đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp để đáp ứng yêu cầu công tác CCHC.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh. |
Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố đã giám sát các cơ quan, đơn vị về công tác CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Sau giám sát, tại kỳ họp giữa năm, HĐND Thành phố đã chất vấn về công tác CCHC và ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này.
Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành theo tinh thần “3 rõ”: “Rõ quy trình, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ”.
Đồng thời, duy trì các cuộc họp giao ban định kỳ về công tác CCHC; duy trì các cuộc kiểm tra công tác CCHC gắn với kiểm tra công vụ. Năm 2023, Thành phố đã thực hiện 1.045 cuộc kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC, thủ tục hành chính…
Tăng cường phân cấp, ủy quyền
Phóng viên: Theo đồng chí, đâu là những kết quả nổi bật trong công tác CCHC năm 2023 của Thành phố?
Đồng chí Trần Đình Cảnh: Năm 2023, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ 6 nội dung của công tác CCHC. Trong đó, về cải cách thể chế, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố ban hành 13 nghị quyết, 25 văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tập trung xây dựng dự án Luật Thủ đô.
Bộ phận một cửa quận Thanh Xuân giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là 1.886 thủ tục. 100% các quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, Thành phố đã tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính đến các quận, huyện, thị xã và sở, ngành. UBND Thành phố đã ban hành 21 quyết định ủy quyền theo thẩm quyền đối với thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành thành phố. Trong năm, toàn Thành phố đã ủy quyền 578 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94%. Hiện, Thành phố đang đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện, để sớm có phương án, giải pháp ủy quyền hợp lý nhất, đáp ứng yêu cầu CCHC.
Thành phố cũng đơn giản hóa được 122 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 935 thủ tục; phê duyệt 1.369 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Việc xây dựng quy trình, quy chế giải quyết công việc nội bộ đã góp phần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sót việc hoặc chậm giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Một trong những điểm nổi bật trong năm 2023 là Thành phố đã tập trung rà soát về cơ cấu, tổ chức bộ máy, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp. Kết quả, Thành phố giải thể 6 chi cục thuộc Sở, chuyển thành phòng; giảm đầu mối bên trong chi cục 52 đơn vị; tổ chức sắp xếp lại Trung tâm Phát triển quỹ đất, thí điểm thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiêp…
Thành phố cũng triển khai rất bài bản từ cơ sở việc rà soát sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Qua rà soát, toàn Thành phố có 173 đơn vị hành chính cấp xã cần phải sắp xếp, dự kiến sau sắp xếp, giảm còn 509 đơn vị.
Về cải cách chế độ công vụ, công chức, Thành phố đã tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cũng được từng bước đổi mới từ hình thức đến nội dung.
Về cải cách tài chính công, Thành phố chỉ đạo hoàn thành thể chế về quản lý công sản, đổi mới quản lý, sử dụng tài sản nhà đất, xe ô tô, xây dựng định mức đơn giá các dịch vụ công để tiến tới đấu thầu đặt hàng với các đơn vị sự nghiệp, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế…
Ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Thành phố cũng xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC. Thành phố đã hoàn thành việc cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất, hoàn thành việc xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP); xây dựng, ban hành 5 quy định quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin (HTTT)/cơ sở dữ liệu của Thành phố.
Bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm khang trang, sạch đẹp. |
Trong năm, Thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự đảng UBND Thành phố.
Để đạt được những kết quả quan trọng này, trong năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng kế hoạch để cải thiện nâng cao các chỉ số, trục nội dung bị đánh giá thấp, hạn chế của các chỉ số PAR Index, PAPI, SIPAS, PCI. Quá trình tổ chức thực hiện tạo được sự thống nhất từ Thành phố đến cơ sở, thường xuyên có các cuộc giao ban đánh giá tiến độ khắc phục các chỉ số.
Thực tế cho thấy, Hà Nội có khối lượng công việc quá đồ sộ so với các tỉnh, thành phố khác nên bộ chỉ số đánh giá hiện hành chưa phản ánh hết được thực trạng, quy mô, phạm vi công tác CCHC của Hà Nội. Ví dụ có những địa phương, mỗi năm chỉ khoảng vài nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng với Hà Nội, có hàng triệu doanh nghiệp, nên áp lực giải quyết thủ tục hành chính của Hà Nội rất vất vả. Trong khi đó số lượng biên chế công chức, viên chức và cơ sở vật chất không chênh lệch bao nhiêu. Đó cũng là lý do vì sao chỉ số đánh giá của Hà Nội thường thấp hơn các tỉnh, thành khác.
Năm 2023, Sở Nội vụ cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện 2 bộ tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC của sở, ban, ngành và bộ tiêu chí đánh giá của các quận, huyện, thị xã. Các tiêu chí được sửa đổi có tính định lượng cao, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, nhiệm vụ chính trị và bước phát triển của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Phóng viên: Từ thực tế kết quả đạt được của năm 2023, xin đồng chí cho biết, trong năm 2024 thành phố Hà Nội đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm nào trong công tác CCHC?
Đồng chí Trần Đình Cảnh: Năm 2024, Thành phố tiếp tục xác định chủ đề công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Công tác CCHC gắn với thực hiện nghiêm túc chủ đề công tác, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước Thành phố.
Việc niêm yết công khai được nhiều xã, phường thực hiện nghiêm túc. |
Năm nay, Ban Chỉ đạo CCHC Thành phố đặt ra các chỉ tiêu và nội dung, nhiệm vụ rất cụ thể cho từng nội dung công tác. Trong đó, xác định trọng tâm CCHC là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
Thành phố phấn đấu chỉ số PAR INDEX xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số SIPAS đạt tối thiểu 85%; 100% các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về thủ tục hành chính, quy định hành chính được tiếp nhận, xử lý và thông báo công khai kết quả giải quyết kịp thời theo quy định.
Phấn đấu 100% số hồ sơ TTHC được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. Riêng lĩnh vực tài nguyên môi trường và kế hoạch đầu tư đạt tối thiểu 99% số hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn; 100% các TTHC được ủy quyền có quy trình nội bộ giải quyết TTHC kèm theo; 100% tỷ lệ TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và đủ điều kiện được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị công việc tổng thể; trên 60% các cuộc họp được cắt giảm thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy; 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của Thành phố được cập nhật, chia sẻ với Hệ thống thông tin báo cáo quốc giaơ; tối thiểu 80% tài liệu lưu trữ tại các cơ quan nhà nước được tạo lập dưới dạng điện tử…
Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường phân cấp, đánh giá đúng hiệu quả việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính cho các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đánh giá hiệu quả mô hình Bộ phận một cửa tập trung theo khu vực ở cấp phường; tiến hành nghiên cứu thí điểm mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, bảo đảm một đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính liên thông và xuyên suốt. Đồng thời, tập trung vào đơn giản hóa TTHC cả về quy trình, thành phần hồ sơ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Phương Thảo
(thực hiện)