Tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh (66 tuổi) trong một ngày xuân đang ghé đến thật gần. Hôm ấy, đan xen trong những sắc màu rạng rỡ của quãng thời gian chuyển giao giữa năm mới và cũ là gian hàng tò he xinh xắn với đủ cung bậc tạo hình đẹp đẽ. Bằng sự khéo léo của một người thợ lâu năm, bàn tay người nghệ nhân thoăn thoắt véo một ít bột đỏ bên này, thêm chút ít bột xanh bên kia, xoay xoay, chỉnh chỉnh, chẳng mấy chốc đã nở xòe một bông hoa hồng nhung rạng rỡ. Tất thảy mọi người chứng kiến màn nhào nặn đậm chất nghệ thuật ấy đều đồng loạt vỗ tay giòn giã và cùng chọn mua lấy con tò he mà mình ưng mắt nhất.
Tò he đầy màu sắc đã được nhiều người biết tới hơn và trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, mang bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt. |
Nhắc đến nghề nặn tò he của làng, nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh chia sẻ, nghề áng chừng xuất hiện quãng thời gian 400-500 năm trước. Dù không phải mốc thời gian khẳng định cụ thể, nhưng có một điểm chắc chắn là qua các thế hệ, nghề tò he đều được người Xuân La lưu giữ lại theo hình thức cha truyền con nối. Là đất làng nghề, bởi thế ở Xuân La hầu như ai cũng biết nặn tò he. Trẻ con Xuân La mới 4 – 5 tuổi đã làm quen với những con tò he, lên đến 14 – 15 tuổi là có thể ra đường kiếm sống bằng nghề.
Trước kia, người làng thường nặn sẵn tò he ở nhà rồi mang ra chợ bán, các con giống được gắn vào các vòng tre. Sau này, người ta tạo hình tò he trực tiếp lên que tre để dễ cầm và trang trí. Với một chiếc thùng gỗ nhỏ hoặc thùng xốp vài cục bột màu, một chiếc lược con, nắm que tre nhỏ và chút sáp ong, những “nghệ nhân làng” đã có đủ vốn liếng rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán vào dịp Tết hay những khi có đình đám, hội hè. Qua năm tháng, nghề cứ vậy mà phát triển, người làng Xuân La đã thầm lặng đem nghề đi khắp Bắc, Nam mang niềm vui, sắc màu đến cho cuộc sống.
Nhìn bề ngoài tò he được bày ra có rất nhiều hình dạng khác nhau, từ những thứ gần gũi như bông hoa, chiếc mũ, con trâu, con gà, con lợn, cho đến những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như chuột Mickey, vịt Donal, chú chó Scooby Doo… nay các sản phẩm làm ra dường như đa dạng và đa sắc đơn. Đó có thể là những chiếc thuyền bát nhã, những chú rồng, chú phượng sặc sỡ được kết hợp những sắc màu khác nhau tinh tế.
Giống như tôi, cho đến bây giờ nhiều người vẫn nghĩ nặn tò he hết sức đơn giản, nhưng thực tế, đây như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh chia sẻ, người làng thường nặn tò he theo công thức nguyên liệu “2 phần gạo tẻ, 1 phần gạo nếp”. Sau khi bột luộc xong sẽ được đem “đấu màu”. Cách tạo màu của người làm tò he rất độc đáo và không bao giờ sử dụng hóa chất. Người dân thường sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật. Màu đỏ lấy từ quả gấc hoặc cây dành dành, màu vàng làm từ củ nghệ hoặc hoa hòe, màu xanh lấy từ lá riềng hoặc lá chàm, màu đen dùng cây nhọ nồi. Từ những màu cơ bản này, người thợ còn pha chế, sáng tạo ra các màu trung gian khác thật hài hòa cho tò he.
Theo chia sẻ của nghệ nhân, tất cả khâu đoạn từ kỹ thuật vê bột, véo bột, tạo vân, làm màu… đến khởi nguồn để có chất liệu làm tò he như chọn gạo gì để làm bột, ngâm ủ ra sao, xay sát thế nào… đều là những công đoạn rất quan trọng và đều phải có bí quyết.
Vươn xa nhờ những nghệ nhân tâm huyết
Tôi tâm đắc với câu nói của Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai hiện đang công tác tại khoa Văn hoá học, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội trong một dịp trò chuyện về tò he. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai nói rằng, bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là giữ khư khư cái gì đã có. Điều này đúng và đặc biệt càng có giá trị khi soi chiếu ở trường hợp của làng nghề tò he Xuân La.
Theo lời Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai, với mỗi sản phẩm văn hóa thì luôn ẩn chứa giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa tinh thần. Tò he cũng như vậy. Tò he gây ấn tượng đầu tiên là sự dung dị, nét đẹp về màu sắc và sự khéo léo của người nghệ nhân. Tuy nhiên, giá trị lớn hơn cả phía sau mỗi con giống là giá trị tinh thần của tò he khi lưu giữ, truyền tải trọn vẹn được nét văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay sự cạnh tranh trên thị trường rất nhiều, nhất là đồ chơi hiện đại. Việc những người nghệ nhân hiện nay đang cố gắng làm thế nào để tò he được phát triển bền vững và để quảng bá đến nhiều nước trên thế giới là rất cần thiết. Với tò he, theo những nghệ nhân làng nghề, từng có thời điểm tính dân gian thuần Việt ấy tưởng như rã đám, mai một trước sự xuất hiện tràn ngập của những thứ đồ chơi công nghệ. Và khi ấy, những người nông dân – nghệ sĩ của làng Xuân La đã tưởng sẽ phải “chia tay hoàng hôn” với nghề tổ, do không thể sống được với nghề.
Thế nhưng, vì ý thức được giá trị với nghề mà cha ông bao đời khó nhọc sáng tạo nên mà để lại như một thứ “của để dành” vô giá cho hậu sinh, người Xuân La đã bảo nhau giữ cho bằng được loại hình nghệ thuật dân gian này. Chẳng thế mà, cách đây quãng chừng 30 năm, người làng thấy các nghệ nhân cao niên như cụ Hạ, cụ Thống Hàng, cụ Tố đưa tò he thoát khỏi phạm vi mùa Trung thu hạn hẹp. Để tò he đến gần hơn với mọi người, những nghệ nhân này đã bắt đầu sáng tạo. Thế là bắt đầu xuất hiện thuyền Cô, thuyền Cậu trong các giá hầu đồng; 12 con giáp cúng giải hạn; mâm ngũ quả hoặc mâm trầu cau để cúng rằm hay giỗ chạp. Quyết định làm cuộc thiên di khỏi lũy tre làng ấy là đúng đắn. Để rồi giờ đây tò he đã vươn mình bay cao. Ngoài Hà Nội và các tỉnh thành, có nhiều đận những nghệ nhân làng đã được mời ra nước ngoài biểu diễn loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Sinh ra, lớn lên ở làng Xuân La – nơi có nghề nặn tò he “độc nhất vô nhị”, từ nhỏ, anh Đặng Văn Hậu đã được ông ngoại là nghệ nhân nổi tiếng Đặng Văn Hạ chỉ bảo tận tình về kỹ thuật thực hiện và truyền lại câu chuyện lịch sử của tò he. Luôn ý thức bản thân phải cố gắng hết sức để giữ gìn nét đẹp văn hoá của người Việt, anh Hậu cho biết, đã từng có thời điểm một mình lặng lẽ khăn gói vào Sài Gòn tìm cách học chế biến bột của cánh thợ làm hoa đất. Người Sài Gòn phóng khoáng khuyên Hậu sang Thái Lan, bởi đó mới thực sự là nơi đáng học. Quyết tâm hoàn thiện cho nghề làng, Hậu thuê một phiên dịch rồi cả hai sang Thái Lan ăn dầm ở dề suốt một tuần để học cách làm đất nặn.
Hiện anh Đặng Văn Hậu là một trong những nghệ nhân trẻ nhất làng Xuân La. Người ta biết đến anh ngoài việc nặn và bán tò he tại các hội chợ và trung tâm thương mại vào cuối tuần, anh còn mở thêm lớp dạy nghề tại nhà. Không chỉ vậy, để làng nghề lan tỏa rộng rãi cũng như “ngấm” vào lớp trẻ, mỗi khi nhận được lời mời đến biểu diễn và dạy tò he tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và một số nơi trên địa bàn Hà Nội, anh đều nhiệt tình tham gia.
Luyện Đinh
Hành trình “vượt lũy tre làng” của làng nghề tò he (laodongthudo.vn)