Hoạt động dựng cây nêu. |
Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: Chuỗi hoạt động văn hóa “Tết Việt – Tết Phố 2024” sẽ tập trung giới thiệu với nhân dân, du khách về không gian, nếp sinh hoạt đón Tết truyền thống của người Hà Nội, không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, tổ chức các hoạt động trải nghiệm các nét văn hoá dân gian như dựng cây nêu, gói bánh,…, cũng như giao lưu, giới thiệu các sản phẩm làng nghề.
Mở đầu chương trình là lễ rước dâng lễ cửa đình và dựng cây nêu. Tại buổi khai mạc, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Câu lạc bộ Đình Làng Việt phối hợp thực hiện các nghi lễ truyền thống như: Đoàn rước dâng lễ cửa đình, lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng tổ nghề, lễ dựng cây nêu,…
Biểu diễn điệu múa con đĩ đánh bồng. |
Đoàn rước dâng lễ cửa đình xuất phát từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đi qua phố Đào Duy Từ – Ô Quan Chưởng – Hàng Chiếu – Hàng Giầy – đền Bạch Mã – Hàng Buồm – Tạ Hiện – rạp Chuông Vàng – Hàng Bạc – đình Kim Ngân. Tham gia đoàn rước là hơn 300 người, trong đó có tới 200 người bê lễ, đa phần là thanh thiếu niên.
Đoàn chia làm nhiều khối: Khối sinh tiền, khối làm lễ, khối dâng lễ, khối các địa phương (nghệ thuật Huế, hát Xoan Phú Thọ, hát Then Thái Nguyên…) và cộng đồng.
Những người tham gia đoàn rước đều mặc trang phục áo dài truyền thống ngũ thân, trong đó, người làm lễ mặc áo tấc (áo tay rộng), những người còn lại mặc áo tay chẽn. Lễ vật là những vật phẩm truyền thống của Hà Nội: Bánh cốm, chè sen, bánh chưng, mứt Tết…
Tiết mục biểu diễn hát then. |
Lễ dựng cây nêu được thực hiện sau khi hoàn tất các nghi lễ khác và thực hiện trong sự vui mừng, phấn khích của những người tham dự. Cây tre dùng để làm cây nêu được lấy từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội), các đồ làm nêu như các con cá được đặt tại làng mộc Áng Phao (huyện Thanh Oai), sơn các con cá do thợ sơn làng sơn mài Bối Khê (huyện Phú Xuyên) thực hiện. Cây nêu được dựng với ý nghĩa giữ đất, không cho ma quỷ xâm chiếm đất, nhưng nó có ý nghĩa lớn lao hơn là báo hiệu mùa Xuân mới đã về.
Tại sự kiện, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, “Tết Việt – Tết cổ là một chương trình thường niên có ý nghĩa to lớn, không chỉ đánh dấu cho một giai đoạn văn hoá Tết cổ truyền của dân tộc mà còn là cơ hội để người dân có thể thực hành những giá trị văn hoá nhiều hơn, từ đó củng cố thêm niềm tự hào về cội nguồn, dân tộc, thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến tìm hiểu.
Nhờ những hoạt động ý nghĩa như vậy, chúng ta sẽ tự tin hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn, quảng bá các giá trị văn hoá của dân tộc.
Cũng trong khuôn khổ lễ khai mạc, người dân và du khách yêu nghệ thuật được thưởng thức các tiết mục văn hoá như: Hát then, hát xoan, diễn xướng dân gian,… với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ Bắc Ninh, Phú Thọ. Góp phần làm phong phú các hoạt động tôn vinh quảng bá di sản dịp đầu năm mới tại Khu phố cổ Hà Nội.