Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội cũng như cả nước đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Nhưng với việc cưới, việc tang – vốn là hai việc nhạy cảm trong thời điểm hiện nay, người dân Hà Nội vừa thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, vừa đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh do Hà Nội vận động từ nhiều năm qua.
Chủ động trong mùa dịch
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến việc cưới, việc tang, nhất là khi hai việc này được coi là trọng đại của đời người và đang chịu những tác động của tập quán, tín ngưỡng, tâm lý nhiều nơi.
Tuy vậy, với tinh thần chống dịch là quan trọng nhất, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng, Hà Nội sớm chủ động đề nghị tối giản các lễ nghi, tránh tụ tập đông người.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được thành phố Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn.
Đặc biệt, từ ngày 23/3 vừa qua, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh, nên tạm dừng tổ chức đám cưới trong thời gian có dịch.
Trường hợp không thể dừng được, chỉ tổ chức trong một ngày theo hình thức báo hỷ, tiệc trà trong nội bộ gia tộc, không nên tổ chức trong các khách sạn, nhà hàng, hạn chế tối đa việc ăn uống, tập trung đông người.
Khi tổ chức, gia đình cần phối hợp với các cơ quan y tế địa phương để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành Y tế. Đối với việc tang, lễ mừng thọ, giỗ chạp, cần tổ chức gọn trong phạm vi gia đình.
Các gia đình giảm tối đa thời gian tổ chức, thực hiện việc hỏa táng người qua đời, hạn chế tổ chức mời khách ăn cỗ trong lễ cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày; đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Theo tinh thần đó, nhiều gia đình đã lùi thời gian tổ chức cưới, chỉ tổ chức báo hỷ hoặc liên hoan trong nội tộc.
Nhiều đám rước dâu cũng giảm số lượng khách mời, người đưa đón. Trong tháng Ba và qua, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã vận động 46 hộ gia đình hoãn tổ chức đám cưới, chuyển cưới sang báo hỷ.
Tại huyện Quốc Oai, có những gia đình đã đặt cỗ, mời khách xong, nhưng sau đó chấp nhận thiệt hại về kinh tế để làm đơn giản với tinh thần toàn dân chống dịch. Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai sau đó cũng khen thưởng, động viên kịp thời các hộ gia đình nêu gương trong chống dịch.
Cuối tháng Ba vừa qua, Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân đã khen thưởng đột xuất gần 50 hộ gia đình trên địa bàn vì thực hiện tốt nếp sống văn minh trong cưới hỏi.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kim Giang Đỗ Kỳ Lân cho biết, thời gian qua, chính quyền phường phối hợp các tổ chức đoàn thể đến vận động người dân thực hiện việc cưới văn minh. Phần lớn các hộ gia đình đều ủng hộ và thực hiện đúng theo khuyến cáo, hướng dẫn của địa phương.
Các hình thức cúng lễ rườm rà trong đám tang đã được tinh giản, rút ngắn thời gian tổ chức. Ngay cả khách đến phúng viếng cũng hạn chế hơn trước và thường về ngay khi thực hiện xong nghi lễ phúng viếng. Số lượng các đám tang thực hiện hỏa táng nhiều hơn.
Quận Bắc Từ Liêm là địa bàn vận động thành công nhiều gia đình tổ chức tang lễ gọn nhẹ, có gia đình tổ chức lễ cúng 49 ngày chỉ vỏn vẹn hai mâm cỗ, ăn tại hai gia đình khác nhau.
Thay đổi nhận thức, ý thức của người dân
Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, dừng toàn bộ hoạt động tập trung đông người, do vậy các đám cưới cũng dừng tổ chức, còn việc tang vẫn tiến hành theo hình thức tối giản các thủ tục. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thường xuyên giám sát, nhắc nhở, vận động các gia đình nghiêm túc chấp hành quy định.
Theo ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Hà Đông, sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, quận đã tuyên truyền, vận động đến toàn thể nhân dân thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội, trong đó có việc cưới, việc tang.
Cũng theo ông Hòa, việc cưới hầu như không phải tuyên truyền, vận động, mà các gia đình đều ý thức tốt nên hầu hết các đám cưới đều dừng lại. Còn việc tang tổ chức gọn nhẹ, các lễ nghi thực hiện gọn trong một ngày và người mất được tiến hành hỏa thiêu.
Tại khu vực ngoại thành, vốn tồn tại khá nhiều thủ tục trong các lễ nghi cưới, tang, nhưng trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay, mọi người cũng đã thay đổi ý thức.
Ông Nguyễn Việt Giao, Phó phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ba Vì cho biết nhiều đám cưới trên địa bàn huyện đã được hoãn lại, trong đó một số gia đình cán bộ trong các cơ quan, ban, ngành của huyện gương mẫu thực hiện việc này.
Việc tang cũng tổ chức đơn giản hơn trước, người dân đến viếng rải rác, hạn chế tập trung đông người. Một số đoàn thể trên địa bàn có đám tang còn phân công người trực phía bên ngoài, hướng dẫn chia nhỏ lượng người vào viếng.
Trước khi vào viếng, khách mời được rửa tay bằng nước sát khuẩn, ai không có khẩu trang sẽ được phát. Điển hình như một đám tang tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì, đã thực hiện tốt việc này.
Hà Nội và cả nước đang trong giai đoạn gồng mình chống dịch COVID-19. Thực hiện việc cưới, việc tang văn minh trong thời điểm hiện nay không chỉ góp phần ngăn chặn dịch bệnh, mà còn làm thay đổi nhận thức, ý thức của người dân, giảm những thủ tục rườm rà, lạc hậu, giảm quy mô các đám cưới, đám tang, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh trong nhân dân Thủ đô./.
Đinh Thuận/TTXVN