Đồng bộ giải pháp cải cách hành chính
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp của Thành phố, chất lượng phục vụ tổ chức và người dân.
Phân cấp ủy quyền được đặc biệt chú trọng. Đến nay, 708/1.895 thủ tục hành chính của Thành phố đã có phương án ủy quyền giải quyết, đạt tỷ lệ gần 40%. Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết 578 thủ tục hành chính (TTHC), đạt tỷ lệ 94%; 100% các TTHC được ban hành quy trình nội bộ TTHC giải quyết sau ủy quyền.
Nhờ phân cấp ủy quyền, đã giảm tầng nấc trung gian, đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, và cùng với thực hiện dịch vụ công trực tuyến thì người dân đã không phải đi lại hoặc giảm thời gian đi lại tiết kiệm thời gian, chi phí…
Bên cạnh đó, về thực hiện Đề án 06, sau 2 năm thực hiện, Hà Nội đang từng bước xây dựng được một cơ sở dữ liệu dân cư đúng đủ sạch sống, nhằm tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số trong xã hội. Cụ thể, hơn 7 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân; hơn 5,9 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử được thu nhận, đạt 100%. Trong đó, kích hoạt hơn 5,1 triệu tài khoản định danh mức 1 và mức 2, đạt hơn 85%.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. |
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết 07/2023 NQ- HĐND quy định về mức phí, lệ phí bằng không khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đến hết ngày 31/12/2025. Điều này giúp tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.
Nhằm giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính, Thành phố thực hiện cao điểm 60 ngày đêm rà soát, xử lý 6 điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Thành phố đã phân quyền quản trị hệ thống của TTHC cho giám đốc, thủ trưởng các sở ngành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố đã cơ bản đáp ứng yêu cầu; hoàn thành chuẩn hóa quy trình điện tử của 1893/1893 thủ tục hành chính; hoàn thành khai báo, kiểm thử và tiếp nhận hồ sơ thanh toán trên Cổng DVC QG là 950/1.191 dịch vụ công, tăng hơn 60% so với ban đầu.
Kết thúc năm 2023, Ban chỉ đạo Đề án 06 Thành phố để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng kết quả tích cực trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt… Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là tổ công tác Đề án 06 ở cơ sở, tính đến 15/1/2024, tỷ lệ người dân được hưởng trợ cấp xã hội đã hoàn thành hồ sơ cấp tài khoản khoản an sinh đạt 255.000 trường hợp (đạt 88%, so với trước đợt cao điểm 10,1%), dự kiến hết ngày 16/01/2024 đạt 100%, trừ một số trường hợp bất khả kháng.
Thực hiện chi trả an sinh không dùng tiền mặt có hiệu quả
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã thông tin về những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thúc đẩy Đề án 06, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2024.
Theo đó, sẽ ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024; tập trung đồng bộ các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện 28 mô hình điểm theo lộ trình đã được đặt ra.
Toàn cảnh hội nghị. |
Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn. Đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động. Nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, bảo hiểm, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, quản lý nhà nước; thu thập, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các Bộ, ngành về cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng nhà, xây dựng nhà ở hộ tịch, y tế, an sinh xã hội của Thành phố…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, năm 2023, toàn Thành phố đã có sự thay đổi sâu sắc về nhận thức của các lãnh đạo và người dân đến từng cấp xã, phường, tổ dân phố.
“Không thay đổi nhận thức khó có kết quả như hôm nay. Chỗ nào mà người đứng đầu, nhận thức sâu sắc, thực sự lãnh đạo, chỉ đạo, đưa vào kế hoạch hàng tuần, tháng quý chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực”, Chủ tịch UBND Thành phố nói.
Từ thực tiễn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ thêm kinh nghiệm việc Thành phố đã hợp nhất 3 ban Chỉ đạo: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06, bởi bản chất của 3 vấn đề không thể tách rời. Việc Chủ tịch UBND Thành phố là Trưởng Ban chỉ đạo là thuận lợi lớn của Hà Nội, từ đó tích hợp được các kế hoạch, nhiệm vụ triển khai, tiết kiệm nguồn lực và thời gian.
Hà Nội cũng phát huy được tính sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của các đơn vị với nhiều mô hình, công cụ, hướng trong một quỹ đạo chung; phát huy được hiệu quả; phát huy được vai trò của thanh niên, Tổ chuyển đổi số ở cộng đồng (cấp thôn, bản, tổ dân phố) với sự hỗ trợ hiệu quả của công an cơ sở.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan Trung ương; trong đó đặc biệt là Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ…
Chủ tịch UBND Thành phố chỉ rõ, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, mục đích cao nhất là người hưởng an sinh xã hội không chỉ nhận tiền thuận lợi nhất và còn phải thuận tiện trong chi tiêu. Từ đó, Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Lao động Thương binh và xã hội cùng các đơn vị liên quan có giải pháp linh hoạt, hỗ trợ bằng công nghệ, không để sai sót.
“Không phải là chạy theo thành tích, con số mở được bao nhiêu tài khoản mà thực sự phải là người dân rút được tiền trong bao lâu, có nhanh không, thuận tiện không?”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Từ đó, lưu ý các đơn vị tùy theo địa bàn, tuổi tác của từng người, nhu cầu các nhân… để phục vụ yêu cầu chính đáng của người dân.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng nêu loạt vấn đề dân sinh đến công tác chỉ đạo và điều hành để nói đến vai trò của việc quản trị xã hội và khẳng định Hà Nội chỉ có thể làm được nếu có sự định hướng, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương.
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị cần phát huy những thành công của năm 2023 trong năm 2024. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, làm vì danh dự như đã thực hiện với việc giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Chỉ số SIPAS năm 2022 của Hà Nội về tiếp cận dịch vụ, chỉ số hài lòng về công chức giải quyết thủ tục hành chính có tỷ lệ tăng ấn tượng nhất 4,9%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành; Chỉ số PAR INDEX: xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tỷ lệ đúng và trước hẹn rất cao, toàn thành Thành phố đạt 99.80%. Dự báo Kết quả chỉ số cải cách hành chính của Thành phố năm 2023 tiếp tục nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu. |