Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy đã có những chia sẻ quý báu với Báo Lao động Thủ đô trước thềm Xuân mới. Khi lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, đồng chí luôn đặc biệt nhấn mạnh: Văn hóa và con người Hà Nội là nguồn lực mới, sức mạnh nội sinh quan trọng trực tiếp xây dựng Thủ đô phát triển bền vững. Đồng chí có thể nói rõ hơn về điều này? Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Quốc gia nào cũng có Thủ đô. Nhưng Hà Nội của chúng ta là một Thủ đô thật đặc biệt. Bởi hiếm có Thủ đô nào trên thế giới hội tụ được nhiều giá trị như Hà Nội. Do địa thế ưu việt – cái nôi của nền văn minh sông Hồng hình thành từ lâu, vùng đất thiêng “núi Tản, sông Hồng” trước khi trở thành nơi định đô, dựng nghiệp của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn, đã nhiều lần mang vị thế trung tâm quyền lực của đất nước, nơi lưu dấu những triều đại lẫy lừng, thịnh trị. Sự tồn tại và phát triển không ngừng của đất “kinh sư muôn đời” đã khẳng định bề dày lịch sử văn hiến vẻ vang của Thủ đô; sự tồn tại, phát triển bền vững của một quốc gia độc lập, tự chủ. |
Trong tiến trình lịch sử đó, lực hấp dẫn văn hóa của Thăng Long – Hà Nội lớn và xuyên suốt cả nghìn năm, là nơi thu hút hiền tài bốn phương, chưng cất kinh nghiệm trăm vùng để xây đắp, tỏa sáng tinh hoa văn hóa đất nước. Đặc biệt, kể từ khi dân tộc ta có Đảng do Bác Hồ sáng lập và dẫn dắt, Thăng Long – Hà Nội càng phát huy cao độ truyền thống văn hóa; đồng thời không ngừng bồi đắp những phẩm chất văn hóa mới, biến nó thành nguồn lực to lớn, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở thời đại Hồ Chí Minh. Nói vậy để thấy, văn minh, văn hiến Thăng Long – Hà Nội là thành quả của quá trình lao động sáng tạo, kiên cường đấu tranh dựng nước, giữ nước và giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa bốn phương để không ngừng hoàn thiện mình. Hành trình xây dựng, phát triển văn hóa suốt dặm dài lịch sử đã hun đúc nên khí phách, bản lĩnh, cốt cách Hà Nội; bồi đắp nên bản sắc riêng có của một vùng văn hóa, thể hiện rõ nét qua đặc trưng lịch sử – tinh thần – diện mạo của Hà Nội hôm nay. Thăng Long – Hà Nội được coi là vùng di sản văn hóa đặc sắc, nổi bật nhất cả nước, nơi hiện diện đầy đủ loại hình di tích, di sản văn hóa phi vật thể từ hệ thống gần 6 nghìn di tích văn hóa – lịch sử, một Di sản văn hóa thế giới; hơn 1,7 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một Di sản Tư liệu thế giới. Đây cũng là nơi lưu giữ những ngôi đình cổ nhất, trường đại học đầu tiên, đệ nhất danh thắng, đệ nhất cổ tự… những báu vật trời Nam mà chỉ tên tuổi thôi cũng đã nói lên rất nhiều điều về tiến trình lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc hay đời sống tinh thần của nhiều thế hệ cư dân Hà Nội. |
Phóng viên: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã làm gì để kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, sáng tạo,… thưa đồng chí? Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đối với Hà Nội – Thủ đô của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố càng nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Xuyên suốt 8 kỳ Đại hội sau đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo để việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội không tách rời quan điểm của Đảng ta về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, song vẫn mang những nét đặc trưng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội Thủ đô. Nhận thức về vị trí văn hóa trong xã hội được phát triển qua từng giai đoạn, đã minh chứng văn hóa, con người Hà Nội thực sự giữ vai trò nguồn lực nội sinh của sự phát triển, góp phần xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Để chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, liên tục nhiều nhiệm kỳ có chương trình công tác lớn riêng, như: Chương trình số 05 (khóa XIII), Chương trình số 08 (khóa XIV), Chương trình số 04 (khóa XV, XVI) và Chương trình số 06 (khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, với những giải pháp cụ thể, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, khẳng định văn hóa và con người đã và đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. Việc quan tâm, chăm lo phát triển văn hóa, con người trên địa bàn Thành phố đã có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hiến Thăng Long – Hà Nội, hướng tới các giá trị nhân văn đích thực. |
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, một đặc trưng văn hóa – đó là văn hóa ứng xử như là cầu nối tiếp biến văn minh thế giới, bồi đắp giá trị văn hóa, con người Hà Nội, được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố xác định là nguồn lực mới, quan trọng cho phát triển Thủ đô. Để khơi thông nguồn lực từ văn hóa ứng xử, tối ưu hóa những giá trị văn hóa mới, bên cạnh những giá trị văn hóa đã được định hình, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã triển khai rộng khắp từ Thành phố tới cơ sở hệ thống Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo nên một sự thay đổi tích cực, lớn lao trong đời sống cộng đồng, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng vun đắp. Một nền hành chính phục vụ, hành chính “nụ cười” đã và đang tạo dấu ấn đậm nét trong văn hóa công sở; trong khi đó, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội liên tục được cải thiện, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Nét đẹp ứng xử nơi công cộng cũng được nhân lên từng ngày, góp phần đẩy lùi những hành vi xấu xí, phản văn hóa… tạo nên một môi trường xã hội ngày một văn minh, an toàn, hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Những năm qua, Hà Nội đã không ngừng đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo, thực thi nhiều chính sách tích cực, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU – Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045 và đang nỗ lực triển khai thực hiện nhằm hiện thực hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đạt được mục tiêu “Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước”… |
Phóng viên: Được biết, Thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ ban hành Chỉ thị về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, đồng chí có thể khái quát những nội dung cốt yếu nhất của Chỉ thị này? Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội hun đúc lên giá trị cốt lõi của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong văn hóa ẩm thực, kiến trúc, trong giao tiếp, ứng xử. Trong những năm qua, Thành phố luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội. Điều đó đã được cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, Chương trình công tác lớn trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, được xác định là một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, là nội dung cốt lõi của Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hiện nay chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Tình trạng này có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững. |
Bởi vậy, từ tháng 6/2023, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Dự thảo được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, hoàn thiện trên cơ sở quy trình khoa học, nhiều bước xin ý kiến các cơ quan, ban ngành, các chuyên gia, nhà khoa học. Tháng 11/2023, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã cơ bản nhất trí với Dự thảo. Khi Chỉ thị này được ban hành thì việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trở thành nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên của cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp. Chỉ thị cũng đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hướng tới hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, nhanh, bền vững đất nước và Thủ đô. |
Phóng viên: Nhân dịp Xuân mới, đồng chí có nhắn nhủ gì tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô? Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Trong giai đoạn phát triển mới, tình hình quốc tế và khu vực có những thay đổi nhanh chóng, ngày càng khó đoán định. Thế giới đã khống chế được đại dịch Covid-19 nhưng hệ lụy của nó vẫn còn tạo nên những ảnh hưởng nhiều mặt tới đời sống xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều thời cơ cũng như thách thức cho mọi quốc gia, trong đó có nước ta. Hà Nội là Thủ đô – trái tim của cả nước, là bộ mặt của quốc gia – nơi hội tụ khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi, mảnh đất địa linh nhân kiệt, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến, anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam – nơi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, ba lần được tặng thưởng “Huân chương Sao vàng”, được tổ chức quốc tế ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; được đồng bào, chiến sĩ cả nước gửi gắm niềm tin và hy vọng. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội cần phải cao hơn, sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn, ngày càng tiến bộ, văn minh hơn. Để hoàn thành trọng trách nặng nề và vẻ vang ấy, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị Thủ đô cũng đòi hỏi sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng, giàu khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Hà Nội – lực lượng chính sản xuất tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, gương mẫu, trách nhiệm, bản lĩnh, sáng tạo, tinh thần và quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là tình yêu với Hà Nội, tôi tin tưởng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô sẽ khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Nội một cách bài bản, khoa học, thực chất, đem lại hiệu quả cao, góp phần tích cực xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội thực sự là đầu tàu, gương mẫu, thành phố kết nối toàn cầu, tạo động lực cùng cả nước hòa nhịp khát vọng phát triển, hiện thực hóa xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí. |
—————————— Nội dung: Nguyễn Công – Thiết kế: P.T Đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển (laodongthudo.vn) |