Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
Trước đó, ngày 25/12/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 4367/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Công văn nêu rõ, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 12/01/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố.
Đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch trên địa bàn Thành phố.
Ngày 15/01/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 19/KH-UBND về Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2024. Trong đó yêu cầu, việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Quán triệt, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và Thành phố về quản lý, tổ chức lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị.
Chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, của lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng các hình thức truyền thông như: quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên các website địa phương, nền tảng mạng xã hội, các phần mềm tiện ích… để người dân, du khách dễ tiếp cận, thực hiện.
Tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng lối sống, ứng xử văn minh trong gia đình, cộng đồng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm, giảm bớt những hiện tượng phản cảm trong văn hóa ứng xử, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Các địa phương đã sẵn sàng cho một mùa lễ hội văn hoá, văn minh
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024, đồng chí Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh đây là năm đầu tiên Hà Nội triển khai thực hiện Bộ tiêu chí về Xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Các địa phương tại Hà Nội đã rất ý thức và tập trung triển khai theo bộ tiêu chí này.
Bên cạnh đó, các địa phương bám sát chỉ đạo của UBND Thành phố, các đơn vị chức năng đã có những văn bản triển khai để đảm bảo công tác lễ hội được diễn ra thành công tốt đẹp. Do đó, đồng chí đề nghị các địa phương chủ động công tác thông tin để tuyên truyền cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của các tập tục, lễ hội để báo chí tuyên truyền cũng như du khách thập phương nắm được.
Đại diện quận Đống Đa cho biết với Lễ hội gò Đống Đa diễn ra từ mùng 5 Tết, là khởi đầu cho mùa lễ hội tại Hà Nội. Quận đã có nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch để thực hiện tốt các công tác phục vụ cho sự kiện.
Đại diện huyện Mê Linh cho biết, khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng sẽ diễn ra vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm. Sau đó sẽ có một bộ phim 3D mapping trình chiếu để ca ngợi, tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng.
Tại Hội nghị, các đơn vị cũng tiến hành ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống./.
Huyền Anh
Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 (nguoihanoi.vn)