Tìm về “nếp nhà” Tết truyền thống
Trong ký ức của nhiều bạn trẻ, Tết xưa luôn là một niềm nhớ thương, và cho đến hiện tại, dù xung quanh có vô vàn những xu hướng “chơi” Tết mới, họ vẫn chọn tìm về các giá trị truyền thống.
Với một số người trẻ, giá trị quý giá mà Tết đem lại, đó là gia đình đoàn viên: “Em vẫn nhớ như in cảm giác mọi người trong gia đình ngồi quây quần bên nhau canh nồi bánh chưng thật ấm áp. Hồi ấy mỗi khi Tết đến, em háo hức nhất được cùng mẹ đi chợ Tết. Chợ Tết ngày ấy tuy không đủ đầy, phong phú như ngày nay nhưng lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp với tiếng cười nói tưng bừng. Đối với em, Tết không chỉ là dịp lễ, mà còn là một phần quan trọng của bản sắc văn hóa Việt, nơi có thể tìm thấy sự kết nối sâu sắc với gia đình và cội nguồn”, Phạm Linh Trang (sống tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ.
Linh Trang hiện là sinh viên năm nhất trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Lần đầu tiên xa nhà và bước vào ngưỡng cửa đại học, Trang lại càng mong ngóng Tết hơn bao giờ hết. Vậy nên Tết năm nay, cô bạn quyết định về nhà từ 26 Tết để đi chợ với mẹ. Trang thích cảm giác hồi hộp và háo hức khi cùng mẹ lựa chọn từng bó hoa tươi thắm, mua những hộp bánh kẹo đẹp mắt và lựa chọn nguyên liệu tươi ngon cho mâm cơm ngày Tết. Không gian chợ Tết, với muôn vàn sắc màu, âm thanh, hương vị đặc trưng, dường như bừng lên sức sống, khiến lòng người trở nên phấn chấn, ngập tràn niềm vui. Nhớ về bầu không khí nhộn nhịp ấy, Trang cảm thấy ấm áp, gần gũi và yên bình đến lạ!
Còn Ngọc Thảo, cô sinh viên trường Đại học Công đoàn cũng luôn mong chờ đến Tết để được về nhà, trở về với không gian gia đình truyền thống. Năm nào cũng vậy, cận Tết là Thảo bắt xe khách để về quê (phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên). Về để quây quần với gia đình, chờ đón khoảnh khắc giao thừa và đi hái lộc đầu năm. “Tết ở nhà là những khoảnh khắc quý giá, từ việc cùng mẹ chuẩn bị mâm cỗ Tết, trang trí nhà cửa đến các buổi chiều lang thang trên con đường quê yên bình, nơi mỗi ngôi nhà đều rực rỡ ánh đèn và màu sắc của hoa mai, hoa đào. Mình cũng dành thời gian để đi thăm ông bà, người thân, thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ đã nuôi dưỡng và dạy dỗ mình”, Thảo tâm sự.
Dẫu cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn và nhiều biến động, nhưng không gian ấm áp của gia đình trong những ngày Tết vẫn luôn là điểm tựa vững chắc, là nơi mọi người tìm về để tái tạo năng lượng, yêu thương và sẻ chia. Từ việc gói bánh chưng, đi chợ Tết, trang hoàng nhà cửa, chúc Tết người thân, mỗi hành động, dù nhỏ nhất, đều trở thành phần không thể thiếu trong bức tranh Tết truyền thống. Đối với những bạn trẻ như Trang, Thảo thì Tết không chỉ là dịp để tận hưởng phút giây đoàn viên, mà còn là cơ hội để học hỏi, gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Hài hòa truyền thống – hiện đại
Thế hệ trẻ hiện nay, bên cạnh việc coi trọng Tết và những giá trị gia đình, thì không ít bạn đã và đang có xu hướng tiếp cận Tết một cách linh hoạt và sáng tạo hơn. Họ không ngần ngại kết hợp truyền thống với hiện đại, tạo ra những cách “chơi” Tết mới mẻ mà vẫn giữ được tinh thần của Tết cổ truyền.
Việc kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng trong dịp Tết đang trở nên phổ biến. “Thay vì “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy ”, mình chọn cách rủ gia đình đi du lịch, tạo nên kỳ nghỉ Tết độc đáo. Mình muốn mỗi dịp Tết không chỉ là thời gian để trở lại với các giá trị truyền thống, mà còn là cơ hội để cùng gia đình khám phá những vùng đất mới, tận hưởng các trải nghiệm mới lạ. Điều này không chỉ giúp mọi người trong gia đình gắn kết tình cảm mà còn mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về thế giới xung quanh. Nó cũng giúp mình thấu hiểu rằng, “chơi” Tết dù có nhiều hình thức khác nhau, nhưng tinh thần của Tết là sự đoàn tụ và chia sẻ thì luôn được giữ gìn”, anh Lê Trường Giang (sống tại đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Anh Giang và gia đình cũng thường mời bạn bè ngoại quốc đến cùng đón Tết, xem đó là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ văn hóa truyền thống Việt Nam. “Có những năm, mình mời vài người bạn nước ngoài đến nhà để trải nghiệm Tết. Mình muốn họ cảm nhận được không khí Tết truyền thống qua việc tham gia vào các hoạt động như gói bánh chưng, trang trí nhà cửa và thưởng thức bữa cơm Tết. Đó là những khoảnh khắc đặc biệt giúp họ hiểu hơn về phong tục, lịch sử và tinh thần cộng đồng của chúng ta”. Anh Giang cũng chia sẻ về niềm vui khi thấy bạn bè quốc tế thích thú với những trải nghiệm mới lạ: “Thật tuyệt khi thấy họ mặc áo dài, học cách gói bánh chưng hay thậm chí thử nói vài câu chúc Tết bằng tiếng Việt. Mình cảm thấy tự hào khi giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế”.
Với Minh Huyền (sống tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cô bạn “chơi” Tết đậm chất Gen Z bằng cách phân chia thời gian ăn Tết theo kiểu 50 – 50, một nửa thời gian để “trở về” với gia đình, nửa còn lại dành cho bản thân để tham gia các hoạt động vui chơi, du lịch và gặp gỡ bạn bè. Theo Huyền, việc cân bằng giữa thời gian dành cho gia đình và bản thân sẽ giúp mỗi người tận hưởng Tết một cách trọn vẹn nhất. “Bên cạnh việc quây quần ăn tất niên và đi chúc Tết cùng gia đình, mình sẽ rủ cả nhà xem một bộ phim kinh dị trên Netflix hay cùng chơi vài trò chơi hơi “trẻ trâu” như đánh bài, two truths and a lie… Có thể các dịp bình thường, ông bà, cha mẹ sẽ rất ít tham gia cùng con cháu, nhưng dịp Tết, mọi người trở nên gần gũi, mở lòng và sẵn sàng tham gia. Điều này tạo nên không khí ấm cúng, vui vẻ và thực sự kết nối các thế hệ trong gia đình”, Minh Huyền bộc bạch.
Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên những người trẻ “giao thời”. Với họ, Tết không chỉ là thời gian để tưởng nhớ và tri ân, mà còn là cơ hội để thể hiện bản thân, kết nối và viết lên những trải nghiệm mới. Đâu cần phải “đi thật xa để trở về”, Tết ở trong tâm thì luôn trọn vẹn giá trị.
Kim Oanh