Vùng đất của diễn xướng dân gian
Hà Nội hiện có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đa dạng loại hình, phân bố ở khắp 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, chiếm một phần quan trọng là nghệ thuật diễn xướng dân gian. Đặt chân đến nơi nào của Hà Nội cũng dễ dàng bắt gặp hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật gắn liền với mọi mặt đời sống người dân, được sáng tạo, gìn giữ và trình diễn thông qua các phương tiện biểu hiện khác nhau.
Cái nôi ca trù đã có hàng trăm năm tại Hà Nội là làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh), xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) vẫn hiện hữu. Tới thôn Tế Tiêu huyện Mỹ Đức lại chạm vào di sản múa rối cạn có một không hai, sang làng Đào Thục (huyện Đông Anh) là nghệ thuật múa rối nước. Trải qua bao biến thiên và thăng trầm, nhiều diễn xướng dân gian khác của Thủ đô vẫn đứng vững như hò cửa đình và hát múa bài bông, hát trống quân, chèo tàu, kéo co ngồi, tuồng cổ, dân ca Xa Mạc, xẩm, hát ví, hát dô, cồng chiêng… mang đậm nét văn hóa xứ kinh kỳ.
Mỗi loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian Thủ đô mang bản sắc, nét độc đáo riêng có. Nhà nghiên cứu – lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, so với các địa phương khác, hát xẩm của Hà Nội có nét đặc trưng mà không đâu có được, đó là xẩm tàu điện. Với nhiều thế hệ đi trước, những bản xẩm tàu điện có tiết tấu nhanh, ngắn gọn, thường sử dụng thơ của các thi sĩ nổi tiếng như “Anh khóa”, “Cô hàng nước” (Á Nam Trần Tuấn Khải), “Giăng sáng vườn chè,” “Em đi tỉnh về” (Nguyễn Bính)… đã trở thành loại hình âm nhạc đường phố vô cùng độc đáo, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nhắc đến chèo tàu, nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Đệ giọng đầy tự hào, rằng, chèo tàu Tân Hội (Đan Phượng) là hình thức trình diễn hát chèo trên cạn cùng với tàu (thuyền) trên cạn, các bài hát trong chèo tàu ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình cảm con người… và chèo tàu chỉ có nữ hát. Hay múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), là hình thức “có một không hai” so với những nơi khác, do con rối vừa có thể chuyển động tịnh – tiến, đi chéo hoặc cử động được cả hai tay giúp nghệ nhân có thể linh động, nhịp nhàng trong lúc biểu diễn.
Một diễn xướng dân gian khác của Hà Nội là hò cửa đình và hát múa bài Bông tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên. Đây là lối sinh hoạt mang tính nghi lễ tâm linh cổ truyền chỉ có tại làng Phú Nhiêu. Qua hàng trăm năm đến nay, lời ca, điệu múa, tiếng hò vẫn được dân làng lưu giữ, đậm đà bản sắc dân tộc và đảm bảo tính thiêng vốn có.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng của phường rối cạn Tế Tiêu chia sẻ, nhiều thế kỷ đi qua, múa rối cạn Tế Tiêu vẫn sở hữu nhiều nét riêng với nhân vật rối có tạo hình ngộ nghĩnh, thô mộc, màu sắc rực rỡ và đậm chất dân gian. Đặc biệt, rối cạn Tế Tiêu đã tích hợp được những trích đoạn tuồng kinh điển Việt Nam, chuyển hóa chất tuồng vào trong nghệ thuật rối một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên. Phường múa rối Tế Tiêu chinh phục người xem bằng các tích trò rối tuồng cổ: “Thoát Hoan chui ống đồng”, “Thạch Sanh chém trăn tinh”, “Thánh Gióng đánh giặc Ân”…
Chảy mãi mạch nguồn
Theo nhạc sĩ – nhà nghiên cứu LLPB âm nhạc Nguyễn Quang Long, sở dĩ diễn xướng dân gian Thủ đô tồn tại và phát triển cùng thời cuộc bởi Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng và hệ thống chính trị để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể hơn, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 18/2/2022 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025.
Thông qua việc tổ chức các lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, nhiều diễn xướng dân gian Thủ đô đã được “hồi sinh”. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB Hát dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) cho biết, nhờ các buổi truyền dạy, tập huấn đến nay có 60% người dân địa phương hiểu về ý nghĩa, biết về một số làn điệu hát dô, thoát khỏi nguy cơ mai một. Hàng trăm bạn trẻ ở Liệp Tuyết đã được truyền dạy hát dô và đem lời ca, tiếng hát đến nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa của Hà Nội. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền – “báu vật sống” của ca trù Lỗ Khê (huyện Đông Anh) cũng hồ hởi, “đi qua những ngày gian khó, cái nôi ca trù Hà Nội giờ đã có những hạt nhân trẻ tuổi biết hát, biết đàn, biết gõ trống chầu”. Trong các hội xuân, hội làng của địa phương và thành phố, ca trù Lỗ Khê vẫn hiện diện như một phần không thể thiếu.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) Lê Văn Ba, kiêm Chủ nhiệm CLB hát trống quân xã Khánh Hà chia sẻ, nhờ sự vào cuộc sớm từ xa và quan tâm của các cấp ngành thành phố, hát trống quân xã Khánh Hà đã “hồi sinh” với trên 300 lời hát cổ với các làn điệu khác nhau được gìn giữ, lưu truyền và số lượng người thực hành hát trống quân ngày càng nhiều. Xã Khánh Hà đã có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú.
Cùng với việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, công tác tư liệu hóa các loại hình diễn xướng dân gian tại Thủ đô cũng được chú trọng. Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội), ngành văn hóa đã thực hiện tư liệu hóa hát chèo tàu (huyện Đan Phượng), múa hát Ải Lao (quận Long Biên), hát trống quân tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ… bằng cách ghi đĩa hình, in sách về cách thức trình diễn, các bài hát, điệu múa vừa làm cơ sở giảng dạy, vừa đưa đi quảng bá tại các sự kiện văn hóa.
Đặc biệt, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định “chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội”, từ đây “tiếp lửa” cho các chủ thể thực hành di sản văn hóa phi vật thể, diễn xướng dân gian trên địa bàn Thành phố. Để rồi từ đó, nghệ thuật diễn xướng dân gian Thủ đô góp thêm vào nguồn lực nội sinh để làm nên một Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”./.
Trung Kiên
Diễn xướng dân gian Thăng Long – Hà Nội: Chảy mãi mạch nguồn (nguoihanoi.vn)