Độc đáo lễ ăn Tết cổ truyền của người Dao ở Ba Vì, Hà Nội

Theo phong tục, người Dao ăn Tết Năm Cùng (hay còn được gọi là Tết cuối năm) trước Tết Nguyên đán của người Kinh khoảng nửa tháng và vui Tết đến hết rằm tháng Riêng. Không ai nhớ Tết Năm Cùng của người Dao có từ khi nào, chỉ biết rằng khi có người Dao là có Tết Năm Cùng.

15.jpeg

Tết Nhảy là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tục thờ cúng của người Dao.

Theo phong tục của người Dao tại xã Ba Vì huyện Ba Vì, Hà Nội, Tết cổ truyền của họ bắt đầu từ rằm tháng 11 âm lịch cho tới ngày 30 tháng chạp hàng năm và mỗi nhà sẽ tổ chức ăn tết một ngày. Hơn lúc nào hết, đây là khoảng thời gian vui nhất của đồng bào người Dao tại đây.

Vào ngày này, mỗi dòng họ sẽ chọn ra một ngày đẹp để tổ chức ăn Tết. Thường Tết chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, tại gia đình đang giữ bàn thờ của dòng họ hay còn được gọi là bàn thờ cao. Trong những ngày này, người Dao ở Ba Vì sẽ mặc những trang phục truyền thống của mình. Bởi lẽ, người Dao coi trọng ngày Tết này vì thể hiện tình cảm, sự gắn kết, quan tâm lẫn nhau và cùng ôn lại một năm đã qua, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Việc tổ chức ăn Tết của các gia đình cũng phải tuân theo quy tắc nhất định. Đầu tiên, các hộ gia đình đóng góp đồ. Có thể là gà, lợn, gạo…cùng lên miếu để làm lễ, rồi ăn Tết làng ở nhà người tổ chức lễ họ.

Làm được một mâm cỗ cúng trong ngày Tết Năm Cùng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, bữa cỗ cúng tổ tiên của người Dao không thể thiếu được món bánh dầy, đó cũng chính là món kỳ công và tốn sức nhất. Việc này đòi hỏi sự tham gia của các thanh niên trai tráng trong làng. Các thanh niên cứ thế thay nhau đâm bánh dầy đến khi chiếc bánh dẻo quánh, bứt không ra thì thôi. Mẻ bánh giầy đầu tiên tất cả mọi người không ai được nếm hay ăn thử, vì đây là mẻ bánh dành để cúng ông bà tổ tiên. Từ mẻ bánh thứ hai, mọi người mới được ăn.

Khác với mâm lễ dâng lên thần linh, tiên tổ bao gồm thủ lợn, gà, bánh dầy cùng dăm chén rượu. Mâm cỗ để gia đình thết đãi bà con họ hàng, làng xóm gồm khá nhiều món, nhưng đa phần đều có nguyên liệu là từ thịt lợn đã mổ từ sớm. Các bữa cỗ Tết truyền thống của người Dao được biết đến với cái tên cỗ lá. Thay vì bày thức ăn ra bát, đĩa thì người Dao sẽ để chung vào những chiếc lá được xếp đan với nhau.

Sau buổi lễ Tết Năm Cùng, nhắc đến Tết của người Dao, người ta nghĩ ngay đến Tết Nhảy. Từ bao đời nay, Tết Nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao nói chung và của cộng đồng người Dao ở Ba Vì nói riêng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Tết Nhảy không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ hết những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới dồi dào sức khoẻ, cầu cho mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi. Đây cũng là dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân tộc; ôn lại nét văn hoá truyền thống của người Dao thông qua nội dung những bài khấn, những lời ca, điệu múa.

Gia đình muốn tổ chức Tết Nhảy phải hội đủ các điều kiện như: Không có tang ma, kinh tế thông thuận… và quan trọng nhất là phải được sự đồng ý của người có uy tín trong thôn, làng. Mỗi khi nhà ai tổ chức Tết Nhảy thì hôm đó, cả làng vui lắm. Tết nhảy thường gồm 3 phần chính: Khai lễ, chính lễ và lễ tiễn đưa. Điều hành các phần lễ có thầy cúng, phụ các thầy cúng là những người đàn ông đã trải qua lễ cấp sắc.

Trong phần khai lễ, thầy cúng sẽ lập đàn lễ, bày biện lễ vật, mời các thần linh, gia tiên về dự lễ. Phần chính lễ được xem là quan trọng nhất và có thời gian dài nhất. Xuyên suốt phần khai lễ và chính lễ, thầy cúng và những người phụ lễ vừa nhảy múa vừa hát kết hợp với tiếng kèn, chuông, trống rộn ràng. Lễ vật dâng cúng gồm thủ lợn, gà, xôi, bánh dày, rượu, nước, tiền đồng xu, hoa quả… Nội dung câu hát, điệu nhảy trong Tết Nhảy tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc giã, muông thú bảo vệ dân làng của các bậc tiền nhân…

Trước mỗi điệu nhảy hoặc múa, những người tham gia thường chuẩn bị chu đáo. Tương truyền, thuở xưa, sau lần hạn hán kinh hoàng, tổ tiên của người Dao quần chẹt đóng thuyền vượt biển tìm miền đất mới. Đang trên cuộc hành trình thì giông tố nổi lên, sức mạnh khủng khiếp như muốn nhấn chìm tất cả. Cả đoàn thuyền bê bát hương ra mui đồng loạt quỳ lạy đất trời, thần linh để được an toàn. Họ hứa nếu được sống sót, họ và con cháu sẽ tổ chức Tết nhảy trong nhiều ngày để tạ lễ. Trên thuyền lúc đó có 12 dòng họ. Để tạ ơn thánh thần, bốn nhánh họ Triệu và 11 họ khác làm Tết nhảy. Họ mổ lợn, giết gà và múa hát suốt trong 3 ngày, 3 đêm để tạ ơn.

Các dụng cụ như đao, kiếm bằng tre, gỗ cùng nhiều loại vũ khí tượng trưng khác được người Dao đẽo, gọt, tô mực màu xanh, đỏ và trang trí hoa văn lên để chuẩn bị cho Tết Nhảy. Thông thường, các gia đình người Dao hơn mười năm mới tổ chức một lần, và thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Mặc dù, Tết Nhảy là Tết của gia đình nhưng lại được cả bản, cả vùng đến chung vui.

Có thể thấy, dù cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào khắp các bản làng của người Dao ở Ba Vì, nhưng bà con dân tộc thiểu số nơi đây vẫn luôn cố gắng gìn giữ và phát huy những nét đặc sắc của dân tộc mình. Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn song tạm gác lại những bộn bề lo toan thường nhật, người Dao trên núi Ba Vì đang nô nức chào đón Xuân, vững tin vào một năm mới ấm no và sung túc hơn…

Bảo Trâm

Độc đáo lễ ăn Tết cổ truyền của người Dao ở Ba Vì, Hà Nội (nguoihanoi.vn)