Làng cổ Đường Lâm từ lâu được biết đến là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng. Nơi đây, nhiều ngôi nhà và công trình kiến trúc cổ có giá trị hàng trăm năm vẫn được bảo vệ qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử.
Theo Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, Đường Lâm là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng, với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, được biết đến với những cái tên rất thuần Việt, như: “Làng Việt cổ”, “Làng cổ đá ong”…
Đây là một quần thể di tích có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng (gồm 7 di tích cấp Quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh), ngoài ra nơi đây còn lưu giữ được gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ; 5 thôn trong khu vực di tích làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí Lãnh đạo Thành phố khảo sát và làm việc tại Làng cổ Đường Lâm. |
Một điểm ít người biết, tại Đường Lâm hiện còn lưu giữ không ít “nét lạ”. Những “nét lạ” này ẩn chứa ngay trong mỗi di tích mà chỉ cần đi sâu, tìm hiểu là có thể thấy được sự thú vị. Đình Mông Phụ là ví dụ. Quanh di tích Đình Mông Phụ, nếu đứng trên cao và có sự bao quát thì dễ dàng thấy từ đình làng có 6 con đường toả đi 6 hướng để đến 9 làng khác nhau, trong đó 5 làng là: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau, còn hai làng tách biệt là Phụ Khang và Văn Miếu. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất.
Lại nữa, đến thăm Đường Lâm thì việc ghé chùa Mía là không thể thiếu. Chùa Mía còn có tên là Sùng Nghiêm Tự, nằm trên khu đất cao của thôn Đông Sàng. Trong chùa còn bảo lưu hệ thống tượng Phật rất phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá, bao gồm 287 pho và nhiều di vật quý. Theo tìm hiểu, chùa Mía cùng với đền Phủ, bến phà Hà Tân, chợ Mía, cổng làng Đông Sàng, rạch Phủ… là những công trình gắn liền với công lao to lớn của bà Nguyễn Thị Ngọc Dong – một người con của quê hương và là cung phi của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng.
Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhiều người cho rằng làng cổ Đường Lâm chính là một “cổ trấn bị lãng quên”, chỉ đứng sau phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật. Đặc biệt, đây còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi duy nhất “một ấp hai vua” – nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền, gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa Nho học.
Sáng tạo để phát triển
Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ Đường Lâm luôn được Sơn Tây chú trọng với sự hỗ trợ, tư vấn của các cấp quản lý và nhiều tổ chức trong nước, quốc tế, đúng với tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề ra. Công tác phát triển du lịch di sản, phát huy giá trị di tích được triển khai hiệu quả, từng bước cải thiện đời sống người dân và cũng là động lực để khơi dậy sức sáng tạo của người dân, tìm tòi, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch đáp ứng thị hiếu của du khách.
Du khách tham quan làng cổ Đường Lâm. |
Để khai thác tốt hơn giá trị làng cổ, tăng sức hấp dẫn cho di sản, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo. Ông Nguyễn Đăng Thạo – Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, thời gian qua, việc tổ chức các hoạt động theo hướng khai thác giá trị văn hóa Làng cổ cho hoạt động sáng tạo, vừa tăng trải nghiệm cho khách nhưng đồng thời góp phần phát huy giá trị làng cổ.
Được biết, tại Đường Lâm từ tháng 4/2023, nhằm tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho hành trình du lịch di sản, một không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo mang tên “Đoài creative” đã ra mắt tại làng cổ, mở ra cơ hội trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống hấp dẫn của Đường Lâm nói riêng, làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn nói chung.
Tại đây, công chúng và du khách được tìm hiểu về lịch sử văn hóa làng cổ xứ Đoài, tham gia các workshop với những chuyên đề luôn được đổi mới để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, như: Sáng tạo trên nền ngói cổ, làm đèn nghệ thuật trên ngói âm dương, vẽ tranh mộc bản trên giấy dó, giấy điệp… Dù chỉ mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm nhưng “Đoài creative” đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng khi tới thăm làng cổ Đường Lâm, đặc biệt vào các dịp cuối tuần, kỳ nghỉ lễ, nơi đây luôn tấp nập khách tham quan, trải nghiệm.
Làng cổ Đường Lâm dần trở thành không gian sáng tạo độc đáo. |
Cùng với “Đoài creative”, với cách làm du lịch mới thông qua các mô hình không gian sáng tạo, hiện nay tại Đường Lâm còn có nhiều mô hình làm du lịch cộng đồng khác thu hút đông đảo người dân tham gia. Thành danh với công việc của một họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn tâm huyết đồng hành cùng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và bà con bằng cách triển khai mô hình không gian sáng tạo thông qua Hợp tác xã Nghề làng từ tháng 3/2023. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm “chạm” vào những công đoạn của nghề làm gốm, sơn mài cổ truyền.
Đáng chú ý, với những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững năm 2024 di tích làng cổ ở Đường Lâm đã được diễn đàn du lịch Đông Nam Á công nhận là: Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN 2024.
Nhất là khi Hà Nội đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và hiện thực hóa các sáng kiến khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo thì việc tạo thêm sức sống mới cho di sản như làng cổ Đường Lâm đang thực hiện là hết sức cần thiết. Từ đây cũng cho thấy, việc bảo tồn và phát huy giá trị là hoạt động song hành, có mối quan hệ biện chứng với nhau và làm tốt điều này sẽ tạo thêm sức sống mới cho di sản.