Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp khó lường, song dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có những chuyển biến rõ nét.
Thủ đô Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những thành tựu quan trọng. |
Kinh tế Thủ đô dần phục hồi và tăng trưởng khá, năm sau tăng hơn năm trước và tăng hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. GRDP năm 2021 tăng 2,92% (cả nước tăng 2,58%); GRDP năm 2022 tăng 8,89% (cả nước tăng 8,02%); GRDP năm 2023 đạt 6,27% (cao hơn mức bình quân chung cả nước). Quy mô GRDP của Hà Nội đạt khoảng 50 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng dần, phù hợp yêu cầu phát triển bền vững (năm 2021 dịch vụ chiếm 62,46%, năm 2022 chiếm 63,22% và năm 2023 trên 65%). Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước được đảm bảo: Thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt 12,3% so với dự toán; thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt 6,5% so với dự toán; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 410,51 nghìn tỷ đồng ((đạt 116,3% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022); chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên.
Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch đến thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách, trong đó 4 triệu lượt khách quốc tế.
Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển. |
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội khác đều có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Môi trường đầu tư được cải thiện. Xây dựng, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Thành phố đã có 18/18 huyện nông thôn mới; 382/382 xã nông thôn mới; 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Quốc phòng, an ninh được củng cố; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững và đảm bảo. Thành phố đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, thể thao quan trọng được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.
Công tác đối ngoại với các tỉnh, thành phố trong cả nước và hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng lên.
Tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ
Cùng với kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trong năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của Thủ đô trước mắt và tương lai.
Có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình xây dựng nông thôn mới. |
Cụ thể, Hà Nội đã chủ động, tích cực phối hợp Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6; dự kiến Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2024).
Bên cạnh đó, Thành phố đã và đang đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật quy hoạch; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố; khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, mục tiêu hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Thành ủy “Về phát triển công nghiệp văn hóa”; Nghị quyết “Về chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch đầu tư về 3 mục tiêu – cải tạo, nâng cấp trường học, y tế và tu bổ di tích lịch sử giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo (dự kiến hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình của 3 lĩnh vực này, gồm 382 công trình cấp thành phố, 623 công trình cấp huyện)…; Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công; Đề án cải tạo lại chung cư cũ; Đề án phân cấp, ủy quyền (đã phân cấp/ủy quyền 708/1.895 thủ tục hành chính, đạt 37,3%); tiếp nhận và đưa vào khai thác vận hành hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, Cát Linh – Hà Đông; Chỉ đạo đẩy nhanh giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như: Các dự án xử lý nước thải, chất thải, xử lý môi trường, dự án nước sạch, chống úng ngập, dự án đường sắt đô thị, các thiết chế văn hóa… và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu và khát vọng xây dựng Thủ đô là Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. |
Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, quan điểm chỉ đạo của năm 2024 là: Phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác.
Phấn khởi, tự hào về những nỗ lực và thành quả đã đạt được năm vừa qua, trong không khí vui mừng đón chào Xuân Giáp Thìn 2024, tiếp tục thực hiện chủ đề công tác là “Năm kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thành phố Hà Nội sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu và khát vọng xây dựng Thủ đô là Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển; xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân và tình cảm tin yêu của cả nước.
Là Thủ đô có diện tích rộng, dân số đông, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với trên 2,7 triệu lao động; trong đó có 9.208 Công đoàn cơ sở với trên 664.000 đoàn viên Công đoàn làm việc và sinh sống. Phát biểu tại Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, Công đoàn Thủ đô phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu; lấy cơ sở là địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy người lao động là đối tượng phục vụ. Đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức của đoàn viên công đoàn, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô, đã được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. |