Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia đánh giá, với diện tích gần 3,4 nghìn km2, dân số gần 9 triệu người, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương đông dân thứ hai cả nước. Dù có mật độ dân số cao nhưng dân số phân bổ không đồng đều, tập trung vào phần lõi của đô thị, trong khi ở các vùng ngoại vi, mật độ dân số thưa thớt hơn đi kèm với các hoạt động kinh tế – xã hội kém hơn. Gần đây, những vấn đề về thiếu hụt trường học, bệnh viện, công viên hay ngập khi mưa, ùn ứ rác thải khiến cho cuộc sống của người dân cũng như hình ảnh của một đô thị văn minh, hiện đại bị ảnh hưởng.
Ảnh minh họa. |
“Do vậy, phát triển đô thị của Hà Nội thời gian tới nên lựa chọn phương án phát triển theo chiều sâu. Đô thị có thể được phân thành nhiều loại, tồn tại song hành hoặc phát triển tiếp nối nhau như đô thị tích hợp, đô thị sinh thái và đô thị nén”, PGS.TS Nguyễn Đức Kiên gợi mở.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Kiên, phát triển Thủ đô Hà Nội cần quan tâm tới sự phát triển của từng cá nhân, cộng đồng như sinh kế, sức khỏe, giáo dục, an toàn; bảo đảm môi trường sống tốt, bao gồm không khí, nguồn nước, chất thải; nâng cao đời sống văn hóa, xã hội; tăng cường sự tham gia của người dân đối với các vấn đề lớn của đô thị…
Cũng như các đô thị lâu đời trên thế giới, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều di tích, di sản. Ngoài số lượng lớn các đình, đền, chùa, còn có những nơi rất dân dã như cổng làng, cây đa… Việc duy trì những nơi này không chỉ gìn giữ khí chất linh thiêng của một đô thị ngàn năm văn hiến đang chuyển mình, mà còn tạo ra cảm giác gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên và tinh thần của người dân Hà Nội.
Sự phổ biến của các phương tiện giao thông cũng là một yếu tố tạo nên bản sắc của đô thị. Đặc điểm của các con đường nhỏ, ngõ hẹp và cuộc sống tấp nập, nhộn nhịp đã tạo nên văn hóa xe máy của Hà Nội. Đặc điểm kết cấu hạ tầng giao thông khu vực lõi của Thủ đô đề cao tính cơ động và trong bối cảnh các phương tiện giao thông công cộng chưa hoàn thiện thì vẫn nên duy trì xe máy. Vấn đề ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do xe máy gây ra cần được xử lý thông qua việc bố trí vị trí các cơ quan, trường học, nhà máy cũng như giờ làm việc, học tập cho phù hợp và quan trọng hơn cả là nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân và quản lý dân số đô thị.
Tại các đô thị nén ở vòng ngoài, giao thông công cộng cần được ưu tiên phát triển từ sớm, tăng tính kết nối giữa các địa điểm trung tâm trong đô thị với các đô thị xung quanh. Ở các đô thị sinh thái, cần ưu tiên phát triển các phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch và đề cao hiệu quả sử dụng năng lượng…
Để gìn giữ được những bản sắc văn hóa, xã hội riêng có của Hà Nội, cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong công việc quy hoạch đô thị; có cơ chế phù hợp để cộng đồng có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề sát thực nhất với cuộc sống hằng ngày ngay từ khâu xây dựng quy hoạch.
PGS.TS Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, tình trạng đô thị hóa nhanh chóng, với sự tích tụ nhiều người và các hoạt động kinh tế – xã hội trong những không gian nhỏ hẹp khiến các đô thị trở nên dễ bị tổn thương hơn trước, đòi hỏi một cách tiếp cận đầy đủ hơn với công tác quản lý các rủi ro đô thị. Đây phải là một yếu tố cần có trong chính sách công của đô thị, đặc biệt là trong công tác quy hoạch đô thị và môi trường. Chính quyền cần tăng cường quản trị các rủi ro này thông qua việc kiểm soát các hoạt động được phân loại vào nhóm nguy hiểm, phát triển các năng lực dự phòng và ứng phó với rủi ro dựa vào sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến cũng như hạn chế rủi ro thông qua công tác quy hoạch các vị trí, hoạt động tiềm ẩn rủi ro…
Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đang dần định hình trở thành một trung tâm gắn kết, tăng cường giao lưu, kết nối với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các địa phương trong cả nước cũng như với các thủ đô, thành phố trong khu vực và trên thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy, Hà Nội đã đạt những kết quả ấn tượng trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, phần nào phản ánh vai trò đầu tàu dẫn dắt của Vùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đó, Hà Nội đã tăng cường hợp tác và kết nối, ký kết các văn bản hợp tác toàn diện với 44/63 tỉnh thành phố; xây dựng các chương trình hợp tác, tổ chức các sự kiện nhằm kết nối hoạt động sản xuất, tiêu thụ giữa các địa phương; hỗ trợ kết nối quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP các địa phương tại thị trường Hà Nội… Thành phố còn đẩy mạnh hợp tác với các Trung tâm khuyến công, tiết kiệm năng lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm thúc đẩy các hoạt động kết nối giao thương các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp nông thôn, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng…
Về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, Hà Nội đã tổ chức các Festival, hội chợ xúc tiến thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư. Thành phố cũng hỗ trợ cung cấp thông tin, giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị đến tìm hiểu vị trí kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại tại các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành phố tham gia.
Hạ tầng giao thông được xem là điều kiện để thúc đẩy sự kết nối giữa Hà Nội với các địa phương khác và đã có những sự bứt phá về chất và lượng trong thời gian qua, tiêu biểu như các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ: Láng – Hòa Lạc, Pháp Vân – Cầu Giẽ; Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Hải Phòng, Nội Bài – Lào Cai; Nội Bài – Nhật Tân; Cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Đồng thời, việc xây dựng Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc tăng cường liên kết vùng, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc đô thị, giúp phát triển hành lang kinh tế, từ đó giúp các địa phương có thể thu hút vốn đầu tư nhờ sự thuận tiện trong giao thông.
Bên cạnh những điểm sáng thể hiện được vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô Hà Nội trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” đang tồn tại, cần được tháo gỡ để Thủ đô Hà Nội thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt và kết nối của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Tăng trưởng của Hà Nội, đặc biệt là với nền kinh tế hiện đại như kinh tế số còn chậm so với tiềm năng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại còn nhiều hạn chế. Các hoạt động thương mại và đầu tư ở trong nước và quốc tế chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt và kết nối của Thủ đô trong vùng và cả nước.
Nhiều hạn chế về phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch và phát triển đô thị, quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các vấn đề về xã hội và môi trường ngày càng bộc lộ rõ nét. Việc thiếu cơ chế điều phối, phân định chức năng, vai trò của vùng lõi và vùng ngoại vi trong quy hoạch Vùng Thủ đô, khiến cho có sự cạnh tranh thay vì hợp tác giữa các địa phương trong việc thu hút vốn đầu tư cũng như nguồn lực, thậm chí khiến một số địa phương có dấu hiệu chững lại, mất động lực phát triển.
Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa 1.014 năm tuổi như Thủ đô Hà Nội. Vì thế, mỗi người dân Hà Nội và chúng ta luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu. |
Những hạn chế này đã làm cho vai trò của Thủ đô Hà Nội chưa được phát huy tương ứng với tiềm năng để hướng tới mục tiêu phát triển Vùng Thủ đô ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực được đề ra trong Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, việc quy hoạch và phát triển của thành phố Hà Nội không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ đô mà còn có vai trò trụ cột đối với sự phát triển của Vùng Thủ đô với tư cách là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng và của cả nước. Do đó, cần phải xây dựng một cơ quan điều phối quy hoạch và phát triển chung cho Vùng Thủ đô. Cơ quan này phải giải quyết được bài toán cạnh tranh và hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô về nguồn lực phát triển, vị thế phát triển, tác động lan tỏa của sự phát triển trong một chỉnh thể thống nhất và phải được quản lý bởi đội ngũ lãnh đạo có khả năng thực thi quyền lực.
“Thành phố Hà Nội cần tiên phong đề xuất, xây dựng và hình thành cơ quan điều phối này trên cơ sở sự hợp tác của các địa phương trong Vùng Thủ đô”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn đề xuất.
Cũng theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, việc quy hoạch và xây dựng không gian, các hành lang, vành đai phát triển, trục động lực cho phát triển của thành phố Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung cần phải được triển khai dựa trên các nghiên cứu, các phân tích, đánh giá, căn cứ khoa học đầy đủ về thế mạnh của thành phố Hà Nội trong sự tương quan so sánh với thế mạnh của các địa phương khác trong Vùng.
Khi đó, bài toán về tăng trưởng và phát triển của thành phố Hà Nội được giải quyết một cách tối ưu trong mối quan hệ với quy mô và tốc độ tăng trưởng, phát triển của các địa phương khác trong Vùng Thủ đô, sao cho các nguồn lực được di chuyển tới những địa phương, ngành nghề mà ở đó được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông vận tải, hạ tầng điện… để Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, có hiệu quả cao đối với các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch. Đồng thời, Thành phố thúc đẩy phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế số và làm động lực phát triển, hợp tác của các vùng kinh tế quanh khu vực; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư dựa trên thế mạnh của thành phố Hà Nội và sự phân công lao động trong Vùng Thủ đô. Thành phố tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, đặc biệt phát triển các ngành công nghiệp không khói; tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các tuyến đường tạo không gian phát triển mới.