Từ trung tâm thành phố Hà Nội, di chuyển khoảng 3km theo đường Nghi Tàm, chúng tôi có dịp đến thăm “thủ phủ” đào Nhật Tân. Đến làng đào những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự hối hả, tất bật của người dân trồng đào nơi đây. Tiếng cười nói rôm rả hòa cùng không khí lao động hăng say của người dân trong tiết trời se lạnh như thấy mùa xuân đang tới rất gần. Những gốc đào đang nở hoa nhỏ li ti được bàn tay khéo léo của những người nông dân chăm sóc cẩn thận, báo hiệu sẽ cho ra những bông hoa đẹp nhất phục vụ nhu cầu khách chơi hoa dịp Tết.
Các chủ vườn quất Tứ Liên (Tây Hồ) đã sẵn sàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2024.Ảnh: N.Hoa |
Theo các chủ vườn, hiện nay công đoạn tuốt lá, uốn nắn, cắt tỉa hầu như đã được hoàn thiện. Ông Nguyễn Văn Thái, người gắn bó hơn 20 năm với nghề trồng đào cho biết, năm nay vườn đào của gia đình ông có khoảng 2.000 gốc đào huyền và đào cành. Số lượng đào lớn, nên gia đình phải tính toán rất cẩn thận thời gian tuốt lá cho từng loại để đảm bảo hoa ra đúng thời gian, đều và đẹp.
Theo ông Thái, mọi công đoạn chăm sóc đào đều quan trọng, đặc biệt tuốt lá là khâu quan trọng nhất quyết định sự thắng lợi hay thất bại của vụ, khi tuốt phải thực hiện tuốt từng lá để đảm bảo nụ hoa còn nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Thời gian thích hợp để tuốt lá đào sẽ là 30 – 45 ngày trước khi đến ngày 23 tháng Chạp, cần phải xem xét thời tiết của từng năm và cũng tùy thuộc từng loại đào để chọn thời điểm tuốt lá cho thật phù hợp.
Còn ông Nguyễn Văn Quang- một trong những người trồng đào lâu năm ở đây cũng cho hay, gia đình ông chia thời gian tuốt lá đào thành hai đợt, mỗi đợt cách nhau một tuần. Gọi đơn giản là tuốt lá nhưng thực chất đây là công việc đòi hỏi người thợ cần có kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc cây. Người trồng phải cẩn thận ngắt và bấm từng lá một, nếu tuốt lá thẳng từ ngọn xuống sẽ ảnh hưởng đến các mắt hoa, gây khó khăn cho việc giữ được các mầm nụ và chất lượng hoa sau này.
“Muốn đào nở đúng dịp Tết, cần phải chăm sóc trong suốt cả quá trình phát triển của cây. Thời điểm này, các công đoạn chăm sóc đào gần như đã hoàn thiện chủ yếu chỉ còn tưới nước cho cây, nếu bước sang tháng 12 âm lịch thời tiết nắng ấm nhiều thì đào sẽ bị nở sớm. Chăm sóc vườn đào cả năm chỉ trông chờ vào vụ Tết, nếu thời tiết không thuận lợi thì chúng tôi sẽ bị thất thu”, ông Nguyễn Văn Quang, chủ vườn đào tại phường Nhật Tân chia sẻ.
“Thấp thỏm” ngóng thời tiết
Với hơn 2.000 gốc đào, để chăm sóc cho vườn đào vào vụ Tết, ông Đỗ Văn Phúc, người có thâm niên trồng đào khoảng 30 năm phải thuê thêm nhân công để tuốt lá, xe đất, tưới nước… đến gần giữa tháng 12 âm lịch, các chủ buôn sẽ về tận vườn đào để mua hoặc thuê. Về giá đào, theo nhận định của ông Phúc, năm nay giá đào không có biến động nhiều.
“Chúng tôi cũng đang xem nhu cầu của khách hàng, thông thường, đào thế có giá đắt hơn so với đào thường. Cây cao khoảng 1m với thân to giá bán có thể từ vài triệu đồng, những cây đào cao 1,5-2m có giá hàng chục triệu đồng, tùy vào thế cây và thân cây”, ông Đỗ Văn Phúc chia sẻ.
Bên cạnh các vườn đào, thời điểm này, người trồng quất cảnh tại phường Tứ Liên cũng đang tất bật chuẩn bị các công đoạn cuối cho vụ Tết. Trước đây, làng quất cảnh Tứ Liên chủ yếu trồng quất đất nhưng vài năm trở lại đây, do nhu cầu của khách hàng, người dân nơi đây chuyển sang trồng quất đất cùng với quất chum, quất bonsai.
Để có những chum, chậu quất đẹp, người trồng quất làng Tứ Liên đã đầu tư rất nhiều công sức và tâm huyết. Theo chia sẻ của các chủ vườn, hàng năm, ngay sau Tết Nguyên đán, các chủ vườn bắt đầu nhập cây giống về chăm sóc, tiến hành cắt, uốn tạo tán cho vụ quất mới. Thời điểm này, các nhà vườn tất bật chuẩn bị những công đoạn chăm sóc cuối cùng để đưa ra thị trường. Ngoài những cây quất truyền thống, quất cảnh tại Tứ Liên được tạo dáng với mô hình nhà cổ, miếu làng, linh vật… phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Đối với những cây quất bon sai, do trồng trong chậu nên đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn. Các chủ vườn chăm sóc kỹ lưỡng đảm bảo cây được cung cấp đủ dưỡng chất. Đa số chủ vườn đều nhận định, nếu duy trì thời tiết thuận lợi, quất sẽ chín đều, đẹp đúng dịp Tết Nguyên đán.
Đang tập trung gò những cành quất bằng dây thép nhỏ, ông Lê Văn Hồng (chủ vườn quất Lê Hồng) cho biết, nghề trồng quất rất vất vả, tốn nhiều công chăm bón nên người trồng phải tâm huyết mới có được cây quất đẹp. Vườn đang trong công đoạn cuối cùng để hoàn thành cây. Gò cây là thời điểm quan trọng, quyết định cho chất lượng quả, thế cây. Năm nay, thời tiết phù hợp, việc chăm sóc cây cũng thuận lợi hơn, cây sinh trưởng tốt, sai quả và xanh lá.
Tại các nhà vườn đã bắt đầu có khách tới xem, chọn mua quất, chủ vườn bắt đầu chuyển quất cho những đơn khách ở tỉnh xa. Anh Nguyễn Văn Tú (vườn quất Trọng Thư) cho biết: “Thời điểm này nhiều cây quất đã được chủ đặt mua từ sớm, hầu hết khách chọn cây và gửi nhà vườn chăm sóc, sát ngày mới quay lại lấy về chơi Tết, so với năm ngoái, năm nay người dân đặt mua quất muộn hơn. Chất lượng quất năm nay quả to đẹp hơn năm trước, giá không biến động so với các năm, từ vài trăm nghìn đến vài triệu/cây, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng”.
Không chỉ ở Hà Nội, các nhà vườn trồng đào, quất ở các tỉnh, thành phố khác cũng đang hối hả bắt tay vào gò thế, tỉa lá, tạo dáng làm đẹp cho cây để cung ứng ra thị trường. Công việc chăm bón cho cây tươi tốt để quả chín và có hoa vào đúng dịp Tết càng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ hơn. Trò chuyện cùng những chủ vườn đào, quất chúng tôi nhận thấy, kinh nghiệm kỹ thuật trong nghề là quan trọng nhưng yếu tố thời tiết là điều kiện quyết định sự thành công hay thất bại của một mùa vụ. Với sự sáng tạo của các nhà vườn, cây quất, đào Tết ngày càng có thêm nhiều dáng, đáp ứng đòi hỏi cao và đa dạng của khách hàng, mang đến những sắc màu xuân tươi thắm, rạng rỡ cho mọi gia đình. Cả năm chăm sóc vất vả, hi vọng, thời tiết năm nay “chiều lòng người”, đào, quất “được giá”, mang tới một cái Tết may mắn, đủ đầy cho tất cả mọi người.
N. Hoa