Công tác chuẩn bị Lễ hội đền Và nhìn chung được chuẩn bị chu đáo. |
Các ban, ngành, đoàn thể phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây cùng phối hợp tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí đảm bảo thiết thực, ý nghĩa, đáp ứng yêu cầu an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán của địa phương.
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sơn Tây Nguyễn Hải Anh cho biết, Ban Tổ chức đã phân công lực lượng Công an phường, Ban Bảo vệ dân phố đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy trong khu vực Tế, Lễ; bảo vệ khuôn viên khu cây xanh trong khu vực nội tự và khu đồi cây, rừng Lim của Đền; đảm bảo tuyệt đối an toàn đêm văn nghệ, khu vực trò chơi, bãi xe và cả Lễ hội, không để ách tắc giao thông kể cả lúc cao điểm.
Đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đi kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội đền Và. |
Ngoài ra, chủ động trong công tác phòng chống cháy nổ, các phương án phân công bảo vệ, kiểm tra, rà soát hệ thống điện, hương, nến, bình cứu hỏa trong di tích và các hàng quán kinh doanh dịch vụ.
Phương án bố trí bãi trông giữ xe dịch vụ ô tô, xe máy, xe đạp… của du khách hợp lý, đồng thời sắp xếp các hàng quán vào đúng vị trí quy định góp phần vào trật tự trong Lễ hội. Trạm y tế phường đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp kiểm tra các quán ăn và nước giải khát, chuẩn bị đủ cơ số thuốc và trực sẵn sàng cấp cứu khi có tình huống xảy ra. Tổ vệ sinh môi trường cũng thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo cảnh quan di tích xanh, sạch, đẹp.
Đền Và (Đông Cung) thuộc phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, nơi thờ tam vị Đức Thánh Tản Viên Sơn, vị thần đứng đầu trong hàng “Tứ bất tử” của Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1964.
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL ngày 19/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận Lễ hội đền Và là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ban hành Quyết định số 257/QĐ- HMTg ngày 01/7/2016 về việc công nhận cây Di sản Việt Nam.
Theo phong tục cổ truyền hàng năm, Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch. Thời gian tổ chức lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17 tháng Giêng (Âm lịch). Ban Tổ chức kỳ vọng, Lễ hội đền Và sẽ thu hút 18.000 người dân và du khách về dự hội.
Công tác chuẩn bị Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh cơ bản hoàn tất. |
Đối với Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, năm 2024, huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn và Khai trương Du lịch tại khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hạ vào ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 23/02/2024), dự kiến có khoảng 2.000 đại biểu và nhân dân tham dự.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này công tác tuyên truyền đã và đang được triển khai thực hiện, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất như phát hành giấy mời, trang trí khánh tiết, luyện tập chương trình văn nghệ, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Tổ chức lễ hội…
Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác phòng chống cháy nổ trong di tích và lễ hội được đảm bảo. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Ba Vì không có hiện tượng cháy nổ, trộm cắp tài sản, mất tiền công đức tại các lễ hội, di tích.
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu trao đổi thông tin với Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. |
Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn đã được nhân dân ngàn đời lưu giữ. Đặc biệt hơn, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Nhiều năm nay, Huyện Ba Vì đã thực hiện tốt việc duy trì và thực hành tục thờ Đức Thánh.
Theo đó, Lễ hội Tản Viên Sơn diễn ra vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm, cụ thể tổ chức chính lễ vào 14 tháng Giêng. Việc tổ chức tốt lễ hội vừa góp phần bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc vừa góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện trong đó có du lịch văn hóa – tâm linh ngay từ những ngày đầu năm.
Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình Bùi Minh Hoàng đánh giá, nhìn chung, các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoạt động lễ hội được diễn ra trang trọng, thuận lợi, thành công, hiệu quả, an toàn; tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương cũng như du khách thập phương đến với lễ hội.
Ông Bùi Minh Hoàng cũng đề nghị các địa phương cần quan tâm chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng từ kế hoạch tổ chức đến kịch bản triển khai, hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh tại nơi thờ tự và lễ hội. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hoá, thể thao, kinh doanh dịch vụ văn hoá tại lễ hội, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, kiên quyết ngăn chặn các tệ nạn mê tín dị đoan, bói toán, cờ bạc và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội…