Các đại biểu dâng hương tại đình Giang Xá. |
Tại lễ khai hội đình Giang Xá, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước.
Lễ hội Giang Xá được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 1.480 Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nhà nước Vạn Xuân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Đây là sự kiện văn hoá quan trọng, là dịp để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước; đồng thời tiếp tục giáo dục truyền thống đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo sử sách, Lý Bí sinh ra ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Cha mẹ mất sớm, ông được pháp tổ thiền sư đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo (tức chùa Giang Xá, huyện Hoài Đức). Lý Bí lớn lên có tài văn võ song toàn, lại có chí lớn, ông căm ghét chế độ đô hộ nhà Lương, bất mãn với sự tham lam tàn bạo của Tiêu Tư nên đã ngầm chiêu mộ quân sĩ để khởi nghĩa chống giặc nhà Lương…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Sau khi đánh dẹp được quân Lương và Lâm Ấp, tháng Giêng năm Giáp Tý (năm 544) Lý Bí lên ngôi Hoàng đế xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều.
Việc xưng Đế hiệu, đặt Quốc hiệu là sự thể hiện ý chí độc lập, bản lĩnh kiên cường, thể hiện rõ nét ý thức trưởng thành của dân tộc. Ông lên ngôi Hoàng đế – vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, với vị thế sánh ngang các Hoàng đế Trung Hoa.
Lý Nam Đế lên ngôi được 4 năm (544 – 548). Sau nhiều trận giao tranh với kẻ thù không giành được thắng lợi, nên lui về động Khuất Lão dưỡng bệnh và qua đời ở đây. Nhân dân địa phương đã tổ chức an táng, xây lăng mộ và đền thờ Ngài. Khu lăng mộ và đền thờ toạ lạc tại xã Văn Lương (nay thuộc xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
Từ nhiều năm qua, 3 địa phương: Phường Tiên Phong – Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (nơi sinh của Ngài), làng Giang Xá – huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội (quê hương thứ hai và cũng là nơi Ngài phất cờ khởi nghĩa) và xã Văn Lương – huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (nơi an táng Ngài) luôn liên hệ mật thiết với nhau…
Đáng chú ý, trong suốt tiến trình của cuộc khởi nghĩa, Hoài Đức vinh dự và tự hào là quê hương thứ hai gắn liền với tên tuổi và công lao của Lý Nam Đế. Đã thành truyền thống, hằng năm nhân dân làng Giang Xá tổ chức 4 ngày lễ tại di tích Đình – Đền trong đó: Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng là ngày Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, thành lập nhà nước Vạn Xuân; lễ trọng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày Ngài xuất quân ra trận; lễ trọng ngày mùng 2 tháng 5 âm lịch là ngày huý nhật và ngày 12 tháng 9 âm lịch là nhớ ngày sinh của Ngài.
Tướng bà trong trò chơi dân gian cờ người. |
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức luôn tiếp bước truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh với nhiều thành tựu to lớn đạt được như: Kinh tế của huyện trong nhiều năm liền đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Đến nay, huyện đã có 16/19 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đã hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, đề nghị cấp thẩm quyền công nhận.
Song song với đó, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác đầu tư, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trong đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận, đến nay đã đạt 28/31 tiêu chí; cơ sở hạ tầng được khớp nối đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; diện mạo, cảnh quan đô thị, các khu dân cư có nhiều thay đổi rõ nét; an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được được nâng cao. Nhiều năm liền, Đảng bộ huyện được công nhận hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhân dân và du khách nô nức xem trò chơi dân gian cờ người. |
Trong khuôn khổ Lễ hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Nghi thức tế lễ và rước kiệu thánh theo phong tục truyền thống của địa phương; tổ chức Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân.
Ngoài ra, trong dịp diễn ra Lễ hội, tại cụm di tích Đình – Đền Giang Xá còn có các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi dân gian, trưng bày ảnh, tư liệu về di sản, tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Hoài Đức… nhằm phục vụ nhân dân và du khách địa phương đến du Xuân, trẩy hội.