Như Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, Lễ hội Chùa Hương 2024 kéo dài trong 3 tháng (11/2 đến hết ngày 1/5/2024, tức từ ngày mùng 2 Tết đến hết ngày 23/3 năm Giáp Thìn) với chủ đề “An toàn – Văn minh – Thân thiện”. Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho mùa Lễ hội chùa Hương như chủ đề đặt ra đã được chính quyền, nhân dân huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) và các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan tại Hà Nội hoàn tất, sẵn sàng phục vụ du khách thập phương trẩy hội.
Một tín hiệu đáng mừng bởi Lễ hội chùa Hương khai hội vào ngày 15/2/2024 (mùng 6 tháng Giêng) nhưng từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 2 Tết Giáp Thìn, khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn – nơi diễn ra Lễ hội chùa Hương đã có gần 20.000 lượt du khách đến vãn cảnh, du xuân.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn xác nhận, trong các ngày kể trên, đã có gần 2 vạn du khách, đông nhất ngày mùng 2 Tết Giáp Thìn có hơn 1,5 vạn du khách tới chùa Hương. Cùng đó, ông Nguyễn Bá Hiển khẳng định, các hoạt động đón khách đi lễ trong dịp Tết Nguyên đán 2024 diễn ra thuận lợi, không xảy ra hiện tượng chèo kéo du khác, đón khách từ xa như những năm trước khiến nhiều người dân bức xúc.
Theo Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, lực lượng kiểm tra, giám sát với hàng trăm người, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh. “Tại các khu vực bến xe, bến thuyền đều có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và du khách. Hoạt động xe điện phục vụ du khách diễn ra liên tục kết nối từ bến xe đến bến thuyền. Giá các dịch vụ niêm yết công khai, không có hiện tượng nâng giá với du khách”, ông Nguyễn Bá Hiển, nhấn mạnh.
Có thể nói, việc người dân nô nức trẩy hội chùa Hương những ngày Tết Giáp Thìn 2024 gần đây, hứa hẹn miền đất được mệnh danh “Nam thiên đệ nhất động” của Thủ đô Hà Nội sẽ có một mùa Lễ hội thành công và thu hút du khách thập phương. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hoá gắn với phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời quảng bá khẳng định giá trị văn hoá Lễ hội Chùa Hương và giá trị quần thể khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn gắn với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương nói riêng, Hà Nội nói chung.
Theo ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiêm Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2024, Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội là một đại danh lam thắng cảnh của Thủ đô và cả nước.
Để chuẩn bị tốt công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2024 nhằm phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và nhân dân về tham quan lễ Phật, Ban tổ chức đã Quyết định thành lập 5 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé, 1 tổ kiểm tra liên ngành. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng thành viên các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo.
Mai Chi
Gần 20.000 lượt khách trẩy hội chùa Hương trong 3 ngày Tết Giáp Thìn (nguoihanoi.vn)