Học sinh Thủ đô Hà Nội được bồi đắp nét thanh lịch, văn minh ngay trên ghế nhà trường

Một trong những nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, đó là xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ Thăng Long – Hà Nội.

Hứa hẹn “Trường học hạnh phúc”, “Hà Nội học” trong tương lai gần

Trong 9 nhóm nội dung Chỉ thị số 30-CT/TU, việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”, nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường học ở Thủ đô” được Thành ủy đặt ra để xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

giao-duc3.jpg
Học sinh một trường tiểu học tại quận Đống Đa (Hà Nội) khi tới trường đã lễ phép cúi chào thầy cô.

Trên thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” và Dự thảo đang lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, nhân dân để hoàn thiện. Dự thảo Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, dự thảo gồm 3 tiêu chuẩn (tổng 15 tiêu chí): Về con người (5 tiêu chí); về dạy học và hoạt động giáo dục (6 tiêu chí); về môi trường (4 tiêu chí).

Khác với Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, dự thảo Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” của Thủ đô Hà Nội đưa ra những tiêu chí chung, không quá chi tiết vì mỗi đơn vị, địa phương có đặc điểm riêng và giao các đơn vị chủ động sao cho phù hợp. Bổ sung đặc trưng của Hà Nội thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử và bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, chia sẻ, ngành giáo dục Thủ đô xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” nhằm giúp các nhà trường có cơ sở đối chiếu, tự đánh giá và có giải pháp phấn đấu đạt được các tiêu chí để xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Bộ tiêu chí hướng đến xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống…

Hiện tại, bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dành cho cấp học mầm non đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành, áp dụng tại các trường mầm non trên địa bàn Thành phố và đem lại hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ. Đây cũng là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong tương lai.

Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, trong đó có nội dung: “Xây dựng và phát triển đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”.

giao-duc-4.jpg
Các em học sinh tiểu học tại quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) trong một chương trình giáo dục di sản tại Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho Đại học Thủ đô Hà Nội xây dựng và triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án 1209). Năm 2023 vừa qua, nhiều cuộc Hội thảo để hoàn chỉnh “Hà Nội học” đã được Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức, nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân Hà Nội và cả nước. Chủ nhiệm Đề án 1209, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương – Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định, lộ trình để môn Hà Nội học chính thức được công nhận trong nhà trường đang được thành phố Hà Nội triển khai rất hợp lý. Năm 2024, các lớp bồi dưỡng bắt đầu diễn ra và dự kiến kéo dài trong khoảng hơn một năm.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương đánh giá, một chủ trương đúng và được thực hiện một cách nghiêm túc như môn “Hà Nội học” thì sẽ nhận được sự đồng thuận từ học sinh, phụ huynh. “Chắc chắn rằng, kiến thức Hà Nội học đến được với các em học sinh ở lứa tuổi đang đam mê hiểu biết, đang tràn đầy sức sống, sẽ không chỉ có tác động đến nhân cách của các em trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Nó còn tạo ra động lực để các em học các môn học khác tốt hơn. Đó cũng là cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào thế hệ trẻ của Thủ đô”, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, nhấn mạnh.

Nhà trường – cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Thủ đô

Cùng với xây dựng Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” và đưa môn “Hà Nội học” vào trong các trường phổ thông, hơn 10 năm nay, ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai dạy đại trà ở các trường học trên địa bàn thành phố bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh. Bộ tài liệu này đã đưa học sinh Thủ đô đến với những bài học thực tế của cuộc sống, biết nói “cảm ơn – xin lỗi” đúng hoàn cảnh. Qua từng bài học, giáo viên có thể giúp học sinh từng bước hoàn thiện nhân cách và lối sống, góp phần phát huy được nét thanh lịch truyền thống của người Hà Nội, khơi dậy trong học sinh niềm tự hào và biết khắc phục những hành vi chưa chuẩn mực, chưa văn minh ngay từ cấp tiểu học và các cấp học cao hơn, tạo điều kiện cho học sinh có được những nhận thức đúng đắn để phát triển toàn diện mọi mặt, sống có văn hóa.

giao-duc-5.jpg
Các em học sinh thuyết trình ý tưởng với Ban giám khảo tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học thành phố Hà Nội năm học 2023 – 2024.

Nội dung các bài giảng trong bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh của ngành Giáo dục Thủ đô đi vào thực tế, là các câu chuyện, tình huống cụ thể để các em học sinh phân tích, nhận thức đúng, sai, từ đó hướng thực hiện hành vi hợp đạo lý, đạo đức,… cho thấy việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh, đáp ứng nhu cầu thực tế, giúp học sinh học hỏi, kế thừa và tiếp thu truyền thống thanh lịch, văn minh, nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

Điều đó đã góp phần tích cực trong hình thành nhân cách, từ giao tiếp ứng xử, thực hiện nội quy, quy định của các nhà trường đến nếp sống thường ngày từ nếp ăn mặc, nơi ở gọn gàng… Các em học sinh đã có chuyển biến tích cực trong các hành vi ứng xử giao tiếp, biết mời chào, thưa gửi với mọi người lễ phép và tình cảm, trong thực hiện vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn di sản văn hóa,…

Nhiều nhà trường tại Hà Nội các năm qua và hiện tại đặc biệt coi trọng việc giáo dục nếp sống cho học sinh. Tại trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm), cán bộ, giáo viên nhà trường bấy lâu nay duy trì nếp đón học sinh từ cổng trường, truyền cho học sinh năng lượng tích cực nhất khi bắt đầu một ngày mới bằng những nụ cười, lời chào, sự động viên, khích lệ… Nhà trường cũng tổ chức bình chọn một đại sứ thanh lịch, văn minh để vinh danh vào mỗi tuần, mỗi tháng.

Các trường học tại quận Hoàn Kiếm tổ chức tiết học giáo dục nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, giáo viên giao cho học sinh làm bài tập dự án, quay các video ghi lại nét đẹp của người Hà Nội trong cuộc sống hằng ngày, tham gia các cuộc thi: Tìm hiểu về nét đẹp thanh lịch, văn minh qua trò chơi hái hoa dân chủ, thi ứng xử và xử lý tình huống giả định, thi đóng vai nhân vật để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa giao tiếp… Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp các em học sinh – công dân Thủ đô trong tương lai có văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp văn minh vốn đã được gìn giữ, phát triển qua hơn một nghìn năm lịch sử.

Với những gì đã, đang có kể trên và “Trường học hạnh phúc”, “Hà Nội học” của tương lai gần, chắc chắn rằng, dù cuộc sống thế nào thì những giá trị chân – thiện – mỹ, vẻ đẹp của người Hà Nội vẫn song hành tồn tại trong những ý thức gìn giữ, bảo tồn nét thanh lịch ngàn đời. Thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay khi bước đến cổng trường đã được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh và nhà trường thực sự là cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… đúng như Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội đã nêu./.

Quỳnh Chi

Học sinh Thủ đô Hà Nội được bồi đắp nét thanh lịch, văn minh ngay trên ghế nhà trường (nguoihanoi.vn)