Hà Nội – thành phố của “mùa xuân và sáng tạo”

Năm mới đã đến bên thềm mang theo sức xuân và khát khao thành công, thịnh vượng. Đó cũng chính là nguồn năng lượng đem lại hành trình đầy sắc màu của Hà Nội trong năm Giáp Thìn 2024, chắp đôi cánh tự tin cho Thủ đô vươn cao. Năm mới với quyết tâm mới, nỗ lực mới và các hoạt động sáng tạo đã hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

tbt1.jpeg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân Thủ đô.

Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược

Thực hiện chủ trương của Ðảng về phát triển công nghiệp văn hóa, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ; cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025, Thành phố Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch từ Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu chung đã được Thành phố Hà Nội xác định là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, mỹ thuật; điện ảnh, thời trang, ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh, xuất bản phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể. Điểm mới được Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh trong Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội lần này không chỉ xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 mà còn định hướng phát triển đến năm 2045 (là năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đây được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng hưởng thụ văn hóa giữa các vùng (đô thị, ngoại thành, khu vực xa trung tâm,…) của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố.

Thế mạnh sẵn có

chua-huong-4.jpg
Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển.

Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là “vốn” di sản văn hóa giàu có, mà còn có nguồn lực con người to lớn, với trên 51,7% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; số nhà khoa học đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao, hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 6.000 USD/người/năm, tầng lớp trung lưu tăng nhanh,… Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển. Đây là những tiềm năng lớn, tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Bên cạnh đó, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành công nghiệp văn hóa.

Đặc biệt, năm 2019, sau 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế, là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người thành nguồn “sức mạnh mềm” đảm bảo cho việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

phao-hoa.jpg
Màn trình diễn pháo hoa đón năm mới Giáp Thìn 2024 tại Thủ Đô.

Với những thay đổi tích cực về chính sách, trên cơ sở khai thác phát huy những lợi thế so sánh, khơi thông nguồn lực văn hóa với bề dày lịch sử, trên nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Qua đó, các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã từng bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Sau hơn một năm ban hành Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội hiện nay đang hình thành và phát triển sự đa dạng của các sản phẩm thủ công và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong Thành phố. Cùng với việc kết nối với mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô đã tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách Thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua các ngành công nghiệp văn hóa.

Đặc biệt, sự kiện Hà Nội chính thức là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội cho thấy một diện mạo trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một thành phố năng động nhất trên thế giới.

Đảng bộ Thành phố Hà Nội xác định: “Phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.

Thành phố của sự sáng tạo

th10.jpg
Với chủ đề “Một ngày kinh đô – Ngàn năm lịch sử”, lễ hội ánh sáng tái hiện những câu chuyện, hình ảnh đẹp về hình tượng Rồng trong văn hóa người Việt và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.

Diễn ra vào đúng thời khắc giao thừa của Xuân Giáp Thìn 2024, “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội – Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn drone có số lượng nhiều kỷ lục tại khu vực Đông Nam Á là tác phẩm ánh sáng nghệ thuật độc bản gói trọn những tinh hoa của vùng đất Thăng Long, một chương trình đầy mới mẻ và hấp dẫn dành cho du khách và nhân dân thủ đô.

Thành phố Hà Nội là nơi đầu tiên thực hiện trình diễn drone trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Với 2.024 drone, sử dụng công nghệ hiện đại, có thể nói rằng đây là màn trình diễn thú vị và đầy màu sắc tái hiện sinh động thông qua hình ảnh đặc trưng gắn với Hà Nội – thủ đô của cả nước.

Từ tên gọi Thăng Long – biểu tượng cho sức mạnh, khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, màn trình diễn đã đem đến câu chuyện rồng thiêng hội tụ nơi kinh kỳ đầy rực rỡ và hào hùng, toả sáng trên bầu trời Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trong thời khắc vượng khí giao thoa đất trời, đây là dấu ấn văn hóa nghệ thuật đặc sắc chào đón năm mới Giáp Thìn của tất cả người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung với niềm tin, hy vọng về sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Đây có thể nói là sự kết hợp độc đáo của công nghệ và những giá trị truyền thống dân tộc, tôn vinh nét đẹp văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Lựa chọn tổ chức lễ hội bằng công nghệ hiện đại nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi trong chiều dài ngàn năm lịch sử là sự khẳng định cho khả năng sáng tạo không giới hạn của người Việt Nam nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung với tâm thế sẵn sàng khai mở tiềm năng và hướng tới một tương lai bừng sáng.

Thành phố lần đầu tiên đưa công nghệ mới vào trình diễn nghệ thuật, tái hiện câu chuyện từ thuở kinh đô Thăng Long xưa đến Thủ đô Hà Nội ngày nay với lịch sử ngàn năm văn hiến là niềm tự hào không chỉ của người dân Hà Nội mà còn của nhân dân cả nước. Qua đó, quảng bá hình ảnh, thu hút và phát triển du lịch Thủ đô, góp phần thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Sự kiện đã góp phần khẳng định vị thế điểm đến quốc tế của Thủ đô Hà Nội cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam tới đông đảo du khách và bạn bè quốc tế./.

Thu Trang

Hà Nội – thành phố của “mùa xuân và sáng tạo” (nguoihanoi.vn)