Người “nâng tầm” quất cảnh Tứ Liên

Phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, nổi tiếng với nghề trồng quất cảnh. Quất Tứ Liên chứa đựng câu chuyện văn hóa của người dân Tứ Liên, mỗi cây quất đều mang vẻ đẹp, giá trị riêng. Để giữ vững truyền thống và phát triển làng nghề, các nghệ nhân ở Tứ Liên đã nắm bắt xu hướng của người chơi tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, độc đáo nhất đưa tới người dùng.

Tạo sức bật cho làng nghề truyền thống

Làng nghề quất cảnh Tứ Liên có diện tích hơn 100ha, trong đó có gần 30ha trồng quất cảnh chạy dọc sông Hồng, đó là lợi thế cho cây quất phát triển xanh tươi. Quất Tứ Liên trước kia người dân chủ yếu trồng dáng thông, dáng tán.

Để hợp với nhu cầu đa dạng của khách, những năm gần đây, ngoài việc trồng quất trực tiếp trên đất, người dân còn cải tiến và sáng tạo nên những cây quất thế được trồng trong chậu, quất bonsai… tạo nên các tiểu cảnh đa dạng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Người “nâng tầm” quất cảnh Tứ Liên
Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh dành trọn tâm huyết, cho ra tác phẩm quất cảnh có giá trị. (Ảnh: N.Hoa)

Người làm nghề đã áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng quất như: Làm khung mái che khi thời tiết nắng to, nhiệt độ cao, để cây ra hoa không bị rụng; khi sương muối người trồng căng bạt để cây khỏi bị cháy lá, rụng hoa, quả.

Một trong những người đầu tiên mạnh dạn đưa quất bonsai về trồng tại Tứ Liên phải kể đến nghệ nhân Bùi Thế Mạnh. Khác với các cây quất truyền thống, quất bonsai không trồng trực tiếp dưới đất mà được trồng trong các bình gốm, sứ nhỏ gọn. Trung bình mỗi bình quất chỉ cao khoảng 20 – 50cm, có đủ hoa, quả, lá lộc với dáng được tỉa đẹp và lạ mắt. Quất bonsai phù hợp với nhu cầu người dân vì có đặc điểm nhỏ gọn, dễ vận chuyển. Loại quất này còn thích hợp với những nhà có không gian hẹp, các khu tập thể, chung cư ở Hà Nội.

Chia sẻ về việc mạnh dạn đầu tư cái mới, ông Mạnh cho biết: “Ở khoảng thời gian năm 2010, nhận thấy thị trường quất trầm xuống, nhà nhà trồng quất, người người trồng quất, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế thấp tôi mới bắt đầu suy nghĩ đến việc tìm ra cách trồng quất bonsai. Ban đầu, tôi chỉ làm thử vài chục cây rồi tăng dần lên tới vài trăm cây”, ông Mạnh chia sẻ.

Những năm đầu tiên bắt tay vào trồng, do kinh nghiệm chưa nhiều, vườn quất bonsai của gia đình ông Mạnh chết hơn một nửa. Khi đó, ông mất ăn, mất ngủ, lụi cụi ngoài vườn từ sáng sớm đến tối muộn để tìm hiểu những đặc tính riêng khi trồng quất bonsai.

“Quất thân mềm nhưng quả sai và nặng, trồng trong chậu dễ bị gãy cành. Người trồng phải khéo léo thả dáng sao cho cây đẹp tự nhiên, không bị gò ép. Chỉ dùng thanh thép nhỏ để uốn cây nhẹ nhàng mới không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây”, ông Mạnh chia sẻ.

Nhờ kiên trì mà tỷ lệ thành công của vườn quất bonsai Thế Mạnh cứ thế tăng dần, lợi nhuận thu được hàng năm cũng tăng thêm đáng kể. Có thể kể đến, những thế quất đẹp của nghệ nhân Bùi Thế Mạnh như: Ngũ phúc, Tam đa, Tứ quý, Kim long, Cá Chép hóa Rồng, Lưỡng Long chầu nguyệt… cùng nhiều lọ quất treo tường độc đáo, đã tạo được sức hút lớn đối với những khách hàng sành chơi quất cảnh, với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, để phù hợp với phong thuỷ và cách chơi cảnh, mỗi năm ông Mạnh đều cố gắng sáng tạo ra một vài điểm mới để phục vụ người chơi. Năm Giáp Thìn 2024, nghệ nhân Mạnh đã đưa ra thị trường tác phẩm Quần Long hội tụ.

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Không chỉ thế hệ cha ông, ở Tứ Liên, những người trẻ cũng dành trọn tâm huyết để nối nghề. Anh Lê Xuân Lĩnh, nhà vườn Xuân Lĩnh chia sẻ: “Kế thừa nghề truyền thống của cha ông, thế hệ trẻ chúng tôi tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tạo ra những dáng quất phù hợp với xu thế thời đại. Có những tác phẩm được chúng tôi đặt trọn tình yêu, thời gian, công sức để chăm sóc, trong số các tác phẩm quất năm 2024, tôi ấn tượng với tác phẩm quất dáng Bạch Hổ vươn lên, đây là tác phẩm tôi dành trọn 4 năm để chăm sóc, vun trồng”.

Người “nâng tầm” quất cảnh Tứ Liên
Các nghệ nhân ở Tứ Liên đã nắm bắt xu hướng của người chơi tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, độc đáo nhất đưa tới người dùng. (Ảnh: N.Hoa)

Từ sự đổi mới của làng nghề, những năm qua, làng quất Tứ Liên thu hút rất đông khách du lịch, chủ yếu là đoàn khách quốc tế tới tham quan. Mỗi du khách khi đến đây đều rất ngạc nhiên khi làng nghề đã có rất nhiều sản phẩm quất cảnh độc đáo.

“Mỗi năm làng nghề thu hút hàng nghìn du khách tới trải nghiệm, tham quan. Để thu hút khách, chúng tôi hướng tới mở tour du lịch thăm làng nghề quất cảnh. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch liên kết với công ty du lịch mở tour du lịch đạp xe vòng quanh làng nghề. Chúng tôi đưa ra những tiêu chí vệ sinh môi trường để tạo ấn tượng đẹp trong mỗi du khách”, nghệ nhân Bùi Thế Mạnh bày tỏ.

Chia sẻ về định hướng phát triển làng nghề truyền thống trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Trên địa bàn quận Tây Hồ có nhiều làng nghề truyền thống, từ đó Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận luôn xác định bảo tồn, gìn giữ làng nghề ngày càng phát triển, giúp cho nhân dân có thu nhập từ các sản phẩm làng nghề.

Hàng năm, quận đều có nguồn kinh phí dành cho phát triển hạ tầng, có những chính sách hỗ trợ giúp nhân dân duy trì và phát triển nghề trồng quất, nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường. Quận xác định các sản phẩm làng nghề truyền thống đều cần được bảo tồn, hướng tới lấy những câu chuyện của sản phẩm làng nghề để làm nên sản phẩm mang tính công nghiệp văn hóa”.

“Quất Tứ Liên không chỉ là cây quất, mà trong đó còn chứa đựng câu chuyện văn hóa của người dân Tứ Liên, mỗi cây quất đều mang vẻ đẹp, giá trị riêng. Quận Tây Hồ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu cây quất, lựa chọn, tôn vinh những nghệ nhân, giúp cho người dân thấy giá trị của làng nghề để tiếp tục gìn giữ, đưa nghề trồng quất ngày càng phát triển”.

(Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ)

Hoa Nguyễn

Người “nâng tầm” quất cảnh Tứ Liên (laodongthudo.vn)