Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị. |
Đại diện cơ quan soạn thảo Nghị quyết báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Hiện nay, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa các cấp phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách các cấp, chưa có sự thống nhất đồng bộ trên địa bàn Thành phố.
Căn cứ quy định tại Điều 127 Thông tư số 55/2023/TT-BTC: “Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm cùng với nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chương trình”.
Do vậy, việc đề nghị ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố “Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025” cụ thể hóa quy định của Trung ương theo Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính là cần thiết và là quy định bắt buộc các cấp ngân sách phải đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.
Cụ thể: Nghị quyết quy định, chi hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã 200 triệu đồng/thiết chế; Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn 75 triệu đồng/thiết chế; chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã: 75 triệu đồng/tủ sách; Tủ sách thôn: 50 triệu đồng/tủ sách; chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã: 50 triệu đồng/1 năm; Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn: 30 triệu đồng/1 năm. Tổng kinh phí dự kiến năm 2024: 382.910 triệu đồng.
Ngoài ra, chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã, thôn, hàng năm là 73.260 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã: 66 thiết chế x 50 triệu đồng/năm = 3.300 triệu đồng. Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn: 2.332 thiết chế x 30 triệu đồng/năm = 69.960 triệu đồng.
Dự kiến tổng kinh phí dự kiến năm 2024: 382.910 triệu đồng. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị theo phân cấp quản lý hiện hành và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội khẳng định việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, bởi Hà Nội là Thủ đô rộng, nhưng 95% diện tích là vùng nông thôn với 55% dân số.
Theo bà An, rất cần thiết phải xây dựng nền văn hóa Thủ đô mang bản sắc riêng; và muốn có bản sắc riêng thì ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, không thể thiếu hạ tầng để phát triển văn hóa tức các thiết chế văn hóa. Những thiết chế văn hóa này đang hàng ngày, hàng giờ đồng hành với nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội, của Thủ đô. Vì vậy, việc hỗ trợ theo dự thảo Nghị quyết cần thiết, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô và đồng bằng sông Hồng để đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Tuy nhiên theo bà An, nên có đánh giá về thực trạng sử dụng các thiết chế văn hóa tại các thôn xã, nơi nào có hiệu quả, nơi nào thiếu hạng mục gì, cần hỗ trợ bao nhiêu để đảm bảo đúng mục tiêu là “hỗ trợ mức chi để nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa”.
Đại biểu tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết. |
Phản biện vào dự thảo, ông Trương Minh Tiến – thành viên Hội đồng tư vấn phản biện công tác Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố khẳng định: Thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở (thôn, làng) của Thủ đô đã được quan tâm, đầu tư, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Nhất trí với mức chi hỗ trợ trong dự thảo Nghị quyết, ông Tiến đề nghị: Sau đầu tư, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ công trình. Bên cạnh đó, ngoài ngân sách Thành phố hỗ trợ, cần khuyến khích tăng cường vận động nguồn xã hội hóa và đóng góp của nhân dân trong xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao.
Phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: Thông qua chính sách hỗ trợ cho cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa ở cơ sở, Thành phố rất mong xây dựng con người Hà Nội văn hóa, văn minh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, trong xu thế nông thôn Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, cơ quan tham mưu soạn thảo Nghị quyết của Thành phố cần nghiên cứu đến điều khoản chuyển tiếp đối với những đơn vị thay đổi mô hình đô thị. Đặc biệt, về 19 tiêu chí Nông thôn mới đều liên quan đến văn hóa và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân với mong muốn được đầu tư nhiều hơn, khai thác nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn…
Vì vậy, bên cạnh các chính sách về phát triển văn hóa của thành phố Hà Nội thì Nghị quyết này thể hiện rõ sự quan tâm của Thành phố về lĩnh vực văn hóa.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố khẳng định, Mặt trận các cấp sẽ tăng cường giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết để nhân dân thực sự được thụ hưởng tốt nhất.