Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị. |
Về việc chỉnh trang công viên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đối với các công viên, vườn hoa hiện hữu, trước khi phê duyệt dự án, thiết kế nên báo cáo lãnh đạo Thành phố phụ trách khối để cùng nghe, tham gia ý kiến. Bên cạnh đó, làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương của Thành phố.
Các quận, huyện, thị xã nên rà soát các địa điểm, tận dụng các bãi đất trống để làm vườn hoa, công viên, công trình công cộng phục vụ người dân và thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị theo tinh thần tạo nhiều không gian công cộng, công trình phục vụ dân sinh để phục vụ nhân dân.
Đối với vấn đề đầu tư công trung hạn, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đề nghị xác định rõ trách nhiệm của từng nhóm công việc để triển khai dứt điểm. Còn việc sắp xếp các đơn vị hành chính, cần đặc biệt chú ý đến việc đặt tên các đơn vị hành chính mới cũng như có kế hoạch sử dụng tài sản sau sáp nhập.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng nhấn mạnh, lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai các hoạt động kỷ niệm thiết thực, ý nghĩa.
Liên quan đến công tác bàn giao, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thông tin, đến nay, cơ bản 41/45 công viên đã được giao cho các quận, huyện quản lý. Đối với các tượng đài, quan điểm chung của Thành phố là sẽ giao nốt cho các quận, huyện để quản lý tốt hơn. Về nguồn lực để triển khai, nếu các quận, huyện có khả năng cân đối thì chủ động thực hiện, nếu không cân đối được thì Thành phố sẽ bố trí nguồn vốn theo quy định.
Việc thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024-2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội ghi nhận, bức tranh giải ngân của Thành phố, những năm qua, có nhiều tiến bộ. Nếu như năm 2022 đạt trên 87% thì đến năm 2023 đạt trên 94% và 3 tháng đầu năm 2024 đạt 8,7%…
Thành ủy Hà Nội cũng rất quyết liệt trong việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thông qua việc giao các đồng chí Thường vụ Thành ủy phụ trách quận, huyện phải chịu trách nhiệm; lấy kết quả giải ngân để đánh giá xếp loại Đảng bộ cấp trên cơ sở và đánh giá cán bộ đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, tỷ lệ giải ngân toàn Thành phố còn thấp, nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm bố trí vốn đối ứng để hoàn thành các chương trình mục tiêu; nhiều dự án vướng mắc trong triển khai thực hiện…
Quang cảnh Hội nghị. |
Do đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung ưu tiên vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành đúng kế hoạch; nỗ lực hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Đối với các quận, huyện, thị xã, trên cơ sở phân cấp, đề nghị rà soát lại nguồn lực, khả năng thực hiện, đặc biệt là nguồn thu tiền sử dụng đất trên địa bàn. Trường hợp không đảm bảo nguồn thu phải báo cáo Thành phố, tuyệt đối không để nợ đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng thời đề nghị Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực nói chung và định hướng kế hoạch đầu tư của giai đoạn 2026-2030; Sắp xếp cân đối nguồn vốn, nghiên cứu lựa chọn danh mục dự án làm công tác chuẩn bị đầu tư của giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, đề xuất Dự án sử dụng ngân sách Trung ương để sớm có dự kiến đề xuất, bố trí.
Về việc sắp xếp đơn vị hành chính, Thành phố đã triển khai sắp xếp đơn vị hành chính nghiêm túc, thận trọng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Bí thư, Chủ tịch các quận, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp địa giới hành chính cấp xã đảm bảo đúng quy trình, đúng pháp luật, ổn định, không làm mất an ninh trật tự trên từng địa bàn, nhất là an ninh nông thôn. Đối với công tác sắp xếp cán bộ, phải thực hiện công tác cán bộ đồng bộ, hợp tình hợp lý, tạo sự ổn định ở cơ sở.