Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau) góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, diễn ra ngày 26/3.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị bổ sung 1 điều về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân. “Với đặc điểm, đặc thù của Hà Nội, cần trao cho Thành phố quyền tự tổ chức các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh khung “cứng” của Chính phủ, cho phép Hà Nội được tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện của mình.
Như vậy, sẽ có quy định cứng về các cơ quan bắt buộc phải tổ chức theo quy định của Chính phủ như Công an, Quân đội, Nội vụ, Tư pháp… còn các cơ quan liên quan đến tổ chức kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường nên giao cho Thành phố toàn quyền quyết định theo tiêu chí của Thành phố. Chính phủ giám sát, kiểm soát quản lý thể chế, tổ chức đó”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn tỉnh Cà Mau). Ảnh: Phạm Thắng/VPQH |
Cũng theo đại biểu, quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng (chương II, điều 16) còn mang tính quy phạm chính trị nhiều, cần định chế thành quy định mạch lạc hơn. Khái niệm trọng dụng người có tài năng nên sửa lại là trọng dụng nhân tài, cao hơn có thể sửa là trọng dụng hiền tài.
Đại biểu cũng cho rằng, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài có 3 trụ cột. Trong đó, thu hút bằng cách thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử. Trọng dụng là bố trí đúng sở trường, năng lực nào thì bố trí công việc đấy, chứ không phải thu hút về xong để đấy, một người tài bố trí làm nhân viên hành chính thì lãng phí. Đồng thời, người tài phải có cơ hội thăng tiến, nếu “người tài ngồi dưới trướng kém tài, chưa nói là vô hạnh nữa… thì thôi, không có ý nghĩa”.
Đồng thời, phát minh sáng kiến của họ được tôn trọng và thực thi, cũng như cần có ưu đãi về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở. Bên cạnh đó, những ai tuyển dụng, tham gia vào thi tuyển, tiến cử người tài thì được khen thưởng, còn ai lạm dụng quy định để đưa người của mình, “4 C” (con cháu các cụ) vào thì kỷ luật cho nghiêm.
Đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), cho rằng dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình được chuẩn bị công phu với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết.
Về liên kết phát triển vùng, dự thảo Luật quy định mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng, gồm: (1) vùng Thủ đô, (2) vùng đồng bằng sông Hồng, (3) vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và (4) vùng động lực phía Bắc. Đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với Luật hiện hành và mở rộng hơn so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ 6.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội |
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, dự thảo Luật lại chưa xác định Vùng Thủ đô gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao? Do đó, cần xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô trong Dự thảo Luật làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định 4 lĩnh vực liên kết, phát triển vùng, gồm: Hạ tầng giao thông vận tải; bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; phát triển nông nghiệp; phát triển du lịch. Theo đại biểu, cần tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung thêm các lĩnh vực khác để thể chế hóa đầy đủ lĩnh vực liên kết vùng như đã xác định trong Nghị quyết số 30-NQ/TW.
Đại biểu đoàn Lạng Sơn cũng cho rằng, ngoài cơ chế đặc thù về cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa (Khoản 1 Điều 39) và quy định về phát triển khu thương mại và văn hóa, thì các quy định của Dự thảo Luật cơ bản kế thừa quy định Điều 11 của Luật hiện hành, thiên về phát triển “phần cứng” chưa có nhiều quy định thúc đẩy “phần mềm” của văn hóa; chưa có quy định cụ thể để đạt mục tiêu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam như được xác đinh tại Điều 21. Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô, đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Cần chế tài đủ mạnh
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam) cho rằng, quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Điều 25 dự thảo Luật còn những điểm bất cập. Theo số liệu tham khảo, hiện thế giới có 73 nước có quy định thử nghiệm có kiểm soát, tập trung công nghiệp, công nghệ số vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Đại biểu băn khoăn chúng ta đã có nghiên cứu tổng hợp đúc rút kinh nghiệm gì khi vận dụng xây dựng quy định này trong Luật Thủ đô chưa, các quy định như vậy giới hạn áp dụng cho một địa phương hay trong một lĩnh vực cụ thể?
Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường |
Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định về định nghĩa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng… thủ tục có tính chất bao quát như luật chuyên ngành. Trong khi đó, hiện nay, Chính phủ cũng mới dự thảo mức Nghị định áp dụng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng và chỉ quy định khái niệm về cơ chế, phạm vi, đối tượng… trong lĩnh vực này và đang lấy ý kiến, chưa có định nghĩa về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Vì vậy, dễ có xung đột khi xây dựng Nghị định thực hiện trong lĩnh vực cụ thể lại vướng khái niệm chung quy định trong Luật Thủ đô. Theo đại biểu, cần sửa quy định Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam, theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù. Không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở.
Đại biểu đoàn Hà Nam cũng góp ý quy định về bảo vệ môi trường tại Điều 28 dự thảo Luật. Theo đại biểu, một vấn nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh, xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những vi phạm từ đạo luật khác tác động đến môi trường như quy hoạch, giao thông, phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hay vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường thấp…
“Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường mọi nơi, mọi lúc, kéo dài và thiếu ý thức, xem nhẹ vấn đề môi trường. Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì khó thực hiện được những việc khó như dịch chuyển cơ sơ sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm Thành phố”, đại biểu nói.