Đền Hai Bà Trưng: Di tích mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh

Đền Hai Bà Trưng (còn gọi là đền Hạ Lôi) là Di tích Quốc gia đặc biệt thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội. Đền thờ hai vị liệt nữ – anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị – những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 – 43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc. Ngày nay, đền Hai Bà Trưng còn là địa điểm tham quan du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách trên mọi miền đất nước.

Lịch sử đền Hai Bà Trưng với chiến thắng hào hùng trên mảnh đất Mê Linh

Đền Hai Bà Trưng nằm cách Thủ đô Hà Nội chừng 25 km về phía Tây Bắc. Nơi đây là di tích lịch sử lâu đời và lớn nhất, thờ hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Các bà là người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giúp giành lại nền độc lập tự chủ cho đất nước từ sau Công nguyên.

Thần tích kể lại, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi (ngày nay), xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Trần Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện). Hai Bà là chị em sinh đôi, chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Từ nhỏ, Hai Bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dạy học nên khi lớn lên đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí khởi nghĩa quật cường. Năm 19 tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí quyết tâm chống giặc Hán đô hộ.

Theo truyền thuyết, Trưng Trắc và Trưng Nhị được xem là những thủ lĩnh khởi binh nhằm chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán. Từ đó, lập ra một quốc gia mới với kinh đô đóng tại Mê Linh. Trưng Trắc tự phong là Nữ Vương, còn gọi là Trưng Vương. Thời kì của Hai Bà Trưng xen giữa thời kỳ Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2.

Để tỏ lòng biết ơn đối với hai vị tướng, người dân nơi đây đã lập đền thờ Hai Bà tại Mê Linh. Ngôi đền được xây dựng trên một khu đất cao thoáng và rộng nằm ở giữa cánh đồng nhìn ra đê sông Hồng với tổng diện tích xây dựng là 129.824m2. Ngày nay, đền thờ Hai Bà Trưng được lưu giữ và tôn tạo trang hoàng với nhiều hạng mục gồm: cổng đền, nhà khách, nghi môn nội, nghi môn ngoại, gác chuông, gác trống, nhà tả – hữu mạc, tam tòa chính điện thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ, thân mẫu, sư mẫu và sư phụ của Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ thân mẫu của ông Thi Sách, đền thờ ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng, hồ Bán Nguyệt, hồ Mắt Voi, suối Vòi Voi, hồ Tắm Voi. Nhà bia lưu niệm còn lưu lại hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh.

Ngoài ra, đền thờ Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ rất nhiều các hiện vật quý có giá trị lịch sử, trong đó đặc biệt là 23 đạo sắc phong cùng các di vật có niên đại từ triều Nguyễn như đại từ, câu đối, phương án, hoành phi, kiệu,… Tất cả đều được chạm khắc tinh xảo và công phu với các đề tài trang trí như hổ phù, hoa lá, rồng mây… Nơi đây là một di tích trọng điểm mang đậm giá trị về văn hóa, lịch sử và tâm linh.

Đặc sắc lễ hội tưởng nhớ Hai Bà Trưng

Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở lễ hội và các trò diễn dân gian. Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức hằng năm, từ ngày 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch). Trong đó, chính hội là ngày mồng 6, tương truyền, đây là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Cứ 5 năm một lần, nhân dân trong làng lại tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi.

anh-1tjnftyy.jpg
Khuôn viên đền Hai Bà Trưng nhìn từ trên cao.

Sáng mồng 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ “Tế trình”, đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ Đền về Đình làng (đình Hạ Lôi). Sau đó ở làng Hạ Lôi sẽ tổ chức lễ tế ở đình làng cùng với Thành hoàng làng là 4 vị tướng là Đô, Hồ, Bạch, Hạc đã phù Thánh Tản Viên dựng lại nghiệp đế họ Hùng. Nét độc đáo nhất trong lễ rước kiệu Hai Bà ở Hạ Lôi chính là nghi thức giao kiệu: Khi bắt đầu lễ rước kiệu, kiệu Trưng Trắc sẽ đi trước đến đường kéo quân để về đình làng thì sẽ né sang một bên để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình sẽ đảo lại để kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên sẽ có người dân chào đón hai Nữ Vương tượng trưng vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng.

1anh-2fgbth.jpg
Nghi lễ rước ngựa, voi ở Lễ hội đền Hai Bà Trưng.

Cuộc tế lễ trang trọng diễn ra tại đình làng Hạ Lôi vào sáng ngày mồng 6 tháng Giêng. Vào ngày chính hội, dân làng đưa tiễn Hai Bà về kinh đô lên đền. Thứ tự rước kiệu sẽ ngược lại so ngày rước hai bà về đình làng. Sau đó, từ mồng 7 đến mồng 10 tháng Giêng là lễ viếng lục bộ nữ tướng, cầu phúc, yến hạ – khao quân, tạ lễ. Không chỉ nhân dân Mê Linh mà còn rất nhiều khách thập phương về dự lễ hội và hái lộc cầu may. Các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, đấu vật hay cờ tướng cũng được tổ chức náo nhiệt trong tiếng trống rộn rã.

Di tích đền Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc,…. Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự kết nối cộng đồng… Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ -TTg, ngày 09 tháng 12 năm 2013). Hiện nay, đền Hai Bà Trưng trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh của Thủ đô thu hút đông đảo du khách tới tham quan./.

Như Anh

Đền Hai Bà Trưng: Di tích mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh (nguoihanoi.vn)