Tục nâng phan trong lễ hội chùa Nành

Ninh Hiệp xưa có tên Nôm là làng Nành, thuộc tổng Nành cũ nằm về phía Bắc huyện Gia Lâm, cách Hà Nội khoảng 15km. Là một làng cổ ven sông Đuống, Ninh Hiệp ngày nay còn khá đầy đủ các sắc thái văn hóa dân gian truyền thống với một bề dày hệ thống các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Trong đó, các lễ hội của làng, đặc biệt là lễ hội chùa Nành, hàng năm vẫn thu hút lượng lớn khách hành hương về dự.

hrthtryhjr6tj6.png

Cây phan được dựng lên trong lễ hội.

Hội chùa Nành xưa nay luôn được xem là một trong những lễ hội đặc sắc ở Hà Nội với rất nhiều nghi thức và hoạt động dân gian cổ truyền, được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch hằng năm. Song, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, sau Cách mạng tháng Tám 1945, lễ hội bị mai một và các ghi chép về lễ hội cũng không được thống nhất. Phải sau khi đổi mới (năm 1986) lễ hội mới được phục dựng đồng loạt cùng với các lễ hội khác ở Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt là từ sau khi chùa Nành được cấp bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia thì lễ hội chùa Nành được triển khai đều đặn hằng năm với lễ rước vô cùng trang trọng và độc đáo, làm nên “thương hiệu” cho lễ hội.

lhchuananh23.jpg
Múa sênh tiền tại lễ hội

Trong các hoạt động hội thuở trước thì làng Nành nổi tiếng cả một vùng bởi có tục nâng phan độc đáo và đặc sắc không chỉ thu hút người làng tham gia mà còn hấp dẫn với nhiều nhà nghiên cứu về lễ hội. Tục nâng phan gắn liền với sự tích liên quan đến lá cờ phan có hình con quạ tha bộ lòng người. Tục này được thực hành vào trước ngày khai hội gắn với truyền thuyết về lá phan chỉ riêng có ở làng Nành mà hầu như người làng ai cũng biết.

Tương truyền, ngày xưa ở làng Nành có người đàn ông (cũng có người kể là người đàn bà) lái đò ở bờ sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay), người này chỉ có 2 cái khố, 1 cái khố lành và 1 khố rách đang mặc. Một ngày dân làng kêu gọi quyên tiền ủng hộ xây dựng chùa Pháp Vân (chùa Nành), người này có tâm nên mới quyên chiếc khố mới. Nhưng dân làng lại cho là báng bổ, người này chỉ biết giãi bày và chứng minh bằng cách mổ bụng, moi ruột ra cho mọi người thấu được tấm lòng. Sau đó mọi người hiểu chuyện, làm lễ giải oan cho người lái đò, hằng năm mở hội có lễ treo lá phan (hình tượng trưng của cỗ lòng) để nhắc nhở tấm lòng thanh tịnh chân thành khi hướng về Tam Bảo, ngay cả cái khố che thân cũng có thể biến thành món lễ cúng dường ở nơi tâm.

Các ghi chép trước đây còn lưu tục nâng phan truyền thống được duy trì đến hội Đại cuối cùng năm Ất Mùi (1895). Theo các cụ trong làng thì xưa kia chỉ chính gốc trai làng trên 18 tuổi mới được tham gia nâng phan. Cây phan là do “Bách trúc hợp thành phân vi cứu cấp”, nghĩa là một trăm cây tre bó lại thành chín tầng, dưới to trên bé, trên đỉnh của cây phan là lá phướn có hình con quạ tha cỗ lòng.
Người nâng phan ngoài quy định là trai đinh trên 18 tuổi thì còn phải là người chưa vợ, có quá khứ trong sạch, do dân cử ra, xếp thành các đội, có cai đội chỉ huy tập luyện từ ngày 15 tháng Giêng, ban ngày tập luyện cứ đến bữa thì về nhà chủ hội ăn cơm, đến buổi tối thì ngủ luôn tại chùa. Về trang phục các trai đinh nâng phan trong ngày hội mặc quần màu vàng, đầu đội khăn xanh buộc đầu rìu, thắt lưng màu đỏ. Để nâng phan, những người này cầm gậy tre có chạc ở đầu dài từ 5 đến 11, 12 thước (từ 1,2 mét đến 5,6 mét) gọi là dóng dài.

lhchuananh02.jpg
Các vãi chuẩn bị cho đám rước

Trò nâng phan diễn ra trong khung cảnh cây phan được đặt nghiêng dưới hố sâu khoảng 1 mét, dưới đáy hố có phiến đá to. Trước khi nâng, dóng nâng phan được cắm trên giá theo thứ tự ngắn dài, cụ trùm sẽ dẫn đầu các trai tráng trong làng (từ già đến trẻ, cả các bé trai còn ẵm ngửa do bố mẹ bế) lần lượt đặt tay vào các dóng nâng phan để biểu thị trách nhiệm và vinh dự là được là trai tráng trong làng. Trong khi đó, những người nâng phan đứng thành 2 hàng, mỗi người đứng trên một chiếc nồi đồng úp sấp (nồi cao khoảng 0,4 mét; đáy rộng khoảng 0,6 mét; miệng rộng 0,5 mét; độ dày khoảng 2,5 ly), ai đứng trên chiếc nồi nào thì sẽ được nhận chiếc nồi đó.

Khi ông chủ hội cầm trịch bắt đầu đánh trống cái, đội nâng phan sẽ vào vị trí. Hàng chục ấm tay rượu được rót ra bát và truyền cho từng người, người nâng phan uống hết bát này đến bát khác trong tiếng hò reo của những người cổ vũ. Khi ông chủ hội ra lệnh, tiếng chiêng nổi lên, cả chuông khánh trong chùa cũng vang lên cùng tiếng hò reo của người dự hội, người nâng phan dùng dóng nâng cây phan khỏi miệng hố, đảo ba vòng thuận rồi ba vòng nghịch mới dựng đứng được cây phan, trong quá trình đó không được dựa cây phan vào miệng hố, sao cho lá phan trên đỉnh luôn bay phần phật.

Theo quan niệm, nếu lá phan không bay thì là điềm xấu, người làng sẽ phải sửa lễ để tạ Đức Phật, tạ hàng Tổng. Nếu cây phan dựng đứng, lá phan bay phấp phới tức là năm ấy thắng lợi, những người nâng phan tiếp tục reo hò, uống rượu, chạy chính vòng xung quanh cây phan rồi sẽ vào bái tạ Đức Phật xong mới về nghỉ. Đến ngày giã hội, chủ hội làm lễ rồi phá cây phan cho dân làng cướp, mỗi nhà chỉ được cử một người, cướp được cây tre đem về gác lên mái nhà lấy khước để làm ăn thuận lợi, khỏe mạnh…

Sau này khi phục dựng lại lễ hội chùa Nành, do kinh tế còn khó khăn nên tục này cũng mai một đi nhiều. Theo một vài mô tả gần đây thì trò nâng phan khi đó là: một bó gồm khoảng 60 cây tre để nguyên cả cây chỉ róc gai, nhưng để ngọn. Chúng được buộc lại bằng 8 cái đai vững chắc đặt sẵn ở một bãi rộng. Trên ngọn cao nhất của bó tre buộc một lá cờ đỏ. Gốc phan là một hố được đào sâu sẵn khoảng 1 mét. Trò nâng phan được tiến hành bởi vài chục trai đinh quần trắng, áo thâm, chiết khăn đầu rìu, tay cầm một cây tre dài hơn 1 mét, có chạc nhô ra như gậy đánh phết. Họ đứng xung quanh cây phan và khi có hiệu lệnh thì phải hợp sức nâng bó tre lớn ấy đứng lọt vào trong hố, sau đó dùng gậy đảo cây phan xoay theo vòng từ Đông sang Tây sao cho lá cờ trên ngọn phan phải luôn bay. Cây phan đảo đều mà không đổ trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của dân làng và khách xem hội, cùng tiếng trống, chiêng, thanh la, reo hò của những người tham gia.

Có thể thấy, tục nâng phan ở lễ hội chùa Nành không chỉ thể hiện sức lực của những người tham gia mà còn là một trò đua tài thi khéo, đồng thời thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết và hiệp lực của tất cả mọi người trong và ngoài cuộc chơi. Tục nâng phan còn gửi gắm ước vọng cầu mong sự phồn thịnh, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, mở đầu cho một năm mới tốt đẹp.

Ngày nay, những nghi thức xa xưa nhất của tục nâng phan không còn ai được chứng kiến lại, nhưng dấu ấn về tục nâng phan trong lễ hội chùa Nành vẫn được xem là một nét đặc sắc làm nên “thương hiệu” cho hội chùa Nành. Khoảng gần chục năm trở lại đây, trong lễ hội, người ta không tổ chức trò nâng phan như trước mà lá phan được treo sẵn cùng cờ Phật và cờ Tổ quốc ở các trụ cờ đã được dựng sẵn trong sân chùa. Mặc dù vậy, hầu hết các cụ già trong làng vẫn chưa quên được tinh thần gửi gắm mà tục nâng phan mang lại.
Vì vậy, các cụ vẫn tiếp tục trao truyền cho các thế hệ sau bằng cách ghi lại, kể lại những kí ức của mình về tục nâng phan đặc sắc để trao truyền kí ức cho con cháu. Và, dù trải qua nhiều biến thiên của thời gian cũng như sự thay đổi của môi trường kinh tế xã hội, các nghi thức lễ tiết, các hoạt động đua tài thi khéo ở lễ hội chùa Nành đã có những sự mất đi hoặc cải biên cho phù hợp với bối cảnh mới, thì hội chùa Nành vẫn là điểm thu hút đặc biệt với nhiều du khách trong dịp hội xuân của Thăng Long – Hà Nội ngày nay./.

Th.S Nguyễn Thị Tô Hoài

Tục nâng phan trong lễ hội chùa Nành (nguoihanoi.vn)