Lễ hội truyền thống làng Trường Lâm gắn liền với Di tích lịch sử đình – chùa Trường Lâm, địa danh thờ 3 vị Thành hoàng làng là Thánh Linh Lang Đại vương – Tây trấn Thượng đẳng phúc thần; Công chúa Đào Hoa (còn gọi là Thiên tiên Đào Anh phu nhân – Thượng đẳng thần) và Công chúa Phù Nương – Trung đẳng thần. Theo thần tích, Linh Lang là Hoàng tử Hoằng Chân, con Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đã có công đánh đuổi giặc Tống xâm lược (1076-1077), được dân gian coi là vị thần trấn giữ phía Tây Kinh thành Thăng Long, còn 2 vị công chúa đã có công dạy hát dân ca… Chùa Trường Lâm hay “Linh Quang tự”, tương truyền có từ thời Lý, là nơi nhân dân thờ cúng Phật…
Tương truyền, Linh Lang Đại vương có tên thật là Hoàng Chân, là con của Hạo Nương và vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072).
Năm 1075 nhà Tống mang quân xâm lược nước ta, hoàng tử Hoàng Chân và hoàng tử Chiêu Văn chỉ huy hạm thuyền vượt cửa biển Vĩnh An tấn công, đánh tan các đồn bốt của giặc ở dọc biên giới. Sau đó, cánh quân của hai hoàng tử lại tiếp tục phối hợp với đạo quân của tướng Tôn Đản đánh chiếm các cơ sở trọng yếu và trung tâm hậu cứ lương thảo của giặc Tống ở thành Ung Châu. Ngày toàn thắng, nhà vua mở đại yến khao quân và tỏ ý muốn nhường ngôi cho Hoàng Chân, nhưng hoàng tử đã từ chối.
Năm Đinh Tỵ (1077) nhà Tống lại đưa quân sang xâm lược nước ta. Một lần nữa, hoàng tử Hoàng Chặn lại cùng hoàng tử Chiếu Văn và Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ hạm thuyền từ Vạn Xuân ngược dòng sông Khao Túc bất ngờ tập kích vào phòng tuyến phía đông của giặc bên bờ sông Như Nguyệt, góp công lớn đánh đuổi giặc Tống ra khỏi bờ cõi nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc. Xét công trạng của hoàng tử Hoàng Chân với đất nước, vua Lý Nhân Tông đã sắc phong là Linh Lang Đại vương – Tây trấn Thượng đẳng phúc thần. Linh Lang Đại vương là một trong những vị Thánh được thờ tại nhiều di tích nhất ở nước ta, với 269 địa điểm khác nhau, chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Năm nay, Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 18/3 đến ngày 20/3 (tức ngày 9 đến 11/02 Âm lịch). Khai mạc lễ hội được tổ chức vào 8h30’ ngày 18/3/2024 (tức ngày 9/2 Âm lịch), tại di tích đình Trường Lâm.
Đến với Lễ hội truyền thống làng Trường Lâm, ngoài việc thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tâm linh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc, mọi người còn được đắm mình trong các hoạt động lễ hội đặc sắc riêng, như: lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ rước nước, rước văn, rước mã, lễ tế Thánh trong ngày khai hội, các trò chơi dân gian như cờ tướng, bắt vịt dưới ao, kéo co, hát chèo…
Đặc biệt, trong Lễ hội truyền thống làng Trường Lâm có màn diễn xướng điệu múa “lột rắn”. Điệu múa này có sự góp mặt của 15 trai tráng, đây là hình thức diễn xướng ca ngợi công đức của Thánh Linh Lang. Lễ hội là dịp quảng bá nét đẹp của địa phương đến với người dân cả nước, cũng như tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông thủa trước.
Cụm di tích đình – chùa làng Trường Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1992. Năm 2018, Lễ hội truyền thống làng Trường Lâm đã được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tuyến Nguyễn- Đình Vũ
Quận Long Biên: Khai mạc Lễ hội truyền thống làng Trường Lâm (nguoihanoi.vn)