Hiện thực hóa tầm nhìn

Để nhanh chóng hiện thực hóa tầm nhìn trong phát triển công nghiệp văn hóa, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, cần phải có những hành động quyết liệt với bước đi cụ thể trong nhiều lĩnh vực.

Đó là quan điểm của đại diện một số cơ quan quản lý, chuyên gia, nghệ nhân, nghệ sĩ. Báo Hànộimới xin giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này tới bạn đọc.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng:
Tự tin đặt mục tiêu cao vì có lợi thế

yk-do-dinh-hong.jpg

Hà Nội là địa phương đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, Hà Nội đang đặt mục tiêu cao hơn trung bình cả nước, hướng đến năm 2030, đóng góp khoảng 8% GRDP; năm 2045 đóng góp 10% GRDP.

Sở dĩ Hà Nội có thể tự tin đặt mục tiêu cao bởi Hà Nội có tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa mà không phải địa phương nào cũng có được. Đó là lịch sử ngàn năm văn hiến, sở hữu nhiều danh hiệu văn hóa như Thành phố vì hòa bình; Thành phố sáng tạo…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long – Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu thành phố đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực trọng tâm như Du lịch văn hóa, quảng cáo, thiết kế sáng tạo…

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Bá Trản, Đoàn múa Ải Lao, phường Phúc Lợi, quận Long Biên:
Cần có chiến lược quảng bá cho các di sản dân gian

yk-nguyen-ba-tran.jpg

Ở nhiều nước, di sản dân gian mang lại nguồn lợi lớn cho các hoạt động quảng bá, thu hút du lịch. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Myanmar… đã đưa nghệ thuật truyền thống vào hoạt động du lịch, rất hấp dẫn du khách.

Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, rất nhiều di sản dân gian trong đó có múa Ải Lao đang gặp khó khăn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản. Múa hát Ải Lao là một phần quan trọng của hội Gióng – đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng hiện nay hoạt động của các đoàn hát chủ yếu dựa vào những nghệ nhân lớn tuổi, thiếu vắng lớp kế cận. Đây là khó khăn chung của nhiều loại hình biểu diễn dân gian khác.

Để những loại hình biểu diễn dân gian có thể thu hút du khách, tạo nguồn thu cho địa phương, từ đó làm động lực phát triển kinh tế – xã hội, tôi cho rằng nên có cơ chế, chiến lược quảng bá những di sản này tới đông đảo công chúng. Chẳng hạn như, nên đưa các loại hình biểu diễn dân gian vào những sự kiện văn hóa, du lịch của thành phố. Ngoài ra, cần có chính sách thích hợp cho các nghệ nhân, chiến lược đào tạo lớp kế cận để di sản được bảo tồn.

Nhà thiết kế Xuân Thu:
Còn thiếu không gian sáng tạo cho lĩnh vực thời trang

yk-xuan-thu.jpg

Trên thế giới, thời trang là một trong những ngành mang lại doanh thu lớn, tạo được nền công nghiệp thời trang. Tại Việt Nam, thời trang vẫn còn khá đơn giản. Tuy đã có một số show diễn ở nước ngoài, nhưng đó mới chỉ là nỗ lực của cá nhân, và số này chưa nhiều.

Để đưa thời trang trở thành nguồn lực trong phát triển công nghiệp văn hóa cần phải tạo ra nhiều không gian sáng tạo cho các nhà thiết kế. Hiện đã có các tuần lễ thời trang quốc tế, lễ hội áo dài… nhưng những sự kiện này chủ yếu vẫn mang tính quảng bá; cần có thêm những sân chơi thiết kế trong lĩnh vực thời trang, ở đó có sự gặp gỡ cả nhà thiết kế lẫn đơn vị đầu tư quốc tế để thời trang có tính ứng dụng trong cuộc sống, đồng thời có thể quảng bá tay nghề, năng lực của các nhà thiết kế Việt Nam với thế giới.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều làng nghề liên quan đến thời trang như làng làm lụa, làng làm phụ kiện thời trang, làng may đo… nhưng tính liên kết của những làng nghề với các nhà thiết kế còn yếu. Một phần lý do là chất lượng sản phẩm làng nghề chưa đáp ứng được thị trường. Vì thế, cần phải có chính sách nâng cao nhận thức, kỹ năng tay nghề cho các làng nghề để họ thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang thế giới.

Nhạc sĩ Trí Minh:
Đầu tư đúng, âm nhạc có thể tạo sức bật cho công nghiệp văn hóa

yk-minh-tri.jpg

Hà Nội đã tổ chức khá nhiều sự kiện âm nhạc tạo sức hút như Lễ hội âm nhạc Gió mùa; chương trình biểu diễn của các nhóm nhạc quốc tế BlackPink, Westlife; hòa nhạc ở phố đi bộ… Tuy nhiên, Hà Nội vẫn thiếu những lễ hội âm nhạc mang tính định kỳ, hiện mới chỉ có Lễ hội âm nhạc Gió mùa. Những sự kiện âm nhạc quốc tế diễn ra không thường xuyên nên hiệu ứng để thu hút du khách chưa cao.

Là người từng tham dự nhiều festival âm nhạc quốc tế, tôi luôn mong muốn Hà Nội có thêm nhiều không gian sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Mỗi dòng nhạc cần có không gian riêng để phát triển cũng như thu hút công chúng. Đó là những sân khấu, địa điểm biểu diễn chuyên nghiệp có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật để tổ chức những chương trình âm nhạc lớn mang tầm quốc tế.

Ngoài ra, để phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc thì những người làm nghệ thuật bên cạnh việc nâng cao năng lực tổ chức, sáng tạo cũng cần phải học cách tôn trọng bản quyền âm nhạc. Điều này vô cùng quan trọng khi muốn đưa âm nhạc ra biển lớn.

 

Hoàng Lân

Hiện thực hóa tầm nhìn (hanoimoi.vn)