Nhân dịp đón Tết Nhâm Thìn 2024, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng dành cho độc giả Báo Hànộimới những chia sẻ thú vị về việc phát triển không gian văn hóa sáng tạo, từng bước đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa – dịch vụ du lịch của Thủ đô.
– Nếu như vùng đất cổ Tây Hồ với bề dày trầm tích văn hóa, lịch sử có sức hấp dẫn lớn, thì ngày nay, hương sen Quảng An, sắc đào Nhật Tân hay không gian đi bộ Trịnh Công Sơn đã tạo nên sức hút mới. Bà có thể chia sẻ với độc giả Hànộimới những định hướng mà quận Tây Hồ đang thực hiện nhằm “đánh thức” những tiềm năng, lợi thế của quận, nhất là hồ Tây?
– Với không gian xanh rộng lớn lên tới 500ha, chu vi hồ Tây 14,8km, sắc xuân rạng rỡ trên những vườn đào Nhật Tân, Phú Thượng hay sắc thu vàng rực nơi vườn hoa bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây cùng với hương sen Bách Diệp thơm ngát trên những đầm sen lộng gió vào mùa hè… đã góp phần tạo nên 4 mùa tươi đẹp giúp Tây Hồ níu chân du khách.
Cùng với đó, nét văn hóa truyền thống được bao thế hệ người dân vùng Bưởi, Thụy Khuê, Nhật Tân, Yên Phụ… gìn giữ trong những nếp nhà cổ ở những ngôi làng trong phố cũng góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa.
Xác định rõ những lợi thế có được từ vị trí địa lý và bề dày lịch sử cùng nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, ngay từ khi thành lập Đảng bộ quận Tây Hồ đã xác định: “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ – du lịch văn hóa của Thủ đô”. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, ngày 10-4-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Tây Hồ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn quận giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở hữu một bề dày văn hóa lịch sử và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, có thể tin tưởng, kỳ vọng về việc hình thành một trục không gian văn hóa sáng tạo tại quận Tây Hồ xứng tầm với những giá trị văn hóa độc đáo nơi đây.
– Để công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực, yếu tố cốt lõi cho sự phát triển, Tây Hồ có những bước đi như thế nào, thưa bà?
– Phát triển CNVH là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Quận Tây Hồ đặt mục tiêu phát triển CNVH trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh của quận Tây Hồ đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
Quá trình phát triển CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả liên kết giữa các ngành, các khâu tạo nên những sản phẩm văn hóa mới đặc sắc, hình thành liên kết chuỗi góp phần gia tăng giá trị, sức cạnh tranh, định vị thương hiệu sản phẩm văn hóa.
Cùng với đó, CNVH sẽ tạo ra cơ hội cống hiến, khả năng tiếp cận, thụ hưởng quá trình sáng tạo văn hóa, định hướng thị hiếu và nâng cao văn hóa thẩm mỹ cho người dân, cộng đồng xã hội…
– Năm 2023, trà sen Đầm Trị – Tây Hồ là một trong ba loại trà quý được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lựa chọn để chiêu đãi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Được biết, quận Tây Hồ đã và đang triển khai nhiều đề án nhằm hình thành trục không gian văn hóa sáng tạo độc đáo, riêng có của Tây Hồ, trong đó có đề án khôi phục những hồ nhỏ để trồng giống sen quý Bách Diệp. Bà có thể chia sẻ thêm về những đề án quan trọng này?
– Hiện tại, quận Tây Hồ đang triển khai thực hiện một số đề án. Trong đó, Đề án “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi” sẽ tái hiện quy trình làm giấy Dó để người dân, du khách được tận mắt cảm nhận và tham gia vào quy trình này. Tại đây cũng sẽ trưng bày những sản phẩm độc đáo của làng nghề giấy Dó truyền thống, giúp người dân và du khách đến gần hơn với những giá trị văn hóa độc đáo của cha ông ta từ ngàn xưa. Dự kiến không gian văn hóa này sẽ đi vào hoạt động trong quý II-2024.
Với Đề án “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây”, quận mong muốn nhân rộng và khôi phục những hồ sen Bách Diệp với hương thơm đặc trưng của sen Tây Hồ, góp phần gìn giữ giống sen quý và duy trì nghề ướp trà sen truyền thống tại phường Quảng An; đồng thời tạo thêm những cảnh sắc độc đáo từ những đầm sen thơm ngát mùa hạ của Tây Hồ…
Quận Tây Hồ cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Tây Hồ gắn với các di tích lịch sử cách mạng, lễ hội truyền thống, các sản phẩm văn hóa ẩm thực và các khu vui chơi, giải trí. Cùng với việc xây dựng một số mô hình triển lãm, hội chợ, quận sẽ xây dựng, khai thác các tuyến du lịch văn hóa kết hợp đường bộ và đường thủy (hồ Tây) tạo trải nghiệm thú vị thu hút khách du lịch. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Tây Hồ.
Đặc biệt, quận Tây Hồ khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm…; tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu, kết nghĩa với các quận, huyện bạn và các quốc gia có nền CNVH phát triển nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Tây Hồ; đồng thời học tập, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần hiện thực hóa khát vọng Tây Hồ – khát vọng Thăng Long, xây dựng quận phát triển xứng tầm với những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất và con người Tây Hồ.
– Trân trọng cảm ơn và xin kính chúc Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể người dân quận Tây Hồ xuân mới an vui, hạnh phúc!
Hương Ly