– Phóng viên: Bà có thể chia sẻ về giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của Tây Hồ trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại?
– TS Lê Thị Minh Lý: Chỉ cần đi dọc tuyến đường Thụy Khuê đi lên phía hồ Tây, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều dấu tích lịch sử, từ cổng làng, cho đến đình, đền, chùa, miếu… Khu vực Tây Hồ là một vùng đất cổ đậm đặc các giá trị, thuận tiện giao thương, giao lưu văn hóa, đa dạng các tập quán, phong tục. Nói cách khác, vùng đất Tây Hồ có rất nhiều trầm tích văn hóa di sản, đòi hỏi phải khai thác những giá trị đó tạo thành nguồn lực cho phát triển văn hóa, phát triển giáo dục, phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế du lịch.
Thời gian qua, quận Tây Hồ đã rất tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đơn cử như việc xếp hạng các di tích dọc theo đường Thụy Khuê, tạo thành một hành trình khám phá di sản hồ Tây. Đây là việc làm cần tiếp tục nhân rộng, phát huy. Những cổng làng, hệ thống đình, đền, chùa… chính là những biểu tượng, dấu mốc của một thời kỳ lịch sử mà chúng ta cần phải gìn giữ. Hơn nữa, hồ Tây có rất nhiều món ăn ngon, gắn với sông nước. Rất nhiều người nước ngoài chọn sinh sống ở Tây Hồ bởi cảnh sắc thiên nhiên đẹp, giàu chất văn hóa – lịch sử nơi đây.
– GS.TS Từ Thị Loan: Tây Hồ là địa danh nổi tiếng không chỉ của Thăng Long – Hà Nội, mà là của Việt Nam nói chung. Chỉ cần điểm qua hệ thống tên phố như Lạc Long Quân, Âu Cơ, An Dương Vương… cũng phần nào cho ta hình dung đây là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử lâu đời. Có nhiều cái tên rất cổ như Võng Thị, Trích Sài gắn với vẻ đẹp của truyền thống văn hóa, lịch sử, gợi lên bề dày trầm tích văn hóa. Gần đây, nhiều địa danh ở Tây Hồ còn gắn với tên tuổi các nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam như các phố Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn…
Hệ thống di tích ở Tây Hồ có những công trình nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam từ thời Lý; chùa Kim Liên mang dấu ấn kiến trúc thời Lê – Trịnh; phủ Tây Hồ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ngoài ra còn hàng loạt di tích lâu đời khác như các chùa Phổ Linh, Tảo Sách, Thiên Niên, Tĩnh Lâu, đình Yên Phụ, đền Voi Phục (Thụy Khuê)…
Gắn liền hệ thống di sản chính là các lễ hội dân gian đặc sắc, ví như ở phủ Tây Hồ có lễ hội thờ Mẫu Tam Phủ nổi tiếng, hay đền Đồng Cổ có Hội thề Trung Hiếu – được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó là hệ thống các làng nghề giàu truyền thống và cảnh quan thiên nhiên hài hòa của hồ Tây với mặt nước, không gian, cây cối xanh tươi, tạo điều kiện để phát triển du lịch, kinh tế – xã hội.
– Phóng viên: Theo bà, chúng ta cần làm gì để có thể khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng công nghiệp văn hóa của Tây Hồ?
– TS Lê Thị Minh Lý: Hiện nay, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đang được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đặt hàng nghiên cứu về nghề trồng đào. Nghề trồng đào, tập quán, ký ức liên quan tới trồng đào cần được quảng bá và tạo thành một sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo, gắn với thương hiệu của hồ Tây.
Chúng ta cũng cần đầu tư sản phẩm văn hóa chợ Bưởi với hệ thống cây cảnh mang đậm giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với dòng chảy cuộc sống đương đại. Phải nghiên cứu để lồng ghép các câu chuyện kể, truyền tải ký ức đi cùng với hành trình văn hóa ấy, tạo nên sản phẩm công nghiệp văn hóa mang đậm bản sắc. Nói cách khác, chúng ta phải xây dựng thương hiệu di sản văn hóa lịch sử, huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển – coi đây là động lực phát triển công nghiệp văn hóa Tây Hồ.
– GS.TS Từ Thị Loan: Thành phố Hà Nội đang đề ra 6 lĩnh vực ưu tiên để phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó quận Tây Hồ có đủ các điều kiện để phát triển du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, sản phẩm làng nghề truyền thống và các khu vui chơi giải trí. Bên cạnh các đình, đền, chùa, phủ, Tây Hồ còn có những điểm đến độc đáo như Thung lũng hoa hồ Tây, Bãi đá sông Hồng, không gian nghệ thuật biểu diễn khu vực Phố đi bộ Trịnh Công Sơn kết hợp với ẩm thực đường phố hay các không gian sáng tạo thực sự làm nên dấu ấn của du lịch văn hóa Tây Hồ. Chúng ta cũng có thể đầu tư, phát triển hệ thống làng nghề truyền thống gắn với các không gian văn hóa, sáng tạo sản phẩm, trình diễn, trải nghiệm quá trình làm nghề. Ẩm thực cũng là một thế mạnh gắn với những thương hiệu xôi Phú Thượng, bánh tôm Hồ Tây, bún ốc phủ Tây Hồ, hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán cà phê thơ mộng dọc các con phố ven hồ Tây.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phát triển chuỗi hệ thống sản phẩm liên quan, đơn cử như với trà sen Quảng An, cần chú trọng làm ra các sản phẩm giá trị, từ hạt sen, cho đến lá sen, ngó sen, củ sen, hoa sen… Cùng với các không gian truyền thống, chúng ta cũng phải tổ chức hoạt động vui chơi giải trí mới như đua thuyền, trải nghiệm khinh khí cầu, cắm trại ở bãi giữa sông Hồng, hay Công viên nước Hồ Tây, tạo thêm nhiều không gian mang đậm tính đương đại. Thậm chí, cần nghiên cứu tuyến du lịch ngoài đê, xây dựng và khai thác hoạt động kinh tế về đêm ở một số khu vực cho du khách được trải nghiệm.
– Phóng viên: Chúng ta cần triển khai các đầu việc gì để làm tốt việc đào tạo, giúp các chủ thể di sản cùng vào cuộc tích cực, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa?
– TS Lê Thị Minh Lý: Người dân ở vùng di sản Tây Hồ phải hiểu về di sản, kể được câu chuyện về di sản để đón khách với tâm thế hiểu biết về văn hóa, tự hào với những cái mà mình đang nắm giữ, từ đó lan truyền đến du khách tình cảm, văn hóa đích thực của người Hà Nội.
Để làm được điều đó phải có phương pháp phù hợp. Phải nghiên cứu, phải đi, tìm kiếm những người đang nắm giữ di sản, đặc biệt là di sản phi vật thể, từ đó, hình thành cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa của Tây Hồ. Tiếp đó, phải phân tích, chọn ra các chủ thể của di sản, làm việc với họ, nâng cao nhận thức của họ. Chủ thể di sản chỉ đồng thuận khi thấy rõ được lợi ích của họ trong đó, vì vậy, thành phố, quận Tây Hồ phải có những chính sách mang lại lợi ích cho người dân, để họ cam kết cùng với chính quyền thực hiện chương trình hành động chung.
Đặc biệt, phải có sự vào cuộc của các chuyên gia. Các nhà quản lý phải làm việc với những tổ chức nghề nghiệp, với đội ngũ các nhà khoa học tâm huyết, tạo cơ chế để họ được nghiên cứu, có phương pháp làm việc với người dân, mang hiểu biết của họ để tư vấn cho chính quyền những vấn đề về chính sách. Từ đó, chính quyền sẽ có chương trình hành động cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản từ truyền thống văn hóa lịch sử, tạo nên các sản phẩm văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa.
– GS.TS Từ Thị Loan: Cần gắn chặt trách nhiệm với lợi ích, chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan. Cần thiết lập các hoạt động du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hóa phi vật thể, với mục tiêu giúp cộng đồng hưởng lợi từ chính các hoạt động du lịch. Lấy con người làm trung tâm, cho phép các cộng đồng trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ việc bảo vệ và chia sẻ di sản văn hóa của họ, cũng như trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật và giáo dục khác nhằm tạo điều kiện để di sản tiếp tục phát triển và đổi mới. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người trẻ tham gia vào công tác bảo tồn, thông qua các cách tiếp cận sáng tạo với các chủ thể văn hóa, người thực hành di sản, với mong muốn sử dụng di sản như là nguồn lực quan trọng trong phát triển bền vững tại các địa phương.
– Trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã dành thời gian trò chuyện!
Mai Hoa
Khai thác giá trị di sản, tạo nguồn lực cho phát triển (hanoimoi.vn)