Để làm rõ hơn về công tác tổ chức, giám sát, cũng như việc phát huy nguồn lực văn hóa từ các lễ hội truyền thống để phát triển kinh tế – xã hội, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh.
Lên kế hoạch sớm, bài bản
– Mùa lễ hội đã bắt đầu khi hàng loạt lễ hội truyền thống lớn nhất của thành phố Hà Nội khai hội. Bà đánh giá thế nào về công tác tổ chức, chuẩn bị của các địa phương?
– Đến nay, công tác tổ chức, chuẩn bị lễ hội của những địa phương có lễ hội lớn khá tốt, cơ bản đã hoàn thành phần khai hội, mang đến không khí tươi vui, đúng truyền thống cho người dân và du khách, như: Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh). Hiện còn nhiều lễ hội chưa bắt đầu nên chưa thể đánh giá tổng quát về công tác tổ chức cho toàn bộ mùa lễ hội năm nay. Tuy nhiên, tôi tin là với sự chuẩn bị chu đáo, lên kế hoạch tổ chức từ sớm cũng như nỗ lực của các địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và du khách, mùa lễ hội năm nay sẽ diễn ra tốt đẹp, an toàn, văn minh.
– Năm ngoái, dù công tác tổ chức lễ hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, song vẫn có một số nơi xảy ra hình ảnh chưa đẹp, vẫn còn hiện tượng “cò mồi”, “chèo kéo” du khách. Vậy năm nay để giải quyết dứt điểm những hiện tượng này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các đơn vị, địa phương liên quan đã có những giải pháp ra sao?
– Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, vào ngày 7-2 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão), Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu với UBND thành phố Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội để thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm trong công tác tổ chức lễ hội; các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, dịch vụ đổi tiền lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống; hiện tượng ép giá, chèo kéo du khách…
Trong Tết, Đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc liên tục với các địa phương, yêu cầu các địa phương phải tăng cường lực lượng, thường xuyên kiểm tra, giám sát ở những khu vực đông người như khu vực bến xe, bến thuyền. Với những lễ hội lớn, lượng khách tham dự đông, đoàn yêu cầu các địa phương phải sớm có kế hoạch chuẩn bị, lên phương án tổ chức, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và còn tồn tại của mùa lễ hội trước để nhanh chóng khắc phục.
Năm nay, các lễ hội có nhiều điểm mới, chẳng hạn như Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa kéo dài 3 ngày; Lễ hội Gióng đền Sóc tổ chức khai mạc muộn hơn một tiếng; Lễ hội đền Hai Bà Trưng chuyển khai mạc sang buổi tối cùng chương trình bán thực cảnh có sử dụng công nghệ 3D mapping “Âm vang Mê Linh”. Các địa phương đều đã có các phương án bảo đảm lễ hội diễn ra đúng với truyền thống, tạo không khí vui tươi, an toàn cho du khách. Đến nay, cơ bản các lễ hội đều tổ chức đúng kế hoạch và kịch bản. Sau ngày diễn ra khai hội, báo chí phản ánh Lễ hội Gióng đền Sóc có hiện tượng cờ bạc trá hình ở trò chơi dân gian, ngay lập tức đoàn kiểm tra đã vào cuộc và yêu cầu dẹp bỏ ngay những trò chơi có thể bị làm biến tướng. Cũng phải nói thêm rằng, để lễ hội diễn ra văn minh thì ngoài nỗ lực của Ban tổ chức thì ý thức của người dự hội cũng rất quan trọng.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mùa lễ hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; các địa phương phải tiến hành rà soát các lễ hội trên địa bàn. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về công tác quản lý hoạt động lễ hội qua số điện thoại 0965.404.557. Điểm mới của công tác tổ chức lễ hội năm nay là các địa phương đã cùng ký cam kết thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
– Đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nhưng hoạt động này cũng nảy sinh không ít vấn đề như hiện tượng trục lợi tín ngưỡng, mê tín dị đoan, lãng phí trong đốt vàng mã… Năm nay, những vấn đề này đã được quản lý như thế nào, thưa bà?
– Chúng tôi đã đề nghị các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hạn chế đốt hương, tiền vàng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân không để tiền lẻ trên các ban thờ. Khuyến khích các di tích chỉ đặt một lư hương chung phục vụ người hành lễ; hướng dẫn du khách tham gia hành lễ mặc trang phục gọn gàng, kín đáo, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan, sử dụng lễ vật tiết kiệm, không cắm và đốt hương tùy tiện.
Nhiều năm nay, hiện tượng đốt vàng mã, hương đã giảm tại nhiều đình, đền, chùa và cơ sở tôn giáo nhưng hiện tượng để tiền lẻ trên các ban thờ vẫn còn do thói quen và tâm lý của người dự hội cần phải để “tiền giọt dầu”. Việc này cần phải tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo mạnh mẽ hơn nữa.
Phát huy các giá trị, bản sắc riêng có của lễ hội
– Hà Nội là địa phương có nhiều di tích, lễ hội nhất cả nước. Bà đánh giá tiềm năng di sản văn hóa này trong việc hấp dẫn, thu hút du khách đến Hà Nội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô ra sao?
– Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử, hơn 1.600 lễ hội diễn ra quanh năm, góp phần khẳng định bề dày lịch sử, sức sáng tạo dồi dào và đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cư dân Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thành phố luôn xác định, đây là một trong những nguồn lực to lớn để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Trong 13 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa được coi là mũi nhọn để giúp Hà Nội tăng trưởng nhanh trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều năm nay, với sự định hướng của thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội luôn đề nghị các địa phương phải nỗ lực phát huy, khai thác những tiềm năng văn hóa từ di sản, lễ hội để thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
– Vậy theo bà, các địa phương cần làm gì để hoạt động lễ hội có sức hấp dẫn hơn với du khách trong nước và quốc tế, thực sự trở thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa?
– Điều kiện đầu tiên cho phát triển công nghiệp văn hóa từ tiềm năng lễ hội là cần bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, tính hấp dẫn, riêng có của lễ hội. Cách thức tổ chức, quản lý lễ hội phải bảo đảm văn minh, an toàn, tăng niềm tin, thiện cảm với du khách… Bên cạnh đó, các địa phương cần phải chuyên nghiệp hơn trong khâu tổ chức, dịch vụ, tăng cường đổi mới hình thức tổ chức để lễ hội vừa bảo đảm giữ được truyền thống vừa có sức thu hút với nhiều đối tượng du khách.
Các lễ hội dân gian, truyền thống thường có tính cộng đồng rất cao, vì thế để việc quản lý, tổ chức lễ hội tốt hơn thì các ban, ngành, cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng; chú trọng tuyên truyền, quảng bá cũng như xây dựng kịch bản cho hoạt động trong lễ hội bài bản, chuyên nghiệp, giàu bản sắc, tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng… Về lâu dài, các địa phương, đơn vị cần xây dựng chiến lược văn hóa dài hạn cho việc phát huy giá trị di tích nói chung, lễ hội nói riêng với các sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng của vùng đất, tạo sức hút bền vững tới công chúng, du khách.
– Trân trọng cảm ơn bà!
Hoàng Lân
Phát huy nguồn lực văn hóa từ các lễ hội truyền thống (hanoimoi.vn)