Liệu Hà Nội có thể xây dựng không gian sáng tạo lễ hội ánh sáng thành “đặc sản”? Về vấn đề này, Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giải pháp kinh doanh Corex, đơn vị tham gia tổ chức Lễ hội ánh sáng “Rực rỡ Thăng Long” tại Hà Nội và một số sự kiện tại địa phương khác.
Câu chuyện văn hóa là yếu tố cốt lõi
– Thách thức, khó khăn khi tổ chức một lễ hội trình diễn ánh sáng bằng drone là gì, thưa ông?
– Để tổ chức được hoạt động bay của drone thì cần có thiết bị bay, phần mềm và “phi công” (người điều khiển). Công nghệ luôn thay đổi và phát triển, drone cũng cần được nâng cấp, “phi công” cần được đào tạo và có nhiều giờ bay thì mới đủ kinh nghiệm để điều khiển.
Tại Việt Nam, chúng tôi có những “phi công” giỏi nhưng chưa đủ giờ bay, chỉ có thể bay ở những sự kiện nhỏ, còn với màn trình diễn lớn như tại Lễ hội ánh sáng “Rực rỡ Thăng Long” vào đêm 30 Tết vừa qua, chúng tôi phải mời cả “phi công” nước ngoài. Ngoài ra, nhược điểm của drone là phụ thuộc vào thời tiết, mặc dù các drone nhập về là thiết bị có thể bay được trong điều kiện gió to, nhưng nếu có mưa và mây mù thì việc điều khiển drone chắc chắn gặp trở ngại.
– Theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất để tổ chức thành công một lễ hội ánh sáng bằng drone?
– Để tổ chức chương trình như “Rực rỡ Thăng Long” thì cần rất nhiều yếu tố về kỹ thuật. Ngoài thiết bị bay thế hệ mới có thể bay ở độ cao 400m, chịu được gió lớn, “phi công” điều khiển nhiều kinh nghiệm thì còn là vấn đề thẩm mỹ, câu chuyện văn hóa muốn truyền tải. Nếu chỉ là cho drone bay lên xếp chữ, tạo hình ảnh đơn thuần thì đơn giản, nó có thể khiến người xem chán trong vòng 3 – 5 năm tới. Nhưng để tổ chức lễ hội ánh sáng tạo cảm xúc, luôn hấp dẫn với du khách thì cần phải có những câu chuyện về văn hóa, lịch sử phù hợp với từng địa phương. Câu chuyện đó phải nói lên được đặc trưng của địa phương để người dân sống ở đó tự hào khi xem chương trình còn du khách phương xa hiểu hơn về mảnh đất, con người mà họ đang khám phá.
Với Lễ hội ánh sáng “Rực rỡ Thăng Long”, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi phải làm việc với chính quyền địa phương, các nhà khoa học để lên ý tưởng về hình ảnh trình chiếu nhằm kể câu chuyện Thăng Long – Hà Nội, đó là hình ảnh vua Lý Thái Tổ với “Chiếu dời đô”, hình tượng rồng thời Lý oai hùng và kiêu hãnh, hình ảnh Khuê Văn Các biểu tượng cho tinh thần hiếu học… Riêng hình ảnh con rồng thời Lý, chúng tôi đã phải nhờ sự tư vấn của rất nhiều nhà khoa học. Khi đã lên ý tưởng về hình ảnh, đội ngũ kỹ thuật sẽ sử dụng phần mềm để thiết kế, lập trình cho drone bay theo thiết kế. Bên cạnh đó, để chương trình trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc, không giống với bất cứ chương trình ánh sáng nào khác, chúng tôi mời nhạc sĩ Quốc Trung thiết kế riêng phần âm nhạc. Nhìn chung, đó là sự tổng hòa của công nghệ ánh sáng, âm nhạc mà điều quan trọng nhất là sáng tạo nội dung câu chuyện ý nghĩa để gửi tới người xem.
– Việt Nam đang giữ kỷ lục Đông Nam Á về chương trình trình diễn ánh sáng có số lượng drone nhiều nhất. Chất lượng của một lễ hội ánh sáng có phụ thuộc vào số lượng drone không, thưa ông?
– Để tổ chức lễ hội ánh sáng “ra tấm ra món”, mang lại hiệu quả cao về thị giác thì cần có 800 – 1.000 drone. Dưới 500 drone thì có thể xếp được những hình ảnh đơn giản và bay tầm thấp; trên 500 drone mới có thể xếp được hình 3D. Vì thế, để có một lễ hội ánh sáng mãn nhãn, mang giá trị về văn hóa, thậm chí là sản phẩm du lịch đủ để thu hút khách đến chi tiêu thì nên tổ chức một chương trình quy mô với số lượng drone đủ nhiều.
Hà Nội có thể trở thành trung tâm lễ hội ánh sáng
– Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển lễ hội ánh sáng của Hà Nội?
– Chương trình “Rực rỡ Thăng Long” với quy mô 2.024 drone cho thấy Hà Nội có thể tổ chức những sự kiện quy mô lớn, thu hút hàng vạn người xem cùng lúc. Tuy nhiên, để tổ chức lễ hội định kỳ, thường xuyên, có quy mô lớn hơn nữa thì cần có kế hoạch bài bản để thực hiện tốt khâu chuẩn bị, lên các phương án về an ninh, giao thông…
– Nhiều người cho rằng, Hà Nội thiếu quy hoạch không gian tổ chức những sự kiện, lễ hội lớn, trong đó có lễ hội ánh sáng, và điều đó dẫn đến ách tắc giao thông. Quan điểm của ông về vấn đề này?
– Đúng là Hà Nội đang thiếu quy hoạch về sân khấu ngoài trời lớn để tổ chức những sự kiện văn hóa tầm quốc tế, nhưng Hà Nội có nhiều địa điểm rất tiềm năng như không gian khu vực hồ Tây hay khu vực ven sông Hồng. Với trình diễn ánh sáng drone, không gian là yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Ở bất cứ không gian nào thì cũng sẽ có những màn trình diễn drone phù hợp. Ở hồ Tây sẽ là câu chuyện khác, còn nếu trình diễn ở sông Hồng với hình ảnh nền là cầu Long Biên thì câu chuyện cũng khác. Tôi vẫn nhấn mạnh, cốt lõi của một lễ hội ánh sáng có thể mang đến sự hấp dẫn, mới mẻ vẫn là nội dung câu chuyện trình diễn. Còn với những lễ hội thu hút hàng vạn người cùng lúc thì việc ách tắc là khó tránh, trên thế giới cũng vậy. Điều quan trọng là chúng ta phải có kế hoạch tổ chức để lên các phương án phân luồng, chỉ dẫn nơi gửi xe, cung đường đi, phân bổ lượng khách ở nhiều vị trí… Có kế hoạch tổ chức, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các cơ quan chức năng… sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn này.
– Với điều kiện hiện nay, để lễ hội ánh sáng bằng drone trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc trưng của Hà Nội giống như Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa quốc tế thường niên, mang lại nguồn thu lớn, theo ông, Hà Nội cần phải làm gì?
– Để lễ hội ánh sáng trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch riêng, Hà Nội có thể tổ chức những sự kiện trình diễn ánh sáng thường xuyên hơn, hoặc tổ chức thi trình diễn ánh sáng trong nước, thậm chí là với quy mô quốc tế. Nếu định tổ chức những sự kiện này, Thành phố nên sớm có kế hoạch để những đơn vị tổ chức và đơn vị liên quan sớm triển khai thực hiện. Chẳng hạn như thời điểm này, có thể đã lên kế hoạch tổ chức các sự kiện trình diễn cho dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô hay là dịp Tết. Khi có kế hoạch sớm, các đơn vị tổ chức sẽ có hướng triển khai, những đơn vị lữ hành cũng có kế hoạch quảng bá, tổ chức tour. Du khách trong và ngoài nước cũng có thời gian để sắp xếp, đặt dịch vụ lưu trú, ăn uống… Để tạo nguồn thu lớn từ những sự kiện văn hóa, cần thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ khác như lưu trú, ăn uống, mua sắm và các sản phẩm du lịch để du khách có thêm nhiều trải nghiệm khi đến Thủ đô. Muốn vậy, thành phố cần tạo cơ chế để đẩy mạnh liên kết, hợp tác công – tư; dành nguồn lực để quy hoạch, đầu tư những không gian văn hóa lớn…
– Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Quyên thực hiện
Hà Nội có thể xây dựng không gian sáng tạo lễ hội ánh sáng thành “đặc sản”? (hanoimoi.vn)