Điều này không chỉ thể hiện tinh thần dân tộc mà còn phản ánh sự sôi động của một thị trường mỹ thuật được đánh giá là “có tiềm năng” như Việt Nam. Tuy vậy, cũng còn rất nhiều điều băn khoăn.
Trở về sau nhiều năm lưu lạc
Tháng 7-2023, gần 100 bức tranh sơn mài của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên sau 25 năm bị lãng quên tại Thụy Sĩ đã lần đầu ra mắt người yêu hội họa trong nước qua triển lãm “Họa duyên tương ngộ: Trần Phúc Duyên” tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San, thành phố Hồ Chí Minh, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923 – 2023).
Bộ tranh này do hai nhà sưu tập Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt mua lại toàn bộ từ một người thừa kế của họa sĩ Trần Phúc Duyên đang sống tại Paris, nếu không, rất có thể trong tương lai, bộ tranh sẽ bị tách nhỏ từng phần.
Sự kiện hồi hương tác phẩm sơn mài của họa sĩ Trần Phúc Duyên không chỉ mang đến cho những người yêu tranh trong nước cơ hội thưởng lãm nhiều tác phẩm quý mà còn đưa tên tuổi một họa sĩ hầu như đã bị quên lãng trở về với quê nhà.
Một sự kiện khác là bức tranh gốc của vua Hàm Nghi (tựa đề tạm dịch: “Hồ trên dãy núi Alps”) do một cá nhân hiến tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng được giới thiệu công chúng trong nước tại không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi – Cuộc đời và nghệ thuật” tháng 1 năm 2023. Triển lãm nhằm giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và di sản nghệ thuật của một vị vua yêu nước, một nghệ sĩ tài hoa, nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của vua Hàm Nghi (1944 – 2023). Ông cũng được xem là một nghệ sĩ người Việt mở đầu cho trào lưu nghệ thuật tạo hình theo phong cách Tây phương.
Còn nhớ, cách đây gần 10 năm, triển lãm “Hội họa Việt Nam – một diện mạo khác” diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tạo ra một “cú sốc” với công chúng khi tranh của nhiều họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu… được hồi hương. Trong đó phần lớn được nhà sưu tập Nguyễn Minh đấu giá thành công tại Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.
Tình yêu và nỗ lực
Nhà sưu tập Nguyễn Minh – người sở hữu nhiều tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ XX đưa ra hình dung về con đường trở về quê nhà của các bức tranh như sau: Người sưu tầm phải có hiểu biết nhất định về hội họa, cộng thêm tiềm lực kinh tế, sau đó ra nước ngoài, tham gia đấu giá. Sau khi mua được tranh, phải tìm cách chuyển về nước, trải qua nhiều thủ tục. Việc vận chuyển bằng máy bay cũng có thể khiến tác phẩm bị thất lạc. Mỗi bức tranh có giá hàng triệu đô nhưng tiền đền bù thất lạc chỉ là một phần nhỏ, cho thấy người sưu tầm phải đánh cược niềm tin của mình trong mỗi lần đưa tranh về quê nhà.
Theo thống kê của giám tuyển Ace Lê (đại diện nhà đấu giá nghệ thuật Sotheby’s tại thị trường Việt Nam) tính cho đến thời điểm hiện tại, đã có 20 bức tranh Việt được giao dịch ở mức triệu đô la Mỹ trên thị trường đấu giá. Điều này đã tạo ra sự khích lệ tinh thần với các nhà sưu tập trong nước, đặc biệt là sự quan tâm tới các tác phẩm thời kỳ mỹ thuật Đông Dương.
Tuy vậy, việc hồi hương tranh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tranh càng có giá trị lớn về kinh tế thì càng dễ bị làm giả. Với một thị trường còn có những khoảng trống về tư liệu tham chiếu, chứng minh, thiếu nhân chứng… nguy cơ mua phải tranh giả là rất cao. Đặc biệt, khi việc làm giả tranh và “dựng hồ sơ giả” cho tranh ngày càng tinh vi.
Còn nhớ triển lãm “Những kiệt tác trở về từ Châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cách đây mấy năm khiến dư luận dậy sóng khi hầu hết các tác phẩm được trưng bày là tranh giả. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Đôi khi những sàn đấu giá nổi tiếng thế giới vẫn lọt lưới và đấu giá thành công những tranh giả của các họa sĩ Đông Dương. Bây giờ kỹ thuật làm tranh giả ngày càng tinh vi nên không phát hiện một cách dễ dàng. Đây là điều mà tất cả các sàn đấu giá trên thế giới đang đối đầu”.
Bên cạnh đó, tranh “hồi hương” nhưng cơ hội ở lại quê hương chưa nhiều. Có một số người lợi dụng việc “hồi hương” tranh Việt như một cách bổ sung lý lịch cho tác phẩm, khi đã được giới thiệu tại quê nhà, ở các bảo tàng quốc gia… nhằm “tráng men”, thăm dò dư luận, nâng cao giá trị và “hợp lý hóa” xuất xứ tác phẩm.
Chế tài xử lý sao chép tranh có đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước nhưng công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực mỹ thuật nước ta còn yếu. Luật Mỹ thuật chưa có cũng là một hạn chế trong việc xử lý nạn tranh giả, khiến nhiều nhà sưu tầm lo lắng…
Nhu cầu hồi hương tranh Việt là có thật và đang mang lại nhiều giá trị cho đời sống mỹ thuật nước nhà. Thiết nghĩ, chúng ta cần tập trung cho việc tạo ra hành lang pháp lý và hệ sinh thái hỗ trợ cho các nhà sưu tầm để những tác phẩm quý có thể rộng đường hồi hương, tạo thêm động lực để phát triển thị trường mỹ thuật.
Mai Đình