Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, có 745/2.711 sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề (chiếm 27,48 % tổng sản phẩm OCOP toàn thành phố).
Trao quyết định công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề Hà Nội năm 2023. |
Đến nay, có 15 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận danh hiệu, gồm 4 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”, 11 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” (tăng 9 làng so với năm 2022). Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”.
Sau khi được công nhận danh hiệu làng nghề, các làng nghề đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả, một số làng nghề đã thành lập Hội làng nghề hoặc Ban quản lý làng nghề (tiền thân của Hội làng nghề) để hỗ trợ, liên kết trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như gắn kết giữa các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề.
Về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thực hiện Kế hoạch của Hội đồng OCOP Thành phố về việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023, dự kiến đánh giá khoảng 400 sản phẩm. Trên cơ sở kế hoạch của Hội đồng OCOP Thành phố, ngay từ đầu năm Sở NN&PTNT đã đôn đốc các huyện đăng ký và xây dựng kết hoạch triển khai. Tổ tư vấn phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đã phối hợp với các địa phương để đánh giá, phân hạng.
Kết quả, Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch Thành phố giao (400 sản phẩm). Trong đó có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao, của 200 chủ thể; sản phẩm được đánh giá đa dạng về chủng loại, gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế, biến; 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống; 16 sản phẩm đồ uống… Tổng số sản phẩm từ làng nghề tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 là 141/544, chiếm 25,9%.
Trao chứng nhận sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023. |
Lũy kế đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển chương trình OCOP.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, của Thành phố về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn, phát triển làng nghề để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động. Thường xuyên rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn, phát triển làng nghề. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thống nhất triển khai trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển nghề, làng nghề.
Tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả chương trình OCOP năm 2024; tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn; hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online… để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.