Chiều 10/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn giám sát số 02 của Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ trì giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc Hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị |
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Tấn cho biết, từ sau khi có Chỉ thị số 13-CT/TU đến nay, Sở đã tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành 18 Quyết định phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện của 17 huyện và thị xã Sơn Tây.
Đối với công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, Sở TN&MT tham mưu UBND trình HĐND Thành phố ban hành nghị quyết thông qua danh mục công trình dự án thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn.
Về việc thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, căn cứ Quy hoạch sử dụng đất, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, Sở TN&MT trình UBND Thành phố quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, đã giao 89,57ha đất, cho thuê 82,88ha đất sử dụng để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng với 100.41ha (đất lúa) sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư được bảo đảm công khai, minh bạch. Hiện UBND Thành phố đang tập trung chỉ đạo và tổng kết nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020; chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm của Trung ương, Thành phố như: Dự án Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án mở rộng trụ sở Bộ Công an; tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại trong giải phóng mặt bằng còn tồn đọng, chuyển tiếp từ Luật Đất đai 2003 sang (như giao đất dịch vụ). Đến nay đã giao đất dịch vụ, tham mưu đề xuất giải quyết các tồn tại, vướng mắc đạt trên 81%.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam báo cáo, giải trình với đoàn giám sát. |
Trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản, thời gian qua Sở TN&MT đã chủ trì thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép – đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông trái phép; vận chuyển kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép và hoạt động không giấy phép bến thủy nội địa của các bấn bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông…
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn đánh giá, Sở TN&MT đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ và Kế hoạch số 157/KH-UBND của UBND Thành phố đến các xã, phường, thị trấn và nhân dân trên địa bàn Thành phố. Từ đó Chỉ thị đã có tác động mạnh mẽ, đi vào cuộc sống của nhân dân; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung về chủ trương, giải pháp thực hiện của Ban Thường vụ Thành ủy; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động từ tổ chức Đảng đến cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất, khoáng sản trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra báo cáo của Sở còn chưa rõ nét về vai trò của cấp ủy Sở trong triển khai Chỉ thị; chưa tổng hợp rõ nét hệ thống văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; chưa có kết quả rõ nét sau khi Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Chỉ thị, UBND Thành phố ban hành kế hoạch về nội dung này. Một số bất cập trong quá trình thực hiện như một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, chưa thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện; một số địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU nhưng chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn thực hiện; sự phối hợp với các cơ quan trong giải quyết, xử lý vi phạm về đất đai, khoáng sản chưa được chặt chẽ…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Phạm Thị Thanh Mai trao đổi tại buổi giám sát. |
Kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ rất quan trọng được Ban Thường vụ Thành uỷ tập trung chỉ đạo, từ việc ban hành Chỉ thị đến quán triệt, triển khai sâu rộng trong các cấp ủy.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở rà soát lại báo cáo, đưa ra được bức tranh tổng thể trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, đưa ra số liệu chi tiết, đặc biệt là công tác quản lý, khai thác cát trên địa bàn Thành phố. Chú ý báo cáo phải theo tiêu chí của cấp uỷ, thể hiện rõ vai trò của cấp uỷ Đảng; đánh giá rõ kết quả đạt được, chuyển biến sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị, UBND Thành phố ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị này. Đồng thời nêu rõ trách nhiệm của Sở trong tham mưu Thành phố thực hiện nhiệm vụ, chú trọng vào các nội dung: công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, sử dụng tài nguyên,…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị Sở TN&MT chú trọng tuyên truyền, quán triệt thực hiện Chỉ thị; phân công rõ trách nhiệm trong Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Sở, xác định công tác phối hợp để triển khai hiệu quả Chỉ thị này.
Trần Vũ
Cần đánh giá tổng thể công tác quản lý, khai thác cát trên địa bàn thành phố (laodongthudo.vn)