Thành cổ Cổ Loa – điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô

Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương.

Thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, như vua An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu-Trọng Thủy…, mà còn là điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô.

Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha, được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.

Tương truyền, thành có chín vòng hình xoáy trôn ốc nên người dân thành xưa còn gọi là thành Ốc. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên hiện tại thành chỉ còn ba vòng với những dấu tích xưa, đó là thành nội, thành trung và thành ngoại.

Thành ngoại có chu vi khoảng 8km, được xây dựng theo phương pháp đào đất tới đâu khoét hào tới đó, đắp thành, xây lũy liền kề. Các lũy xưa cao từ 4-5m đặc biệt có chỗ cao từ 8-12m. Thành trung có chu vi khoảng 6,5km, cũng có kết cấu như thành ngoại nhưng diện tích hẹp và kiên cố hơn. Thành nội có diện tích khoảng 2km2, là nơi ở của vua An Dương Vương cùng các cung tần, mỹ nữ và quan lại dưới triều.

Đền Thục An Dương Vương được xây dựng năm 1687, đời vua Lê Hy Tông, sửa lại năm 1689, thường gọi là đền Thượng.
Giếng Trọng Thủy-Mỵ Châu nằm ngay cửa đền An Dương Vương.
Cổng chính của đền An Dương Vương còn lưu giữ được gần như toàn bộ những nét kiến trúc xưa.
Nét kiến trúc cổ kính trong khu di tích Cổ Loa.
Tượng tướng Cao Lỗ, vị tướng giỏi dưới thời vua Thục Phán, ông là người sáng tạo ra nỏ Liên Châu (một loại nỏ bắt được nhiều mũi tên cùng lúc)
Mắt rồng gồm hai giếng tròn nhỏ, nằm hai bên hông cửa chính bên ngoài đền thờ An Dương Vương.
Du khách tham quan, khám phá di tích Cổ Loa.

Thành Cổ Loa có rất nhiều tên gọi khác nhau như Loa thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai.

Ngày nay, trong khu di tích Cổ Loa còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đền thờ tướng Cao Lỗ, am thờ công chúa Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn… Trong các đền chùa còn có nhiều hiện vật khảo cổ được khai quật trong Thành cổ như tượng đồng, mũi tên đồng và các món đồ bằng sứ, đá, được chạm khắc tinh tế.

Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đối với người dân nơi đây, thành Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.

Mặt bằng, mặt cắt hố khai quật thành ngoại năm 2012. (Ảnh: Tư liệu)
Trống đồng Cổ Loa được phát hiện năm 1982 tại khu Mả Tre, thuộc Xóm Chợ, nằm phía tây nam Cửa Nam thành Cổ Loa, có niên đại cách ngày nay trên 2.000 năm.
Rìu đá phát hiện ở Bãi Mèn, Cổ Loa, có niên đại cách ngày nay từ 3.000-3.500 năm.
Mô hình tái dựng nỏ Liên Châu, do tướng Cao Lỗ sáng tạo ra.

Hằng năm vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, người dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc./.

Khánh Long-Công Đạt (Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)