Dấu ấn trong hợp tác du lịch Hà Nội và các tỉnh thành ĐBSCL
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2024 (11 – 14/4 tại Hà Nội), sáng 11/4, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang – Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội 2024.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đánh giá, Hội nghị là hoạt động rất ý nghĩa giữa thành phố Hà Nội, tỉnh Kiên Giang và các tỉnh ĐBSCL nhằm tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến lĩnh vực du lịch giữa các địa phương, tăng cường hoạt động trao đổi khách du lịch nội địa.
Theo bà Đặng Hương Giang, Hà Nội – Kiên Giang cùng các tỉnh ĐBSCL là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú. ĐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đồng thời, là nơi giao thoa, hòa trộn các nền văn hóa dân tộc của người Kinh, Khmer, Chăm nên đã sớm hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc và giá trị.
“Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương ĐBSCL, ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh Kiên Giang, cùng tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng địa phương. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch Hà Nội luôn chủ động trao đổi thông tin cần thiết và kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước và hợp tác liên kết với Hiệp hội du lịch ĐBSCL”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng thời Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát gồm các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô tới Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau cùng các tỉnh thuộc ĐBSCL. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực hỗ trợ truyền thông, tham gia đồng chủ trì với Hiệp hội du lịch ĐBSCL tổ chức Hội thảo giới thiệu điểm đến ĐBSCL tại VITM Hanoi 2019.
Đã có nhiều các doanh nghiệp lữ hành du lịch Thủ đô tổ chức tour du lịch khám phá khu vực ĐBSCL và đạt được thành công nhất định. Do đó, việc tạo sân chơi kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa các tỉnh ĐBSCL với Thành phố Hà Nội là rất cần thiết.
Tiếp tục khơi thông nguồn lực, hợp tác phát triển du lịch Thủ đô với các địa phương
Bà Đặng Hương Giang chia sẻ, trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh ĐBSCL nói riêng và các tỉnh, thành phố cả nước nói chung, tại Hội nghị, Sở Du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và Vĩnh Phúc ký kết biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng đề xuất một số nội dung triển khai kế hoạch hợp tác về du lịch với các tỉnh, thành phố trong thời gian tới. Đó là tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước thống nhất xây dựng một số sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội.
Đồng thời phối hợp kêu gọi, hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực của Hà Nội nghiên cứu mở chi nhánh, văn phòng đại diện về du lịch, đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, vui chơi, nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội.
“Các địa phương cần phối hợp trong công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của các địa phương trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin đại chúng và đường dây hỗ trợ khách du lịch. Phối hợp với các cơ quan báo chí của Thành phố trong Chương trình liên kết chia sẻ thông tin, bài viết, phóng sự giới thiệu du lịch, sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến du lịch của các địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương”, bà Đặng Hương Giang nêu đề xuất.
Ngoài ra, cần phối hợp trong việc xuất bản các ấn phẩm chung về du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội; tổ chức tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về các điểm đến tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội; đăng tải logo và đường dẫn đến trang thông tin điện tử giữa hai thành phố nhằm quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch một cách hiệu quả.
Phối hợp tổ chức, tuyên truyền các ngày hội văn hoá, năm du lịch quốc gia, các sự kiện, các lễ hội… trên địa bàn Hà Nội nhằm quảng bá du lịch các tỉnh, thành phố gắn liền với quảng bá du lịch Việt Nam; là cơ hội giao lưu, hợp tác cùng phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội. Phối hợp tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó tập trung quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp khởi hành từ thành phố Hà Nội. Liên kết tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, youtuber đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch trên địa bàn nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao.
“Với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc đồng hành của các doanh nghiệp, đơn vị, tôi tin tưởng sẽ mang lại những kết quả thiết thực, tạo ra làn sóng mới cho du lịch các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam nói chung”, bà Đặng Hương Giang, khẳng định./.
Quỳnh Chi