Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vừa tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô.
Tại cuộc gặp mặt, nhiều chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xúc động chia sẻ về những ngày tham gia Chiến dịch. 70 năm trôi qua, những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi năm ấy giờ đã mắt mờ, chân chậm, nhưng kỷ niệm về những tháng ngày vào sinh, ra tử vẫn in đậm trong tâm trí họ.
Đã 98 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Tước (trú tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), vẫn nhớ rõ những ngày Trung đoàn Thủ đô nhận nhiệm vụ tại Chiến dịch Điện Biên Phủ và ông tham gia chiến đấu từ đầu đến cuối Chiến dịch: “Tôi không bao giờ quên được những trận đánh tại Him Lam, Hồng Cúm, Mường Thanh, đồi A1… Có những thời điểm chúng tôi phải đánh giáp lá cà, kiên quyết bảo vệ trận địa”.
Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tước cùng vợ dự cuộc gặp mặt, tri ân. |
Giành thắng lợi lịch sử tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn Thủ đô trong đội hình Đại đoàn quân Tiên phong được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trước ngày về tiếp quản, sáng 19/9/1954, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và một số đơn vị trực thuộc Đại đoàn được gặp Bác Hồ tại cửa đền Giếng, khu di tích Đền Hùng.
70 năm đã trôi qua, nhưng những lời Bác dạy hôm đó luôn được người cán bộ lão thành cách mạng khắc cốt, ghi tâm. Ông kể, Bác Hồ nói rất kỹ về việc phải giữ phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ gìn nền nếp, tác phong, kỷ luật của quân đội. Đồng thời căn dặn các cán bộ, chiến sĩ “các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”…
Ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô cùng các đơn vị tiến về giải phóng Thủ đô. “Sau khi tiếp quản, Đại đội 263, Tiểu đoàn 18 chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên. Khi ấy, chúng tôi được lệnh tổ chức chốt ở 2 đầu cầu, tuần tra kiểm soát. Ngày 10/10/1954, nhận tiếp quản cầu Long Biên, tôi trực tiếp treo cờ Tổ quốc lên cầu. Đứng trước lá cờ, chúng tôi đã thề, dù khó khăn đến đâu, vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Văn Tước nhớ lại.
Những tháng ngày gian khổ nhưng hào hùng
Ở tuổi 90, bác sĩ Trần Khắc Lộng, hiện đang sinh sống tại quận Hoàng Mai vẫn nhớ như in những ngày tháng tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông chia sẻ, khi vào Chiến dịch, ông là y tá. Để đến được trận địa phục vụ, ông cùng các thanh niên xung phong phải đi bộ hơn 300km, qua vài chục trọng điểm, mà nổi bật là trọng điểm Ngã ba Cò Nồi, tỉnh Sơn La – được mệnh danh là “chảo lửa” trên tuyến đường bảo đảm giao thông cho Chiến dịch.
Cựu thanh niên xung phong Trần Khắc Lộng. |
Là y tá phục vụ cứu chữa cho thanh niên xung phong bị thương ở ngã ba Cò Nòi, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tuyến từ đèo Chẹn qua ngã ba Cò Nòi đến T100. Dù đêm hay ngày, khi có người bị thương, ông đều tìm đường đến để cấp cứu, nhẹ thì sơ cứu rồi theo dõi, nặng thì phải tổ chức chuyển các thương binh về tuyến sau để cứu chữa.
Ngoài nhiệm vụ cứu thương, ông Trần Khắc Lộng tham gia cùng các thanh niên xung phong gánh đá, vá đường, san lấp hố bom, đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất… cho Chiến dịch. Mặt trận Điện Biên Phủ toàn thắng, nhiều đơn vị thanh niên xung phong còn ở lại, tiếp tục mở đường dọc sông Nậm Na, từ Ma Lù Thàng đến thị trấn Lai Châu; xây dựng đường sắt Hà Nội -Mục Nam Quan…
Hòa bình lập lại, ông Lộng đi học bổ túc văn hóa rồi thi đỗ vào Trường Đại học Y dược Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội, rồi được đi học tại Đức về tổ chức quản lý y tế. Về nước, ông tiếp tục phấn đấu rèn luyện, cống hiến cho ngành Y tế và trở thành Tổng Giám đốc Bảo hiểm y tế Việt Nam đầu tiên.
Năm nay, ông rất vui khi trở lại Điện Biên, thăm lại chiến trường xưa và thắp hương cho những người đồng đội đã anh dũng hy sinh…
Những hồi ức của các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng sinh động, chân thực nhất về những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về lòng biết ơn với các thế hệ cha anh và vun đắp thêm lòng yêu nước, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.