Chương trình tọa đàm với các khách mời đặc biệt. |
Tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan đã thay mặt lãnh đạo huyện trình bày diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai nêu rõ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, của quân và dân ta”.
Theo ông Bùi Hoàng Phan, Thanh Oai là huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, huyện Thanh Oai đã có hàng nghìn lượt người con ưu tú lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó có tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (cách đây 70 năm). Nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Nhiều người trở thành thương binh, bệnh binh…
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. |
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai mãi mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã không tiếc máu xương vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”, Bí thư Bùi Hoàng Phan bày tỏ.
Người đứng đầu Đảng bộ huyện Thanh Oai nhấn mạnh, phát huy tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ, tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn huyện Thanh Oai cần phải thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII về công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng với sự anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan phát biểu tại buổi lễ. |
Đồng thời, tiếp tục chăm lo thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với các gia đình chính sách, người có công, các thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ; ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, xây dựng huyện Thanh Oai ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
Tham gia chương trình tọa đàm tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Phương (xã Thanh Mai) từng là một thiếu sinh quân – tham gia kháng chiến từ năm 14 tuổi và là nhân chứng trực tiếp tham gia chiến đấu tại Đồi A1 đã kể về tình hình chiến sự tại Điện Biên lúc bấy giờ, với tinh thần quả cảm, lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, chiến đấu dũng cảm, sáng tạo không sợ hy sinh của quân và dân ta, lập nên chiến thắng vẻ vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Mãi mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, của các chiến sĩ Điện Biên. |
“Tôi nhập ngũ khi mới 17 tuổi, đó là năm 1953, với nhiệt huyết và sức trẻ chúng tôi hành quân từ Thanh Hóa vào Điện Biên trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, vai đeo gạo, đeo súng cùng đồng đội kéo pháo, đào hào chuẩn bị cho chiến dịch đồi Him Lam, tham gia chiến dịch đánh lấn. Mặc dù khó khăn vất vả nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Hôm nay được ngồi đây, được gặp đồng chí, đồng đội, được ôn lại kỷ niệm, cảm xúc vỡ òa, sung sướng như mới ngày hôm qua khi quân địch đầu hàng, Điện Biên Phủ được giải phóng. Tôi cũng rất vinh dự tự hào và may mắn khi còn được sống lại cùng những giây phút lịch sử hào hùng của dân tộc, vui lắm vì sắp tới đây tôi được đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng…”, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sâm (thị trấn Kim Bài) – nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên là Phó phòng Chính sách Quân khu Thủ đô xúc động nói.