Hội nghị có sự hiện diện của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, là những người có nhiều đóng góp về chất xám vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Đại biểu Trung ương dự hội nghị có: Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Trường Giang; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Hữu Phú.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự và chủ trì hội nghị có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên.
Cùng dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương và sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong những năm qua, Hà Nội luôn dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực khoa học – công nghệ, với mục tiêu xuyên suốt là: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc; lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định, đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã và đang triển khai thực hiện gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 Chương trình khoa học – công nghệ cấp thành phố và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỷ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100%, các đề tài, đề án được áp dụng khoảng 90%.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. |
Mức đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của thành phố Hà Nội tăng dần hằng năm (năm 2023 là 62,86%). Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn ở vị trí dẫn đầu toàn quốc.
2 năm liên tục (2022, 2023), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước; số lượng vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh lần lượt chiếm hơn 38% và 40% xét trên quy mô cả nước.
Trên địa bàn Thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… mang lại hiệu quả kinh tế cao và khẳng định được vai trò tiên phong ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, thời gian qua, Thành phố đã triển khai 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong quá trình triển khai, Thành phố đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ, tham gia góp ý, tư vấn, phản biện rất tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu. |
Đến nay, 2 Quy hoạch của Thủ đô đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị và đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình, xin ý kiến Quốc hội khoá 15 tại Kỳ họp 7; dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng sẽ được trình Quốc hội khoá 15 xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 này.
Luật Thủ đô sửa đổi và 2 quy hoạch được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý và tiền đề đặc biệt quan trọng, góp phần kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới; tạo lập thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và là cơ sở để thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Với những kết quả, thành tựu của Thành phố đã đạt được, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhiệt liệt biểu dương và trân trọng cảm ơn những đóng góp, cống hiến thầm lặng của các thế hệ chuyên gia, nhà khoa học của Thủ đô và cả nước.
“Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, lãnh đạo Thành phố mong muốn được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời trân trọng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất nhiều ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo, cùng đồng hành xây dựng Thủ đô Hà Nội – Xanh – Văn hiến – Văn Minh – Hiện đại; có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang đánh giá Thủ đô Hà Nội đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển khoa học và công nghệ… Thời gian qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng tích cực, đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển Thủ đô.
Bằng hoạt động của mình, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã làm gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; tham mưu, tư vấn, phản biện, cung cấp nhiều luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đạt được nhiều thành tựu trong những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu; góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cải thiện năng suất lao động, hiệu quả sản xuất – kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế – xã hội.